Sáng 4/5, tại Thanh Hóa, hơn 537.000 trẻ mầm non và HS khối tiểu học trong toàn tỉnh đã đi học trở lại sau 3 tháng tạm nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, đối với những cơ sở mầm non công lập và ngoài công lập chưa đảm bảo các điều kiện diện tích phòng học, đội ngũ giáo viên thì bố trí cho tiếp nhận trẻ từ 4 tuổi, 5 tuổi. Đối với trẻ 3 tuổi sẽ đến trường khi có thông báo.
Một giờ học của cô trò Trường mầm non Quảng thành, TP Thanh Hóa, thực hiện khoảng cách.
Trước đó, 21/4 HS các trường THCS, THPT, học viên giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, sinh viên đại học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã đi học trở lại.
Theo ghi nhận việc thực hiện giảm, giãn cách HS trong lớp, bố trí học lệch giờ, tăng ca, tăng lớp… đang khiến cho nhiều trường gặp khó, lúng túng, thậm chí khó thực hiện. Cô Phạm Thị Mai Thu, Hiệu trưởng Trường hợp Tiểu học Điện Biên 1 (TP. Thanh Hóa) cho biết: Theo yêu cầu của cấp ngành Thanh Hóa nói riêng, trước khi các em quay trở lại trường học, nhà trường đã thực hiện tổng dọn vệ sinh, khử khuẩn và chuẩn bị phương án giãn cách bảo đảm an toàn cho học sinh. Trong đó, đặc biệt lưu ý thực hiện các nội dung như: Đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, lệch chỗ ngồi để bảo đảm khoảng cách an toàn. Thường xuyên liên hệ với địa phương và gia đình học sinh kịp thời nắm bắt tình hình để không có học sinh nghi nhiễm, có biểu hiện ho, sốt, khó thở… đến trường.
Khó khăn lớn nhất với Trường TH Điện Biên 1 lúc này là việc thực hiện giảm, giãn cách học sinh. Theo đó, nhà trường có tổng số hơn 1 nghìn học sinh, với 28 nhóm lớp và 40 cán bộ giáo viên. Sau khi thực hiện giãn cách, số lớp tăng lên 36 lớp. Nhà trường đã phải chia tách 18 lớp buổi sáng (trong đó có 4 lớp HS gộp), buổi chiều 18 lớp (trong đó có 4 lớp HS gộp). Việc gia tăng số lớp kéo theo số giáo viên cũng tăng theo.
Việc các cô, thầy phải dạy học cả ngày, trong khi phụ cấp bằng không đã đang khiến cho các thầy cô làm việc quá sức. Về trước mắt, nhà trường có thể động viên thầy cô, nhưng về lâu dài sẽ khó thực hiện. Bên cạnh đó, về chuyên môn cũng ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều học sinh phải xen gộp lớp mới, bạn bè lớp mới, thay đổi thời gian biểu… dẫn tới không quen, khả năng tập trung học giảm, thậm chí HS quên thời khóa biểu… là những bất cập khiến nhiều phụ huynh ý kiến.
Trong khi đó, đối với khối mầm non, theo cô Trần Thị Thảo - Hiệu trưởng trường Mầm non Quảng Thành (Tp. Thanh Hóa) cho biết: Nhà trường có tổng số 675 cháu với 23 nhóm lớp. Để thực hiện việc giãn cách là hết sức khó khăn với nhà trường, nhất là khâu đưa đón các cháu. Các cô phải thay nhau túc trự từ cổng trường để hướng dẫn cho phụ huynh đưa đón con đảm bảo khoảng cách, khẩu trang, rửa tay sát trùng… Bên cạnh đó, các cháu 100% là ở bán trú nên việc bố trí khoảng cách chỗ ăn, chỗ ngủ đảm bảo cự ly là hết sức khó khăn…
Trường mầm non Quảng thành, TP Thanh Hóa.
Theo đó, đối với trường THCS Đông Hải (TP Thanh Hóa), thầy Nguyễn Trung Tình, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Hải lo lắng: Trường có gần 490 HS, nhưng toàn trường chỉ có 12 phòng học. Theo đó, mỗi lớp có số HS từ 42 đến 45 em. Lâu nay, nhà trường chỉ dạy học 1 buổi/ngày, nay thực hiện giảm và giãn HS trong lớp bảo đảm theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 của ngành chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thầy Tình phân tích, với số lượng HS hiện có, nếu thực hiện giảm, giãn HS trong một lớp theo yêu cầu, nhà trường cần thêm ít nhất 8 phòng học nữa, điều này là rất khó khăn vào lúc này. Với phương án tách lớp, chia 2 buổi cho HS học cũng được bàn tới, tuy nhiên khó thực hiện vì liên quan đến bố trí chuyên môn, phân công giáo viên giảng dạy, chi trả phụ cấp cho giáo viên khi tăng tiết, tăng giờ dạy...
Không chỉ Trường THCS Đông Hải, hầu hết các trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa đang gặp phải khó khăn trên. Ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa thừa nhận những bất cập trên và phòng cũng đang tích cực nắm bắt tình hình, phân tích và tìm hướng giải quyết. Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là tập trung chỉ đạo các nhà trường phải làm tốt công tác vệ sinh môi trường, quản lý tốt sức khỏe HS. Không tổ chức các hoạt động ngoại khóa, không tập trung quá đông HS vào cùng một thời điểm như ra chơi, lúc tan học. Rút ngắn thời gian nghỉ giải lao giữa các tiết học...