Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, Trung ương; đồng chí Đinh Văn Ân - Trợ lý Tổng Bí thư.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp tại các điểm cầu địa phương.
Chính phủ tập trung thảo luận về hai nội dung: Tình hình KTXH tháng 9 và 9 tháng năm 2021; thảo luận kỹ hơn về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch COVID-19 và từng bước mở cửa trở lại, đưa cuộc sống về điều kiện bình thường mới. Trong đó, Chính phủ dành phần đầu phiên họp để thảo luận, lắng nghe các ý kiến địa phương góp ý vào dự thảo thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch COVID-19.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, chúng ta đã thực hiện việc giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội ở 23 tỉnh, thành phố và đạt kết quả nhất định bước đầu. Ban chỉ đạo quốc gia đã thống nhất cần có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng dự thảo hướng dẫn tạm thời, gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lấy ý kiến tới tận cấp huyện, cấp xã. Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế cũng đã nhiều lần lấy ý kiến các cơ quan liên quan, lắng nghe, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học… về dự thảo.
Bên cạnh các ý kiến đồng thuận, cũng có các ý kiến khác nhau về dự thảo hướng dẫn, cho nên Chính phủ tiếp tục dành thời gian của phiên họp để lấy thêm ý kiến các địa phương.
“Đây là vấn đề khó. Như tôi đã nói nhiều lần, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhau, để chúng ta có đầy đủ thông tin, đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng hướng dẫn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Qua gần 2 năm phòng chống dịch, chúng ta đã hiểu rõ hơn về virus và dịch bệnh, tuy nhiên, dịch bệnh vẫn khó lường, một văn bản không thể điều chỉnh hết toàn bộ mọi góc cạnh của cuộc sống từ Trung ương tới cấp xã, phường, nhất là khi chúng ta lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng chống dịch.
Việc xây dựng dự thảo được tiến hành thận trọng với mục tiêu làm sao phù hợp nhất có thể trong điều kiện hiện nay. Đây là hướng dẫn tạm thời vì việc chống dịch chưa có tiền lệ, diễn biến nhanh, phức tạp, liên quan tới tất cả công dân, liên quan tới mọi lĩnh vực như an ninh trật tự, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dần.
“Không có phương án hoàn hảo, chúng ta chọn phương án tối ưu, đặc biệt không để ách tắc giao thông, ách tắc các chuỗi cung ứng mà chúng ta phải duy trì”, Thủ tướng phát biểu và đề nghị các đại biểu góp ý để nhanh chóng ban hành hướng dẫn trên phạm vi cả nước, thực hiện nghiêm túc, nhất quán từ Trung ương tới địa phương, đồng thời vẫn phù hợp với các địa bàn đặc thù như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau khi Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, có hiện tượng nhiều người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương di chuyển tự phát về quê. Do đó, Thủ tướng kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có đông người dân, lao động ngoại tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vaccine đầy đủ; tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội. Nếu người dân thực sự có mong muốn về quê vì các lý do khác nhau thì các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa người dân về quê, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây bức xúc cho người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Củng cố, phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; sẵn sàng tăng cường y tế lưu động, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để dẫn đến quá tải hệ thống y tế và khủng hoảng y tế; hạn chế thấp nhất các ca tử vong.
Đồng thời, quán triệt thực hiện hiệu quả nguyên tắc 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân. Kết hợp điều trị sức khỏe tâm lý, tinh thần song song với sức khỏe thể chất với bệnh nhân mắc COVID-19. Khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với dịch bệnh; chủ động dự báo, hoàn thiện các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới. Việc thực hiện mở cửa phải có kế hoạch, chủ động, có lộ trình phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã và đang nỗ lực hết mình để nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất vaccine để tiêm miễn phí cho nhân dân; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để chủ động vaccine trong nước. Phấn đấu đến cuối năm bao phủ được hơn 90% người dân trên 18 tuổi tại tất cả các địa phương được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và có kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi...
Trước đó, ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện về việc tiếp tục kiểm soát người ra, vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với 4 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai nhằm tuyên truyền, vận động và có sự hỗ trợ cần thiết để động viên người dân không tự ý di chuyển về quê. Đồng thời, các địa phương phối hợp đưa công nhân, người lao động đã về quê trở lại các tỉnh, thành phố trong khu vực để khôi phục sản xuất, kinh doanh.