1. Vitamin D cần thiết đối với cơ thể như thế nào?
Vitamin D là một nhóm các Secosteroid tan trong chất béo. Chức năng chính của nó là giúp tăng cường khả năng hấp thụ canxi và photphat ở đường ruột. Đối với cơ thể của mỗi người, vitamin D3 (cholecalciferol) và vitamin D2 (ergocalciferol) là những hợp chất quan trọng nhất trong nhóm vitamin D.
Một số vai trò tiêu biểu của vitamin D đối với cơ thể, chẳng hạn như:
Đối với xương: Vitamin D3 là một nhân tố quan trọng trong quá trình tạo xương của cơ thể, nó còn giúp duy trì nồng độ canxi trong máu. Hơn thế nữa, vitamin D3 là cầu nối dẫn canxi tới các sụn tăng trưởng. Có thể nói, vai trò xúc tác của vitamin D3 là rất cần thiết để tạo dựng nên một hệ xương chắc khỏe.
Đối với hệ tiêu hoá: Đối với hệ tiêu hoá, nhất là ở ruột non và tá tràng, vitamin D giúp chuyển tiếp canxi nhằm tránh xảy ra hiện tượng canxi bị tích tụ và vón cục lại trong ruột. Điều này cũng giúp giảm thiểu và cải thiện được các tình trạng khó tiêu, đầy bụng, đồng thời tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng khác của cơ thể.
Đối với hệ hô hấp: Vitamin D giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại tới hệ hô hấp và làm giảm đáng kể các hiện tượng như khó thở, hen suyễn, viêm đường hô hấp.
Đối với thận: Vitamin D góp một phần quan trọng trong việc ngăn chặn nguy cơ bị sỏi thận và làm giảm tái hấp thu canxi ở ống thận.
Hỗ trợ phòng ngừa và điều trị một số căn bệnh nguy hiểm: nếu cơ thể duy trì được một hàm lượng vitamin D ổn định thì nguy cơ mắc các căn bệnh hiểm nghèo như ung thư đại trực tràng, ung thư vú sẽ được giảm đáng kể. Bên cạnh đó, vitamin D cũng giúp phòng ngừa các bệnh đột quỵ, bệnh về tim mạch và tắc mạch máu ngoại biên. Vitamin D còn là chất giúp tinh thần vui vẻ, phấn chấn hơn; là một liệu pháp hiệu quả để điều trị cho những phụ nữ gặp các vấn đề như trầm cảm, rối loạn cảm xúc, tâm thần phân liệt và những rối loạn tinh thần khác.
2. Nhu cầu vitamin D của cơ thể
Lượng vitamin D sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm chủng tộc, độ tuổi, vĩ độ, mặt trời, quần áo và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Khi nói đến nhu cầu vitamin D của cơ thể, tức là ám chỉ tới khẩu phần vitamin D có thể đảm bảo cho cơ thể chúng ta không bị thiếu vitamin D. Khẩu phần vitamin D sẽ được xác định thông qua xét nghiệm hàm lượng 25(OH)D trong máu.
Trong nhiều năm trước đây, các nhà khoa học đã cho rằng nhu cầu vitamin D của cả người lớn và trẻ nhỏ sẽ chỉ từ 200-400 IU/ngày (IU- International unit, đơn vị quốc tế, 1 IU tương ứng với 0,025 μg vitamin D) với ước tính là vitamin D của cơ thể còn được tổng hợp từ da. Đối với những người trưởng thành trên 50 tuổi thì sẽ cần lượng vitamin D nhiều hơn.
Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây ở cả người lớn và trẻ em đều cho thấy, hàm lượng 25(OH)D trong máu không thể giữ được ở mức cân bằng nếu nhu cầu vitamin D chỉ có 400 IU/ngày, nhất là đối với những phụ nữ đang mang thai và đang cho con bú, hoặc những người có tuổi tác cao.
Các cố vấn dinh dưỡng của Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra mức nhu cầu vitamin D hàng ngày phù hợp cho mỗi đối tượng khác nhau, cụ thể là:
Trẻ sơ sinh đến 1 tuổi: cần ít nhất 400 IU/ngày. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, không được vượt quá 1.000 IU/ngày đối với trẻ sơ sinh đến 6 tháng, và 1.500 IU/ngày ở trẻ 6 tháng đến 1 tuổi.
Từ 1-18 tuổi: cần 600-1.000 IU/ngày, không được vượt quá 2.500 IU/ngày đối với trẻ 1-3 tuổi; 3.000 IU/ngày ở trẻ 4-8 tuổi và 4.000 IU/ngày đối với trẻ trên 8 tuổi.
Từ 19-70 tuổi: cần 1.500-2.000 IU/ngày, ít nhất là 600 IU/ngày, không được vượt quá 4.000 IU/ngày)
Trên 70 tuổi: cần 1.500-2.000 IU/ngày, mức ít nhất là 800 IU/ngày, tuy nhiên không được vượt quá 4.000 IU.ngày.
Đối với những trường hợp bao gồm cả trẻ em, người lớn bị béo phì và những người đang sử dụng các loại thuốc glucocorticoid, thuốc chống động kinh, thuốc chống nấm ketoconazole hoặc những loại thuốc điều trị bệnh AIDS thì cần liều vitamin D cao hơn 2-3 lần bình thường.
3. Thiếu vitamin D gây ra những vấn đề gì?
Khi cơ thể không được cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe sau:
Dễ bị gãy xương do cơ thể lấy canxi từ xương
Đau cơ, đau khớp, xương trở nên mềm yếu dẫn tới tình trạng dị dạng xương.
Cơ thể thường xuyên bị mệt mỏi mà không rõ nguyên nhân
Trẻ em dưới 2 tuổi bị thiếu vitamin D có thể mắc các rối loạn ban đầu không điển hình, ví dụ như mệt mỏi, dễ bị kích thích, đổ nhiều mồ hôi, chậm mọc răng, rụng tóc sau gáy, dễ bị co giật, thóp liền chậm, bị cong cột sống khi biết đứng hoặc đi chân vòng kiềng.
Một số dấu hiệu thiếu Vitamin D
Yếu và đau mỏi cơ
Việc co và duỗi cơ được hợp lý có sự góp phần của Vitamin D, cho nên dấu hiệu đau mỏi hoặc yếu cơ có thể là cơ thể bạn đang thiếu hụt Vitamin D.
Rối loạn chức năng hệ miễn dịch
Khi thiếu hụt Vitamin D hệ miễn dịch của bạn có thể rơi vào tình trạng bất ổn định. Nếu bạn hay cảm thấy mệt mỏi, và dễ bị cúm hãy thử bổ sung một đợt Vitamin D nhé.
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp có thể là một dấu hiệu của thiếu hụt Vitamin D. Bởi Vitamin D tham gia vào một quá trình ức chế sản xuất một loại Enzym gây ra có mạch máu. Cho nên việc thiếu hụt Vitamin D có thể góp phần vào bệnh lý tăng huyết áp.
Trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra mối liên quan giữa Vitamin D và cảm xúc của cá nhân. Điều này được thể hiện rõ rệt trong hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD), một bệnh lý hay gặp vào cuối thu và mùa đông (do thiếu ánh sáng mặt trời).
Tăng tiết mồ hôi
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thiếu hụt Vitamin D thường gây tình trạng ra mồ hôi quá mức, đặc biệt vùng quanh trán.
Một số rối loạn về tim mạch
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi nồng độ Vitamin D thấp, sẽ gây tăng nồng độ canxi máu. Lâu dần dẫn đến canxi hóa thành mạch, khiến mạch máu giảm sự đàn hồi.
4. Thừa vitamin D gây ra những vấn đề gì?
Việc cung cấp thừa lượng vitamin D cho cơ thể cũng gây ra các hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe và làm phản tác dụng của vitamin D. Những vấn đề này bao gồm:
Tăng canxi/máu gây tai biến nguy hiểm
Trẻ dưới 1 tuổi khi dùng quá liều vitamin D gây ra các triệu chứng như dễ bị kích thích hoặc co giật do tăng canxi/máu, dẫn tới chậm phát triển, thậm chí bị suy thận hoặc tử vong.
Đối với những lứa tuổi khác khi dùng liều cao D2 và D3 có thể bị ngộ độc.
Với chế độ ăn uống và tắm nắng đầy đủ nếu dùng vượt quá 1.800 IU/ngày (45μg) sẽ chậm lớn vì sụn bị hóa xương sớm.
Khi dùng trên 50.000 IU/ngày sẽ vô cùng độc hại đối với cả trẻ em và người lớn, có thể gây ra các vấn đề như chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, rối loạn tâm thần, đa niệu. Nếu tình trạng tăng canxi/máu kéo dài sẽ gây ra canxi hóa các mô mềm, thậm chí là suy thận và tử vong.
5. Vitamin D đối với phụ nữ đang mang thai
Những phụ nữ đang mang thai ngoài việc chú ý bổ sung canxi cũng cần phải cung cấp đủ lượng vitamin D cho cơ thể
Những phụ nữ đang mang thai ngoài việc chú ý bổ sung canxi cũng cần phải cung cấp đủ lượng vitamin D cho cơ thể. Bởi vì vitamin D là một chất rất cần thiết cho việc hấp thụ canxi và phosphat, góp phần vào quá trình cấu tạo xương của cơ thể. Đối với phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ, vitamin D từ cơ thể mẹ sẽ là nguồn cung cấp vitamin D sang cho thai nhi. Nếu người mẹ không có đủ vitamin D, thai nhi sẽ bị thiếu chất này và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của bé.
Khi thiếu vitamin D, canxi sẽ khó hấp thụ, gây ra các hậu quả nghiêm trọng như trẻ còi xương ngay từ trong bụng mẹ, hoặc khi sinh ra thóp mau liền, mắc các vấn đề liên quan đến dị tật bẩm sinh, co giật do hạ canxi hoặc bị nhuyễn xương.
Khoảng 80% nguồn cung cấp vitamin D quan trọng cho cơ thể là từ sự tổng hợp trong da dưới tác động của ánh nắng mặt trời. Chính vì vậy, những phụ nữ đang mang thai nên dành một khoảng thời gian nhất định để hoạt động ngoài trời và có thể bổ sung vitamin D thông qua các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật giàu vitamin D như trứng, bơ, sữa, các loại cá béo. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, các trường hợp sử dụng thuốc để bổ sung vitamin D cho mẹ bầu nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Nên bổ sung vitamin D như thế nào? Trên thực tế, không có nhiều loại thực phẩm tự nhiên có chứa đủ hàm lượng vitamin D. Tuy nhiên, vẫn có một số loại thực phẩm mà bạn có thể sử dụng hàng ngày để bù đắp cho lượng vitamin D bị thiếu hụt trong cơ thể, chẳng hạn như: Các loại cá béo: các loại cá béo như cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá chình đều là những loại cá lý tưởng để cung cấp vitamin D cho cơ thể. Đặc biệt, cá hồi không chỉ giàu vitamin D mà nó còn là loại thực phẩm rất tốt cho hệ tim mạch. Nấm: mỗi 1 chén nấm sẽ tương ứng với 400 IU vitamin D. Tuy nhiên, các loại nấm hầu hết chỉ sản xuất ra vitamin D2, trong khi đó cơ thể con người lại sản xuất ra vitamin D3. Trứng: một quả trứng có chứa tới 40 IU vitamin D. Tuy nhiên, theo Hiệp hội tim mạch Mỹ khuyến cáo rằng không nên ăn quá nhiều trứng. Sữa và các chế phẩm từ sữa: một ly sữa có thể cung cấp khoảng 100 IU vitamin D, một hộp sữa chua sẽ có khoảng 80 IU vitamin D. Một trong những cách rất hiệu quả để bổ sung vitamin D đó là tắm nắng. Bởi nguồn vitamin D chủ yếu là nội sinh cho nên cơ thể chúng ta có thể tự tổng hợp vitamin D dưới tác dụng của tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời. Vì vậy, vào mùa đông ít ánh nắng mặt trời hoặc khi cơ thể không được tắm nắng sẽ bị thiếu hụt vitamin D, từ đó dẫn tới nguy cơ còi xương ở trẻ em. Để đảm bảo cho cơ thể được cung cấp đủ lượng vitamin D, bạn nên tắm nắng khoảng 20-30 phút mỗi ngày vào buổi sáng (trước 9 giờ). Trong trường hợp không thể tắm nắng thường xuyên, bạn có thể uống vitamin D thay thế. Thuốc bổ sung vitamin D có một ưu điểm nổi bật là cung cấp được lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể mà bạn không cần phải tiếp xúc trực tiếp với tia UV có hại cho da. Thêm vào đó, khi sử dụng thuốc cũng giúp bạn dễ dàng kiểm soát lượng vitamin D đưa vào cơ thể để điều chỉnh cho phù hợp. |