Thủ đoạn 'đút túi' mỏ cát tại dự án hơn 4.700 tỉ đồng

Biên tập viên

Sau nhiều tháng theo dõi, nhóm PV Thanh Niên vạch trần thủ đoạn 'đút túi' mỏ cát tại dự án hơn 4.700 tỉ đồng ở Hà Nội.

Ngày gom cát, đêm đi bán

Giữa tháng 11.2024, khi nước ở một đoạn kênh La Khê (P.Dương Nội, Q.Hà Đông, Hà Nội) bắt đầu rút, để lộ những dải cát dài hàng trăm mét, cũng là thời điểm nhóm PV Thanh Niên túc trực, theo dõi để nắm rõ quy luật hoạt động và vạch trần thủ đoạn khai thác trộm tại mỏ cát "khủng" này.

Trong suốt quá trình theo dõi hiện trường, PV Thanh Niên gặp nhiều khó khăn bởi dự án này nằm trong khu vực khá đặc thù, khi dưới lòng kênh chỉ có một lối lên xuống dành cho công nhân và máy móc. Cạnh đó, trên lối lên xuống công trường gần cầu Ỷ La (P.Dương Nội) thường xuyên xuất hiện người đứng canh gác, dù ban ngày hay ban đêm.

Nhận định việc trực tiếp đi sâu vào hiện trường để thu thập tài liệu chứng minh hành vi vi phạm sẽ gặp nhiều trở ngại, cũng như có thể "rút dây động rừng", nhóm PV đã dùng thiết bị bay không người lái, kết hợp bám đuôi xe tải để xác định đường đi của cát lậu lấy từ mỏ ở kênh La Khê.

Sau nhiều tháng theo dõi, thủ đoạn để "đút túi" mỏ cát đã bị phơi bày. Theo đó, ở lòng kênh phía tây, cách cầu Ỷ La khoảng 300 m, vào ban ngày thường không có công nhân làm việc, chỉ có vài máy xúc được huy động để bới đất, tìm cát. Khi xác định được vị trí có cát, máy xúc có nhiệm vụ gom lại thành đống lớn để khi màn đêm buông xuống, xe tải vào chở cát đi phân phối cho các bãi vật liệu xây dựng.

Thủ đoạn 'đút túi' mỏ cát tại dự án hơn 4.700 tỉ đồng- Ảnh 1.

Máy móc gom cát trong ngày 27.11.2024

Cảnh nhộn nhịp trên công trường thường bắt đầu vào khoảng hơn 20 giờ hằng ngày. Vào thời điểm này, dù chỉ có ánh sáng đèn pha le lói từ gầu máy xúc nhưng hành động múc cát lên xe tải hạng nặng vẫn rất thuần thục, nhuần nhuyễn. Có đêm, PV thống kê được gần 20 xe chở cát ra khỏi công trường, tính từ 9 giờ tối hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Và thủ đoạn "ngày gom, đêm chuyển" đã giúp quá trình khai thác trộm mỏ cát diễn ra suôn sẻ trong suốt thời gian dài.

Không ai báo cáo có mỏ cát ở kênh La Khê?

Liên quan đến Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây TP.Hà Nội, một lãnh đạo UBND Q.Hà Đông cho biết quận phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công hạng mục cứng hóa kênh La Khê. Theo đó, diện tích mặt bằng cần giải phóng trên địa bàn P.Dương Nội là gần 119.000 m2, liên quan đến 82 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

"Đến nay diện tích đất mà quận đã bàn giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án là hơn 117.00 m2, còn gần 975 m2 của 3 hộ gia đình đang tiếp tục thực hiện công tác thu hồi để bàn giao", lãnh đạo Q.Hà Đông nói.

Thủ đoạn 'đút túi' mỏ cát tại dự án hơn 4.700 tỉ đồng- Ảnh 2.

Công trường nhộn nhịp cảnh chở cát đi bán trong đêm 27.11

Vị lãnh đạo cho biết thêm đối với dự án này, quận chỉ có trách nhiệm thực hiện giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư. Trong suốt quá trình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cũng như khi dự án bắt đầu được thi công, Q.Hà Đông không nhận được báo cáo của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào về việc có mỏ cát dưới lòng kênh La Khê.

"Quận cũng không có chức năng, thẩm quyền tổ chức thăm dò khoáng sản ở khu vực mặt bằng để phục vụ dự án. Do Sở NN-PTNT TP.Hà Nội là chủ đầu tư nên đây là đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình thi công các hạng mục của dự án này", lãnh đạo Q.Hà Đông khẳng định.

Đặc biệt, trao đổi qua điện thoại với PV Thanh Niên vào cuối tháng 12.2024, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Hà Nội, cho biết kể từ khi triển khai dự án đến thời điểm hiện tại, ông chưa nhận được báo cáo của đơn vị thi công, các bên liên quan về việc có mỏ cát ở lòng kênh La Khê. Ông Đại còn khẳng định thêm rằng "lòng kênh La Khê làm gì có cát".

Có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), phân tích chiếu theo điều 17, 18 luật Khoáng sản 2010 thì khi phát hiện mỏ cát, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến dự án nạo vét kênh La Khê cần khai báo đến chính quyền sở tại nhằm bảo vệ mỏ cát và thực hiện các bước tiếp theo để khai thác cát đúng quy định.

Thủ đoạn 'đút túi' mỏ cát tại dự án hơn 4.700 tỉ đồng- Ảnh 3.

Lòng kênh La Khê được san lấp bằng phẳng sau khi cát được chở khỏi mỏ

Trong trường hợp tự ý khai thác mỏ cát mà không báo cáo cơ quan có thẩm quyền hoặc đã báo cáo nhưng khai thác khi chưa được cấp phép thì cá nhân bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng theo khoản 3 điều 52 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính. Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) là gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Thủ đoạn 'đút túi' mỏ cát tại dự án hơn 4.700 tỉ đồng- Ảnh 4.

Hiện trường thi công kiểu “xôi đỗ” quanh khu vực có mỏ cát dưới lòng kênh La Khê

Luật sư Tiền đánh giá nếu khối lượng mỏ cát bị "đút túi" lên tới hàng tỉ đồng và đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì vụ việc nêu trên có dấu hiệu của tội khai thác khoáng sản trái phép quy định tại điều 227 bộ luật Hình sự 2015.

"Cơ quan công an cần lập tức vào cuộc xác minh, làm rõ trách nhiệm quản lý, giám sát thi công hạng mục cứng hóa kênh La Khê của Sở NN-PTNT TP.Hà Nội, trách nhiệm quản lý khoáng sản của chính quyền sở tại. Trong trường hợp Sở NN-PTNT TP.Hà Nội không hề hay biết có mỏ cát, để các bên liên quan "đút túi" mỏ cát trong suốt thời gian dài thì có thể xem xét dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, quy định tại điều 179 bộ luật Hình sự 2015", luật sư Trần Xuân Tiền nêu quan điểm. (còn tiếp)