Thời gian vừa qua, tòa soạn Sức khỏe và Pháp luật nhận được thông tin phản ánh liên quan đến việc hồ sơ mời thầu có dấu hiệu bất thường tại gói thầu số 02 thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Đường giao thông Nội Đồng, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Được biết, gói thầu số 02 sử dụng vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông Thôn Mới năm 2020, trị giá 2,682 tỷ đồng, do UBND xã Thọ Phú làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Gói thầu được đấu thầu rộng rãi trong nước, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, hoàn thành mở thầu ngày 9/8/2020.
Theo Biên bản mở thầu, có 2 nhà thầu tham dự, gồm Công ty TNHH Ngọc Khánh (giá dự thầu sau giảm giá là 2,583 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng 60 ngày) và Công ty CP Tư vấn xây lắp Trường Thành (giá dự thầu sau giảm giá là 2,681 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng 60 ngày). Cả 2 nhà thầu tham dự đều có địa chỉ tại tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, gói thầu hiện vẫn đang trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu.
Tuy nhiên, theo phản ánh, trong số các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật được nêu tại Chương III, HSMT yêu cầu nhà thầu tham dự phải có hợp đồng nguyên tắc mua đất đắp tại mỏ đất đảm bảo cự ly trung bình nhỏ hơn hoặc bằng 5,5 km và khối lượng theo yêu cầu của hồ sơ thiết kế được phê duyệt. HSMT cũng yêu cầu đối với công tác đổ thải, nhà thầu phải có vị trí đổ thải được xác nhận của chính quyền địa phương đảm bảo cự ly vận chuyển trung bình nhỏ hơn hoặc bằng 1 km và diện tích đổ thải theo yêu cầu của hồ sơ thiết kế.
Cũng theo khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Khoản 5, Mục I Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg cũng quy định, khi xây dựng hồ sơ mời thầu không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu.
Đối chiếu với trường hợp tại UBND xã Thọ Phú, việc lập hồ sơ mời thầu phải tuân thủ quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của bên mời thầu, chủ đầu tư.
Một số ý kiến cho rằng, 2 tiêu chí nêu trên nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, mang tính định hướng “khoanh vùng” những nhà thầu trong “tầm ngắm” của chủ đầu tư, hay nói cách khác, là những nhà thầu “quen mặt”. Đồng thời, một số nhà thầu cho rằng, riêng yêu cầu xin xác nhận của chính quyền địa phương đối với vị trí đổ thải ngay từ đầu đã được đưa vào HSMT là bất hợp lý.
Làm việc với ông Vũ Khắc Hiệp (Chủ tịch UBND xã Thọ Phú), ông cho biết: “Do địa phương không đủ năng lực để làm thầu nên đã thuê công ty TNHH Gia Huy 368 là đơn vị tư vấn lập HSMT và chấm thầu nên đã tin tưởng tuyệt đối và giao hết cho họ. Đến khi họ trình lên thì tôi cứ vậy là ký thôi”.
Ông Vũ Khắc Hiệp chủ tịch UBND xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. |
Như vậy có thể thấy, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đến đâu khi được UBND huyện Triệu Sơn giao cho là chủ đầu tư và bên mời thầu gói thầu này. Có hay không việc lơ là, buông lỏng trong quá trình lập HSMT cũng như công tác quản lý trong hoạt động đấu thầu tại UBND xã Thọ Phú.
Trao đổi với ông Vũ Đức Kính (Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn), ông Kính cho biết:“Phía huyện không nắm được việc này đến khi có báo chí phản ánh. Về dự án này xã Thọ Phú là chủ đầu tư nên chúng tôi chỉ rót vốn về còn việc kiểm tra giám sát là của xã. Huyện sẽ cho kiểm tra và thông tin lại với báo chí.”
Một chuyên gia đấu thầu cho rằng, các yêu cầu nói trên chính là “giấy phép con” trong đấu thầu và đang trực tiếp tạo ra khó khăn cho các nhà thầu muốn tham dự thầu. Nếu ngay từ đầu đã được đưa vào HSMT, sẽ tạo khó khăn cho các nhà thầu đến từ địa phương khác trong việc “xoay xở” được các giấy phép đặc thù của địa phương này. Do đó, HSMT tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng trong đấu thầu, mang tính chất cục bộ, địa phương. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc để làm rõ vấn đề trên.
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.