Đờn ca tài tử là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ, từ những ngày đầu mở đất, là hơi thở, là tiếng lòng, là sức sống mãnh liệt của những con người trọng nghĩa khinh tài, đậm tính nhân văn của vùng sông nước giàu hoa trái và trí dũng miền Nam.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử là một viên ngọc cần được bảo tồn và phát huy, nhằm góp phần tăng thêm sức mạnh văn hoá truyền thống của vùng Nam bộ nói riêng, văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung.
Báu vật đất phương Nam
Đờn ca tài tử Nam Bộ là sản phẩm văn hóa phi vật thể của Nam Bộ, vừa mang tính bác học, vừa dân gian gắn liền với mọi sinh hoạt cộng đồng dân cư Nam Bộ, được cải biên từ nhạc cung đình Huế và sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất Nam Bộ.
Đây là loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động.
Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt). Về sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục.
Truyền dạy thế hệ trẻ Đờn ca tài tử để bảo tồn.
Ở 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ, trải qua thời gian, nghệ thuật đờn ca tài tử luôn cho thấy một một sức sống bền lâu, lan tỏa khắp các miền quê, thể hiện tâm hồn phóng khoáng, tình yêu quê hương đất nước, con người dân đất phương Nam.
Thạc sỹ Lê Thị Thanh Yến cho rằng, từ những miền quê, đờn ca tài tử Nam Bộ sống và bám rễ như những cây lúa được ươm mầm qua bàn tay chăm bón của nhà nông.
Chẳng có điều gì tạo nên sự chân thật, dung dị bằng những tài tử đờn ca, ban ngày lo việc đồng áng, tối về tụ họp nhau chơi và thưởng thức đờn ca tài tử trước sân nhà. Không gian đó đã nuôi dưỡng nghệ thuật đờn ca tài tử và ươm mầm cho nhiều thế hệ say mê nghệ thuật này.
Đưa Đờn ca tài tử thành sản phẩm du lịch đặc trưng
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã chỉ rõ quan điểm “…phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc… phát huy lợi thế quốc gia về văn hóa dân tộc, thế mạnh các vùng, miền… liên kết, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng du lịch.”
Với những giá trị hiện hữu và tầm vóc một di sản thế giới được UNESCO vinh danh thì Đờn ca tài từ giờ đây là tài nguyên vô cùng đặc sắc để các địa phương và doanh nghiệp lữ hành có thể phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc thù vùng Nam Bộ (bao gồm vùng du lịch Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long).
Ngành du lịch các địa phương cần thiết kế chương trình du lịch mà ở đó kết hợp tinh tế đờn ca tài tử với các điểm du lịch sinh thái, nơi nghỉ dưỡng, gắn đờn ca tài tử với ẩm thực, với văn hóa Ốc eo Nam bộ, văn hóa sông nước, miệt vườn…
Hình thành các tour đến các nhà hát, câu lạc bộ đờn ca tài tử, các điểm sinh hoạt cộng đồng và tổ chức cho khách giao lưu trải nghiệm và tham gia đờn ca cùng cư dân địa phương.
HN (T/H)