Thế nào là 'Hạnh phúc' trong những ngày chống dịch Covid-19?

Huy Hoàng

Chỉ cần được sống, được khoẻ mạnh, được trở về trong vòng tay yêu thương là niềm hạnh phúc lớn lao với nhiều người trong thời điểm này.

Con người dành cả đời để kiếm tìm một định nghĩa riêng biệt về hạnh phúc. Ở mỗi giai đoạn, "Hạnh phúc" hiện hữu dưới muôn hình, dáng vẻ khác nhau. Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) năm nay đến trong khi "cơn bão" mang tên Covid-19 đe doạ tính mạng, làm xáo trộn cuộc sống của con người thì ý niệm về "Hạnh phúc" càng trở nên rõ ràng hơn. Nó khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ về "Hạnh phúc".

 

Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3). 

Đó là khi người ta cận kề với cái chết; đó là khi người ta tuyệt vọng tìm mọi cách thức để kịp đáp chuyến bay cuối cùng trở về quê hương trước giờ lệnh cấm bay được thực thi; đó là khi người ta cảm thấy cuộc sống của những người mình yêu thương bị đe doạ...thì hạnh phúc chỉ đơn giản là được duy trì cuộc sống thường nhật.

Hạnh phúc là được sống, được khoẻ mạnh

Chỉ trong vài tháng qua, cả thế giới chao đảo vì đại dịch Covid-19. Mỗi ngày, khi nghe tin số ca nhiễm và tử vong ngày một gia tăng trong cộng đồng thì ai cũng lo âu, bất an nghĩ về bản thân và gia đình.

Khi nhịp sống thường ngày bị đảo lộn mới thấy những điều bình thường, giản dị lại là niềm hạnh phúc lớn lao. Hạnh phúc khi được sống khoẻ mạnh, hạnh phúc thấy bố mẹ vui vẻ tuổi già bên con cháu, hạnh phúc chứng kiến con cái ngoan ngoãn, trưởng thành...Trong lúc khó khăn càng trân trọng biết bao những khoảnh khắc sum vầy gia đình đầm ấm. Không lúc nào quý giá hơn lúc này để mỗi người chúng ta dành sự quan tâm cho nhau, chăm sóc nhau về sức khoẻ và tinh thần, cùng nắm tay vượt qua mùa Covid-19 an toàn. 

Hạnh phúc là được trở về quê hương 

Covid-19 bùng phát không thể kiểm soát tại nhiều quốc gia trên thế giới, reo rắc nỗi sợ hãi khiến người Việt ở nước ngoài mong muốn trở về quê hương. Nhiều người từ tâm dịch trở về đã vô tình mang virus SAR-CoV-2 lây lan trong cộng đồng. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 91 ca nhiễm Covid-19, trong đó nhiều ca là người Việt và du học sinh trở về. 

 

Đón công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về. 

"Cuộc chiến không có ai bị bỏ lại". Đất nước vẫn rộng lòng đón nhận những người con phương xa với hàng chục chuyến bay xuyên tâm dịch, chu đáo, chăm lo từng bữa ăn, khám sức khoẻ, hướng dẫn và điều trị nếu chẳng may bị bệnh. Chưa bao giờ tình người lại ấm áp như thế! Chẳng nơi đâu an toàn hơn vòng tay của mẹ cha, của đồng bào!

Hạnh phúc là được đón nhận và sẻ chia yêu thương

Góp sức ngăn chặn nguy cơ lây lan của Covid-19, câu chuyện về hàng ngàn y, bác sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên không quản vất vả, hiểm nguy rình rập tận tụy ngày đêm túc trực, hết lòng cứu chữa người bệnh.

 

Những chiến sĩ biên phòng tranh thủ ăn trưa giữa những ca trực.

Hàng ngàn chiến sĩ "ăn lán, ngủ rừng", sinh viên trắng đêm dọn đồ, rời khỏi ký túc xá, nhận về mình những vất vả để nhường những điều kiện tốt hơn cho những người thuộc diện cách ly. Hành động tràn đầy tình yêu thương và chia sẻ đó đã tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực cho nhiều người để quên đi cảm giác cô độc, sợ hãi trước bệnh tật.

 

Châu Bùi biết ơn khi đi cách ly tập trung.

Là một trong những người từng bị cách ly sau khi trở về từ tuần lễ thời trang ở Italy, Châu Bùi đăng tải nhật ký 14 ngày ở khu cách ly đã làm lan toả tinh thần lạc quan, nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội tới cộng đồng. Câu chuyện về Châu Bùi là dẫn chứng về triết lý: Hạnh phúc là cho và nhận. Được nhận đã là một hạnh phúc nhưng cho đi thì hạnh phúc đó mới trở nên lớn lao và có ý nghĩa hơn./.