Theo kế hoạch, đề án được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 (2021 - 2025), giai đoạn 2 (2026 - 2030). Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 1.115 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước dự kiến hơn 158 tỷ đồng, vốn kêu gọi đầu tư dự kiến là 898 tỷ đồng, vốn hợp pháp khác dự kiến hơn 59 tỷ đồng.
Dự án sẽ được thực hiện trên toàn bộ 10.292 ha thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh. Trong đó, riêng diện tích các điểm du lịch sinh thái là 152 ha, cụ thể: Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Pù Rinh 48 ha; Điểm du lịch sinh thái thác Ma Hao 52 ha; Du lịch chăm sóc sức khoẻ Làng Thiền 25 ha; Điểm du lịch Thung Bằng 12 ha; Điểm du lịch đền Lê Lợi – Ghế đá Lê Lợi 15 ha.
Vẻ đẹp của thác Ma Hao(Lang Chánh)- một trong những điểm du lịch sinh thái thú vị của dự án
Ngoài ra, đề án còn mở rộng khai thác tiềm năng của các điểm tham quan khác như thác mây và thác 7 tầng; thác Xanh (thác Dốc Đá), thác Đá đen; thác Ông, thác Bà; thác Hón Lối; điểm tham quan tâm linh Đền Mẫu Chúa Thượng Ngàn, điểm tham quan núi Chí Linh… Các điểm tham quan được mở rộng có diện tích gần 60 ha.
Đồng thời liên kết các điểm du lịch thành các tuyến như Pù Rinh; Tuyến Thách Xanh – Làng Thiền – Đền Mẫu; tuyến Đền Tên Púa – Thác Hón Lối – Làng Húng; Làng Thiền – Pù Pa Mút,… và nhiều hạng mục khác.
Mục tiêu là đến năm 2025, dự án sẽ thu hút được ít nhất 50.000 lượt khách du lịch/năm; tổng thu từ hoạt động du lịch hàng năm đạt ít nhất 60 tỷ đồng. Thu hút được ít nhất ba nhà đầu tư để liên doanh và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch trong rừng phòng hộ. Đến năm 2040 thu hút được ít nhất 150.000 lượt khách du lịch; tổng doanh thu du lịch đạt 120 tỷ đồng. Thu hút được ít nhất thêm 5 nhà đầu tư để liên doanh, liên kết và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch.
Được biết, nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho dự án sẽ được bố trí sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, định mức, tiêu chí phân bổ Ngân sách Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo tổng mức đầu tư công trong giai đoạn 2021 – 2025 cho tỉnh Thanh Hoá.