Thanh Oai - Hà Nội: Cần minh bạch trong việc cung cấp nước sạch cho dân

Thảo Huyền

Muốn sử dụng nước sạch, người dân của xã Phương Trung, huyện Thanh Oai phải nộp cho công ty nước sạch Thanh Oai 3 triệu đồng để mua đồng hồ nước. Việc làm này đã diễn ra từ nhiều năm nay và có dấu hiệu huy động vốn trái phép. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai thừa nhận dự án nước sạch của công ty nước sạch Thanh Oai chưa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

 

Chưa phê duyệt dự án, vẫn ngang nhiên bán nước

Huyện Thanh Oai (TP. Hà Nội) là huyện ngoại thành, cách trung tâm Thủ đô chưa đầy 30km. Thế nhưng, tỉ lệ người dân dùng nước sạch ở huyện này tính đến tháng 10/2019 mới chỉ đạt 63,26% (theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức ngày 22/10/2019). Theo số liệu trên, nhiều người dân ở huyện Thanh Oai vẫn đang hàng ngày “khát” nước sạch, phải dùng nước mưa hoặc nước giếng khoan để ăn uống, sinh hoạt.

Nắm được tâm lý “khát” nước sạch của người dân, trong thời gian qua, công ty TNHH Đầu tư nước sạch và Môi trường Thanh Oai (công ty nước sạch Thanh Oai – PV) đã tiến hành lắp đặt hệ thống nước sạch cho các hộ dân ở 3 xã của huyện Thanh Oai là xã Phương Trung, Đỗ Động, Kim Thư và thị trấn Kim Bài. Nhưng để nước sạch về đến tận nhà thì mỗi hộ dân phải nộp 3 triệu đồng để mua 1 đồng hồ nước do công ty nước sạch Thanh Oai cung cấp. Việc bán đồng hồ nước với giá như trên, theo nhiều người dân xã Phương Trung là quá cao và có dấu hiệu không minh bạch.

Cụ thể, hộ gia đình ông Lưu Văn Tr. (thôn Tân Dân 2, xã Phương Trung) cho biết, nhà ông đấu nối nước sạch từ ngày 31/7 và phải mua đồng hồ nước với giá 3 triệu  đồng. Tuy nhiên gia đình ông Tr. lại không hề nắm được thông tin về dự án cấp nước cũng như việc bán đồng hồ nước với giá 3 triệu đồng của công ty nước sạch Thanh Oai.

“Khi chưa có nước sạch, nhà tôi phải đầu tư máy lọc nước với giá 10 triệu để ăn uống. Chúng tôi rất muốn có nước sạch để dùng hàng ngày thay cho nước giếng nhưng giá đồng hồ nước quá cao. Họ (công ty nước sạch – PV) bảo đóng thì tôi phải đóng. Thông tin về dự án cấp nước chúng tôi không nắm được, chỉ thấy họ đào đường lắp ống thì biết có nước sạch. Thông tin 3 triệu/1 đồng hồ là do người của nhà máy nước sạch nói và nhiều người dân từng lắp trước đó truyền tai nhau chứ không hề có thông báo chính thức nào từ chính quyền hay của nhà máy nước”, ông Tr. thông tin.

Đồng hồ nước giá 3 triệu đồng mà người dân xã Phương Trung phải đóng cho công ty nước sạch Thanh Oai khi muốn dùng nước sạch

Đồng quan điểm với ông Tr., hộ gia đình ông Lưu Đức D. (xã Phương Trung) phản ánh: “Nhà tôi lắp nước sạch từ năm 2019 và cũng phải nộp 3 triệu đồng nhưng không thấy có phiếu thu, giấy tờ kiểm định chất lượng đồng hồ cũng không thấy có. Nhà nào muốn lắp thì đăng kí với công ty. Theo tôi thấy đồng hồ nước này giá trị thực tế không đến 3 triệu đồng, nó chỉ vào khoảng chưa đến 1 triệu”.

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, công ty nước sạch Thanh Oai đã cung cấp nước sạch cho gần 500 hộ dân thuộc 5 thôn trong xã Phương Trung và điều hiển nhiên, việc thu 3 triệu  đồng từ mỗi hộ dân dùng nước sạch của công ty không thông qua chính quyền địa phương.

Sau khi nắm bắt được sự việc, PV đã chuyển thông tin phản ánh của người dân tới các cơ quan chức năng của huyện Thanh Oai để xem xét, làm rõ. Ngày 8/9, tại UBND huyện Thanh Oai, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai thừa nhận dự án nước sạch của công ty nước sạch Thanh Oai chưa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Dự án được triển khai từ năm 2017, đáng nói, công ty nước sạch Thanh Oai chỉ là công ty con của công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành (công ty Hùng Thành – PV). Việc lập dự án nước sạch do công ty Hùng Thành đảm nhiệm hay nói cách khác, công ty Hùng Thành chính là chủ đầu tư của dự án này, còn công ty nước sạch Thanh Oai chỉ là đơn vị được giao quản lý, khai thác, vận hành và cung cấp nước sạch tại trạm cấp nước sạch thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai).

Theo ông Trường, dự án nước sạch của công ty Hùng Thành mới chỉ được sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 2809/KH&ĐT-ĐTCT ngày 18/5/2017. Tuy nhiên, văn bản vừa nêu chỉ là văn bản ban hành về việc hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án cấp nước sạch cho các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai. Trong đó sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đề nghị công ty Hùng Thành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án trên địa bàn các xã đã được liên ngành thống nhất tại cuộc họp, gửi sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã ban hành văn bản số 2809/KH&ĐT-ĐTCT ngày 18/5/2017 về việc hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án cấp nước sạch cho các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai

Từ thông thông tin trên cho thấy, việc lắp đặt hệ thống cấp nước và bán nước sạch cho người dân 3 xã Phương Trung, Đỗ Động, Kim Thư và thị trấn Kim Bài đã không đúng theo quy định của pháp luật khi dự án cấp nước sạch chưa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Từ năm 2017 cho đến nay, thủ tục pháp lý của dự án vẫn chưa được phép triển khai nhưng không hiểu vì lý do gì, dự án đã được chủ đầu tư tiến hành lắp đặt hệ thống cấp nước và bán nước cho người dân, thậm chí còn thu 3 triệu đồng/1 đồng hồ một cách công khai trong thời gian dài mà UBND xã Phương Trung và UBND huyện Thanh Oai lại không hề có động thái gì về việc này.

Huy động vốn trái phép bằng hình thức bán đồng hồ nước

Sau khi nhận được phản ánh của báo chí, để xác minh rõ sự việc, các cơ quan chức năng của huyện Thanh Oai đã tổ chức hội nghị tại trụ sở xã Phương Trung với sự tham gia của các thành phần như bí thư đảng ủy xã, hội đồng nhân dân, cùng các ban ngành của xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn…và công ty nước sạch Thanh Oai. Tại hội nghị, công ty nước sạch cũng đã có báo cáo giải trình về việc bán cho mỗi hộ dân 3 triệu đồng/1 đồng hồ nước.

Theo đó, việc thu 3 triệu đồng/1 đồng hồ thực chất là hình thức huy động vốn của chủ đầu tư. Theo ông Trường, khi triển khai các dự án nước sạch, các doanh nghiệp phải đi vay vốn, nên được phép huy động vốn. Chỉ có điều, huy động vốn bằng hình thức nào thì phải xây dựng đề án và phải có sự công khai minh bạch, nhận được đồng thuận của người dân.

Phiếu thu của công ty nước sạch Thanh Oai cũng thể hiện việc thu 3 triệu đồng của người dân là để lắp đặt đồng hồ nước

Thế nhưng, như đã nói ở trên, dự án nước sạch của công ty Hùng Thành lại chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt nên việc huy động vốn của chủ đầu tư cũng chưa được các cơ quan chức năng thông qua. Cũng theo xác minh của PV, người dân xã Phương Trung không hề biết về việc “huy động vốn” của chủ đầu tư mà chỉ biết chủ đầu tư yêu cầu nộp 3 triệu đồng với mục đích mua đồng hồ nước. Thậm chí chủ trương nộp tiền để lắp đặt nước sạch cũng chỉ được người dân “truyền tai nhau”, người lắp trước bảo người lắp sau, chứ không hề có một thông báo chính thức bằng văn bản từ chủ đầu tư hay từ chính quyền địa phương.

Hợp đồng dịch vụ cấp nước của công ty nước sạch Thanh Oai với người dân không hề đề cập tới việc huy động vốn hay mua đồng hồ nước với giá 3 triệu đồng

Cũng theo ông Trường, sau khi xác minh, cơ quan chức năng đã có văn bản nêu rõ việc lắp đồng hồ nước và cấp nước cho người dân khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt là chưa đúng. Nhưng hiện tại, trước những sai phạm kéo dài nhiều năm của công ty nước sạch Thanh Oai và chủ đầu tư là công ty Hùng Thành, cơ quan chức năng mới chỉ đề nghị chủ đầu tư phải dừng không được triển khai dự án nữa. 

Như vậy, người dân có quyền đặt ra nghi vấn rằng nếu đây là hình thức huy động vốn thực sự thì sau khi góp vốn, dự án đi vào hoạt động, tiền vốn dân đã góp sẽ được xử lý thế nào? Trước những thông tin trên, có lẽ các cơ quan ban ngành liên quan cần nhanh chóng vào cuộc để minh bạch những khoản tiền đã thu từ người dân.

Chúng tôi tiếp tục thông tin với bạn đọc.

Quang Linh