Như Đời sống & Pháp luật đã nêu ở bài viết trước, Dự án Nhà máy Cơ khí đúc Tuyên Quang do Công ty TNHH Tam Cửu (viết tắt: Công ty Tam Cửu) làm chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư chia làm 2 giai đoạn. Đến giai đoạn 2 (tức năm 2023) nhà máy được phép sản xuất quặng vê viên, tuy nhiên đến tháng 8/2021 chủ đầu tư đã ký hợp đồng sản xuất, cung ứng quặng cho một doanh nghiệp khác.
Dự án Nhà máy Cơ khí đúc Tuyên Quang có trụ sở tại Lô B8, Khu công nghiệp Long Bình An, phường Đội Cấn, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, đây cũng là trụ sở của Công ty Tam Cửu – chủ đầu tư dự án.
Theo tìm hiểu, vào ngày 18/10/2022, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tuyên Quang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với Công ty Tam Cửu – đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty.
Cụ thể, tại biên bản kiểm tra ngày 11/10/2022 của Đoàn kiểm tra, xác định: Công ty Tam Cửu đã thực hiện lắp đặt công trình xử lý bụi, khí thải tại phân xưởng sản xuất bi nghiền và phân xưởng sản xuất phụ liệu chịu lửa không đúng, không đầy đủ theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt tại Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Ngoài ra Công ty Tam Cửu còn xây lắp dây chuyền sản xuất quặng về viên vượt quá công suất theo Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt mở rộng, nâng công suất.
Thêm vào đó, Công ty Tam Cửu thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định, (Quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 10 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường). Với những hành vi vi phạm nêu trên Công ty Tam Cửu bị xử phạt tổng số tiền 70 triệu đồng.
Phân tích vụ việc này dưới góc độ pháp luật, Luật sư Đoàn Tăng Hải – Đoàn luật sư TP Hà Nội (Công ty Luật TNHH Hoa Nhật Minh) cho rằng, Khoản 5, Điều 6 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định: “Các hành vi bị cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường: Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định về bảo vệ môi trường”.
Trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 15/QĐ-XPVPHC, ngày 18/10/2022 của Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang đã căn cứ vào Biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC, ngày 11/10/2022 của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang và công ty TNHH Tam cửu.
Biên bản thể hiện Công ty Tam cửu vi phạm ở các vi phạm như:
Thứ nhất: Công ty Tam Cửu đã thực hiện lắp đặt công trình xử lý bụi, khi thải tại phân xưởng sản xuất bị nghiền và phân xưởng sản xuất phụ liệu chịu lửa không đúng, không đầy đủ theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt tại Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Thứ hai: Xây lắp dây truyền sản xuất quặng vê viên vượt quá công suất theo Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt mở rộng, nâng công suất.
Đối với 2 hành vi vi phạm của Công ty đều là hành vi bị cấm trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, quy định tại Khoản 5 Điều 6.
Thêm vào đó, căn cứ số liệu phản ánh trong năm 2022, Công ty Tam Cửu đã sản xuất gia công 53.000 tấn quặng vê viên vượt gấp 5 lần so với quy mô được Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Theo Luật sư Hải, việc doanh nghiệp sản xuất vượt quá quy mô cho phép có thể dẫn tới xả thải ra môi trường trái pháp luật đến có thể bị xử lý hình sự về tội “Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại Điều 235, Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cũng theo Luật sư Hải, tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 15/QĐ-XPVPHC ngày 18/10/2022 của Thanh tra sở TN&MT, mặc dù không có ghi rõ hình phạt bổ sung tuy nhiên Công ty TNHH Tam Cửu vẫn cần phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả như:
Thứ nhất: Lắp đặt, sửa chữa công trình xử lý bụi, khi thải tại phân xưởng sản xuất bị nghiền và phân xưởng sản xuất phụ liệu chịu lửa cho đúng, đầy đủ theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt tại Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Thứ hai: Báo cáo bổ sung về việc mở rộng, nâng công suất của hệ thống dây chuyền sản xuất quặng về viên theo đúng thực tế hoạt động của dây chuyền.
Từ những vi phạm nêu trên và căn cứ công suất là 10.000 tấn/năm (cho phép tại giấy chứng nhận đầu tư cấp đổi gần nhất 27/12/2021), Luật sư Hải cho rằng, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang cần có biện pháp hành chính “mạnh tay” đối với chủ đầu tư. Cụ thể, lập biên bản về hành vi không thực hiện đúng các quy định trong giấy chứng nhận đầu tư, yêu cầu bổ sung, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư hoặc có biện pháp cưỡng chế, thu hồi dây truyền sản xuất quặng vê viên vượt quá công suất. Đồng thời, công bố rộng rãi trên tuyền thông đại chúng về việc này để đảm bảo môi trường đầu tư trong sạch và cũng thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong hoạt đông quản lý điều hành của mình.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!
Phú Nguyễn