Thủ tướng chủ trì cuộc họp chiều 8/2 (ảnh: Quốc Chính).
Chiều nay, 8/2 (tức 27 Tết), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo một số địa phương tại các điểm cầu trực tuyến.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thảo luận một số biện pháp mạnh mẽ hơn, nhất là đối với TPHCM khi mà hôm nay công bố một số ca mắc mới trong cộng đồng tại thành phố đông dân cư này.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế báo cáo các biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh. Thủ tướng cho rằng, trước tình hình diễn biến phức tạp thì càng phải bình tĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, xử lý kiên quyết.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ 25/1/2021 đến nay đã ghi nhận 451 trường hợp mắc trong cộng đồng tại 12 tỉnh, thành phố.
Ngày 8/2/2021, đã ghi nhận 5 trường hợp mắc mới, tại Hà Nội (2), Quảng Ninh (3) đều có liên quan đến ổ dịch tại Công ty POYUN (Chí Linh, Hải Dương) và sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và 28 trường hợp mắc tại TPHCM liên quan ổ dịch phát hiện tại khu bốc dỡ hàng hóa, sân bay Tân Sơn Nhất.
Đối với ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ 7.300 nhân viên sân bay và đã phát hiện BN1979 đầu tiên và 4 trường hợp dương tính (BN 2002-2005) được ghi nhận sáng 8/2/2021. Tiếp tục điều tra mở rộng các trường hợp tiếp xúc gần và xác định nguồn lây nhiễm, đã ghi nhận thêm 24 trường hợp dương tính mới, nhiều khả năng đã lây lan trong cộng đồng từ trước.
Tính đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại 2 địa bàn bùng phát dịch là Quảng Ninh, Hải Dương và hầu hết các tỉnh, thành phố. Trong 4 ngày gần đây đã ghi nhận số ca mắc mới có xu hướng giảm, hầu hết các trường hợp mắc là các trường hợp đã được cách ly tập trung.
Ngoài 2 tỉnh (Hải Dương, Quảng Ninh), hằng ngày vẫn ghi nhận ca mắc mới là các trường hợp đã được cách ly tập trung, các tỉnh Hòa Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh trong 1 tuần qua không ghi nhận ca mắc mới; Điện Biên, Hà Giang hiện chưa ghi nhận thêm ca mắc mới từ 5/2/2021 đến nay.
Hà Nội, Bình Dương, Gia Lai đang thực hiện truy vết, khoanh vùng triệt để và vẫn ghi nhận các ca mắc mới rải rác.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM khi vẫn còn nguồn lây trong cộng đồng chưa được phát hiện, đặc biệt ổ dịch phát hiện tại khu vực bốc dỡ hàng hóa của sân bay Tân Sơn Nhất chưa rõ nguồn lây.
Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị, TPHCM cần tăng tốc truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để (Ảnh: Quốc Chính)
Trước diễn biến dịch khá phức tạp tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị, TPHCM cần tăng tốc truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, khẩn trương thực hiện khoanh vùng nhanh, lấy mẫu triệt để trên diện rộng các trường hợp có liên quan đến trường họp mắc bệnh tại nơi làm việc, khu vực sinh sống, xác định các trường hợp nhân viên bốc dỡ hàng hóa tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và thành viên gia đình của các nhân viên là các trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh. Xác định các khu vực nguy cơ lây lan dịch bệnh cao để áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người (Chỉ thị 15) hoặc giãn cách xã hội (Chỉ thị 16) theo phạm vi phù hợp.
TPHCM có thể thêm ca bệnh trong những ngày tới
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các chuyên gia đánh giá các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, từ hôm qua đến nay phát hiện một số ổ dịch mới ở nhiều quận TPHCM.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 (ảnh: Quốc Chính)
"Cùng một số nơi khác chưa dập xong được dịch, TPHCM là mối lo ngại tiếp theo. Hiện tượng lây nhiễm ở TPHCM nếu xét nghiệm trong diện rộng sẽ có thể có thêm những ca bệnh trong những ngày tới", Thủ tướng nói.
Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu một số địa phương và các thành phố chuẩn bị kịch bản có thể nhiều người lây nhiễm. Trong đó, TPHCM không chỉ vận động người dân thực hiện 5K mà còn phải xử lý nghiêm vi phạm.
"Các tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Gia Lai tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp đã đề ra. Nhưng riêng TPHCM và Hà Nội phải có phương án xử lý riêng, với cách làm phù hợp như giãn cách xã hội ở một số khu vực mà chúng ta thấy cần thiết", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế về việc giãn cách xã hội một số khu phố, một số quận, một số địa bàn có ca lây nhiễm. Theo Thủ tướng, hệ thống y tế, hệ thống chính trị và người dân phải được báo động mạnh mẽ hơn. Còn phương tiện truyền thông phải nói rõ tình trạng lây nhiễm ngoài cộng ngoài cộng đồng ở thành phố lớn.
"Từ đó chúng ta có biện pháp hạn chế đi lại đối với nhân dân và những giải pháp mạnh mẽ như giãn cách xã hội. Chủ tịch Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, thành phố lớn và các tỉnh đang có ổ dịch phải có biện pháp mạnh để ngăn chặn có hiệu quả lây lan các ổ dịch ra cộng đồng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
7 khu vực ở Sài Gòn bị phong tỏa
Ngoài khu Mả Lạng ở quận 1, 6 địa điểm tại TP HCM bị phong tỏa sau khi thành phố xuất hiện 4 ca nhiễm và 25 ca nghi nhiễm.
Trưa 8/2, lực lượng chức năng căng dây, dựng rào chắn phong tỏa hai căn nhà ở hẻm 480 Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh. Người dân được hướng dẫn thay đổi hành trình, không đi vào khu vực phong tỏa.
Hẻm 480 Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh bị phong tỏa. Ảnh: Hà An.
Theo đại diện UBND phường 28, nam thanh niên là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất sống ở đây có kết quả dương tính Covid-19 nên cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt ra vào ở khu vực để chống dịch. Hơn 10 người tiếp xúc gần (F1) được đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Nhân viên y tế mang đồ bảo hộ phun xịt khử khuẩn toàn bộ khu vực trong bán kính 200 m.
Anh Đức, 40 tuổi, nhà trong hẻm kể, vừa lái xe máy ra đón người thân thì thấy xe y tế, công an đứng đầu hẻm. Biết khu vực bị phong tỏa, anh Đức gọi điện thoại hướng dẫn người nhà lái xe 16 chỗ đổi hướng để vào nhà. "Gia đình tôi đi thăm mộ ở Bến Tre, trưa nay về mới hay tin con hẻm phong tỏa", anh Đức nói.
Nhân viên trung tâm y tế quận 12 đến từng hộ dân trong khu phong tỏa ở phường Thạnh Lộc, quận 12, để đưa giấy khai báo y tế, sáng 8/2. Ảnh:Đình Văn.
Sáng nay, gần chục dân quân tự vệ và cảnh sát đã dựng rào ở con hẻm dài gần 100 m trên đường Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình. Theo một cán bộ UBND phường 15, đêm qua trung tâm y tế quận Tân Bình đã lấy mẫu xét nghiệm 77 người ở khu trọ liên quan một ca Covid-19.
Cách đó khoảng 8 km, con hẻm nằm trên đường TL04, phường Thạnh Xuân, quận 12 cũng được lực lượng chức năng phong toả. Nhân viên y tế quận 12 cùng cảnh sát đã đến gần 20 căn hộ trong khu dân cư yêu cầu họ khai báo y tế.
Tại chung cư Felix Home ở đường Nguyễn Văn Dung, phường 6, quận Gò Vấp, hơn chục cảnh sát dân phòng lập chốt phong toả bên ngoài lối dẫn vào chung cư 18 tầng. Chung cư này có 304 căn hộ với 900 nhân khẩu. Nhân viên trung tâm y tế quận Gò Vấp mang đồ bảo hộ xịt khử trùng hành lang, thang máy. Tất cả cư dân ở tòa nhà được lấy mẫu xét nghiệm.
Nhân viên y tế quận Gò Vấp phun thuốc khử trùng và lấy mẫu xét nghiệm tại chung cư Felix Home, sáng 8/2. Ảnh:Đình Văn.
Trước đó, chính quyền thành phố cũng phong tỏa khu vực nhà trọ tại phường Tân Tạo A (quận Bình Tân), quán lẩu dê trên đường Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú). Hai nơi này liên quan bệnh nhân là nhân viên làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 thành phố sáng 8/2, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM Nguyễn Trí Dũng cho biết, thành phố ghi nhận 25 trường hợp nghi nhiễm, trong đó 5 ca "nghi nhiễm cao". Bộ Y tế sáng nay công bố 4 ca dương tính nCoV, đều là nam, nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, nâng tổng số ca nhiễm ở sân bay lên 5.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói TP HCM cần lưu ý các ca lây nhiễm ở khu vực bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất, là những ca có thể xuất hiện trước đây. "Hiện chưa xác định được điểm đầu của chùm lây nhiễm khu bốc xếp này tại Tân Sơn Nhất", ông Long nói và cho biết TP HCM cần áp dụng Chỉ thị 16 - giãn cách xã hội ở một số khu vực trong bối cảnh dịch lan ra cộng đồng.
Họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về phòng chống Covid-19, Thủ tướng đồng ý đề xuất của Bộ Y tế và giao TP HCM quyết định giãn cách một số khu vực xuất hiện dịch theo Chỉ thị 16 để sớm kiểm soát.
Chỉ thị 16 được Thủ tướng ban hành hôm 31/3/2020, áp dụng từ ngày 1/4 đến 15/4/2020 trên cả nước trước bối cảnh ổ dịch liên tiếp bùng lên ở 23 tỉnh thành, ghi nhận 137 bệnh nhân. Tinh thần của chỉ thị là "giãn cách xã hội trên toàn quốc, tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó".
Tại TP HCM, Chỉ thị 16 đã áp dụng từ ngày 1/4 đến 22/4/2020.
Bản đồ màu thể hiện những nơi có ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam từ 27/01/2021