Thị trường hàng hóa cuối năm: Bức tranh thị trường và cảnh báo nguy cơ "thổi giá"

Biên tập viên

Theo thống kê, giá thành của một số mặt hàng thực phẩm và đồ dùng thiết yếu hiện nay đang theo đà tăng do nhu cầu sử dụng tăng cao.

Theo ghi nhận của PV, dù chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2025, nhưng tại các chợ truyền thống và online đều không có tình trạng nhập hàng hóa quá nhiều, hình thức bán hàng nhận cọc trước trả hàng sau cũng khá phổ biến. Một số siêu thị, trung tâm thương mại đã tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi để kích cầu mua sắm cuối năm.

Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại tung ra nhiều chương trình ưu đãi, kích cầu mua sắm dịp cuối năm.

Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại tung ra nhiều chương trình ưu đãi, kích cầu mua sắm dịp cuối năm.

Do ảnh hưởng của bão Yagi vào tháng 9/2024, một số hoạt động trồng trọt, chăn nuôi bị ảnh hưởng dẫn đến nguồn cung bị hạn chế. Tiêu biểu là thị trường hoa đào, cây cảnh dịp tết giảm hẳn về cả cung và cầu. Nếu là thời điểm này năm ngoái, thị trường đào tết đã vô cùng sôi động, thì năm nay, những khu vực trồng đào bị thiệt hại rất nhiều sau bão dẫn đến sự khan hiếm nguồn hàng, kéo theo đó là giá thành cũng tăng cao. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này và tâm lý phục vụ tết để “thổi giá” hàng hóa lên cao nhằm trục lợi.

Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết, với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Bên cạnh việc “thổi giá”, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào thời điểm cuối năm cũng tăng cao. Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, những mặt hàng thường có mức độ tiêu thụ cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, như: rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng, sản phẩm thời trang; nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm; trang thiết bị y tế... Do đó, lực lượng chức năng tập trung đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra hàng hóa, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịp Tết để trục lợi, đảm bảo bình ổn giá để người dân yên tâm sắm Tết.

Các mặt hàng tiêu dùng cuối năm ngày càng đa dạng, tuy nhiên giá của một vài loại hàng hóa có phần chênh lệch hơn so với ngày thường.

Các mặt hàng tiêu dùng cuối năm ngày càng đa dạng, tuy nhiên giá của một vài loại hàng hóa có phần chênh lệch hơn so với ngày thường.

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, PGS. TS. Nguyễn Trọng Thịnh cho biết: “Vào các dịp lễ, tết, cuối năm, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng. Bên cạnh đó giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực lên doanh nghiệp, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng cao”.

Cũng theo TS. Nguyễn Trọng Thịnh, người dân nên cẩn trọng khi lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng, tránh mua phải hàng giá, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khóa của bản thân và gia đình khi sử dụng. Bên cạnh đó không nên quá hoang mang lo lắng trước tình hình giá cả hiện nay. Thời gian qua, nhà nước đã tăng cường kiểm tra giám sát các hoạt động mua bán dịp cuối năm, đồng thời chỉ đạo, điều hành linh hoạt việc điều chỉnh tăng giá với mức độ, thời điểm hợp lý đối với một số mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, các dịch vụ như giá vé máy bay nội địa, giá dịch vụ khám, chữa bệnh, yêu cầu đảm bảo nguồn cung thực phẩm,… góp phần ổn định giá cả dịp Tết.

Trước đó, nhằm bảo đảm nguồn cung và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Hà Nội chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương phát triển sản xuất nông sản, thực phẩm nông, lâm, thủy sản; phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; phòng, chống lụt bão, thiên tai, chủ động nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng thành phố. Tăng cường công tác phối hợp trong lĩnh vực kết nối sản xuất, tiêu thụ, xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các sở, ngành thành phố theo dõi sát và thông tin thường xuyên tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, từ đó đánh giá năng lực cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác để có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm; ngăn chặn, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm về công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản.