Thanh Hóa: Ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và mở cửa đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh

Thảo Huyền

Vừa qua, Thanh Hóa đã chính thức ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và mở cửa Chính điện Lam Kinh đón du khách vào tham quan.

Sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch COVID-19, nhu cầu du lịch của du khách đã có sự thay đổi rất lớn theo hướng dịch vụ trực tuyến. Hình thức du lịch thông minh này được dự báo sẽ thay thế nhiều công đoạn của dịch vụ truyền thống, đặt ngành du lịch các địa phương vào yêu cầu phải thúc đẩy nhanh hơn công cuộc chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu và thích ứng với xã hội. Trước yêu cầu đó, vừa qua, Thanh Hóa đã chính thức ra mắt sản phẩm du lịch thông minh MobiFone Smart Travel nhằm thích ứng thực tiễn số hóa ngành du lịch.

th1-1649170326.png
Thanh Hóa ra mắt sản phẩm du lịch thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch công nghệ số đối với du khách.

Sản phẩm du lịch thông minh MobiFone Smart Travel là thành quả đầu tiên của thỏa thuận hợp tác ba bên giữa Tổng cục du lịch - UBND tỉnh Thanh hóa và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone ký kết tháng 4/2021.

Tại ứng dụng MobiFone Smart Travel, những danh lam, thắng cảnh xứ Thanh như Khu di tích Lam Kinh, Thành nhà Hồ, Am Tiên (Đền Nưa), Pù Luông với những thông tin, hình ảnh được tái hiện sinh động, hoàn chỉnh và sẵn sàng trên các kho ứng dụng của Apple Stone, Google Play Store… phục vụ công cuộc tìm kiếm, lựa chọn và trải nghiệm hành trình của du khách trên phạm vi toàn cầu.

Được biết, tại Thanh Hóa, dự án du lịch thông minh được triển khai trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung xây dựng ứng dụng du lịch thông minh và số hóa nhiều địa điểm du lịch của Thanh Hóa với các tính năng: Trải nghiệm du lịch VR 360; trải nghiệm du lịch nội khu bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường AR; tìm kiếm và tra cứu thông tin du lịch.

Với sản phẩm du lịch thông minh, chính thức đưa du lịch Thanh Hóa hội nhập vào dòng chảy du lịch hiện đại, giàu tiện ích. Qua hình thức này, khách du lịch sẽ dễ dàng tiếp cận các điểm đến, dịch vụ du lịch, tăng cường cơ hội trải nghiệm.

Trong giai đoạn 2 sắp tới, sẽ tập trung phát triển các tính năng nâng cao về kết nối các tổ chức lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu giải trí.

Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các khu du lịch trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch tự động; 100% các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được lắp dựng hệ thống mạng internet không dây công cộng phục vụ khách du lịch; 100% máy tra cứu thông tin du lịch và dịch vụ được lắp tại các khu vực như Cảng hàng không Thọ Xuân, Ga Thanh Hóa, Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và các khu du lịch trọng điểm.

Cũng trong dịp này, Thanh Hóa chính thức công bố đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh - một công trình vừa được phục dựng thuộc quần thể di tích lịch sử Quốc gia Lam Kinh.

th2-1649170410.png
Mở cửa đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh

Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh). Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính: Điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh; Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.

Thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy”, một tiêu chuẩn vàng trong phong thủy của người Á Đông. Phía Bắc của kinh thành dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng.

Trải qua những biến cố trong lịch sử, quần thể kiến trúc Điện Lam Kinh đã gần như không còn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các hạng mục di tích tại Lam Kinh đã được nghiên cứu, bảo tồn, nhiều hạng mục di tích đã được phục dựng, tu bổ, dần dần tái hiện phần nào diện mạo ban đầu của Điện Lam Kinh.

Năm 2010, Chính điện Lam Kinh chính thức được khởi công bảo tồn, phỏng dựng trên cơ sở nền móng và hệ thống chân tảng còn lại qua các lần khai quật khảo cổ. Theo tư liệu khảo cổ, Chính điện Lam Kinh là công trình kiến trúc gỗ lớn nhất và phức tạp nhất, vì thế việc nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu, sản xuất các mẫu trang trí con giống, hoa văn và lựa chọn phương án thi công, bảo đảm đúng quy trình thi công thủ công truyền thống phải mất nhiều công sức, thời gian.

Chính điện Lam Kinh sau khi hoàn thành với kiến trúc mang đậm phong cách nhà Lê, kết cấu là một công trình kiến trúc gỗ được chạm khắc tỉ mỉ, công phu, gồm 3 tòa điện lớn, xây trên nền đất rộng, cao 1m80 so với mặt sân Rồng. Mặt bằng của Điện được xây dựng theo kiểu kiến trúc hình chữ Công (I), tổng cộng 3 tòa nhà có 19 gian, 4 chái, với hơn 2.000m3 gỗ lim được thợ lành nghề thi công trong suốt nhiều năm.

Đây được xem là công trình bằng gỗ lim lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ngoài ra các hoa văn trang trí trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng; các linh vật, vân mây, hoa lá thời Lê, chạm nổi, chạm bong một số lớp có độ sâu dao động từ 10 cm – 20 cm. Mái lợp ngói mũi hài phục chế bằng đất nung… Phần nội thất Chính điện cũng cơ bản được hoàn thiện. Có thể nói, tòa Chính điện như linh hồn của di sản, mang lại cho Lam Kinh diện mạo của một kinh đô cổ xưa trên vùng đất xứ Thanh địa linh, nhân kiệt.

Với sự hiện hữu của Chính điện Lam Kinh, du khách đến với khu di tích Lam Kinh sẽ có thêm những trải nghiệm mới trong không gian cổ kính của tòa chính điện, để có thển nhạn diện đủ đầy và trọn vẹn hơn về Lam Kinh bề thế của vương triều nhà Hậu Lê cường thịnh. 

Có thể khẳng định, việc Thanh Hóa tổ chức lễ ra mắt sản phẩm du lịch thông minh và đón khách tham quan Chính điện Lam Kinh là sự kiện ý nghĩa và kịp thời khi Việt Nam chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời, với sự hỗ trợ của công nghệ số, Khu di tích lịch sử Quốc gia Lam Kinh và các tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của Thanh Hóa sẽ được nâng tầm, mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo, tạo ra diện mạo mới đầy sức hút của du lịch xứ Thanh.

Lâm Ngọc