Nơi thời gian như ngưng đọng
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía Nam, làng Cựu hiện lưu giữ gần 50 ngôi nhà cổ có tuổi đời gần trăm năm pha trộn giữa kiến trúc Việt cổ với những mái ngói cong, cột trụ và thiết kế vòm kiểu Pháp, Trung Hoa...
Bên gốc đa ven đình, ông Nguyễn Văn Lập - một bậc cao niên trong làng kể chuyện: Làng Cựu xưa vốn là đồng chiêm trũng, mỗi năm chỉ cấy được 1 vụ nên cuộc sống quanh năm thiếu thốn. Đầu thế kỷ XX, làng xảy ra vụ hỏa hoạn lớn, nhiều gia đình tạm rời xa quê hương tới trung tâm Hà Nội tìm kế sinh nhai và họ bén duyên với nghề may.
Thật bất ngờ, những bàn tay chai sần bởi cày cuốc lại khéo léo tạo ra những bộ vest, áo, đầm… hài lòng người Pháp và giới thượng lưu Hà thành. Khi đó, nhiều gia đình của làng Cựu nổi tiếng về nghề may và buôn vải, trong đó có anh em ông Phúc Mỹ, Phúc Hưng là những thợ may kiêm buôn vải nức tiếng. Giai đoạn 1920-1945, từ nông dân trở thành triệu phú, dù ít sinh sống tại quê nhà nhưng những người thành đạt nơi phố phường đều về quê xây dựng biệt thự nguy nga, đẹp nổi tiếng vùng đồng bằng Bắc Bộ thời bấy giờ.
Đến nay, qua biến thiên của lịch sử, làng Cựu vẫn còn gần 50 ngôi nhà cổ và hơn 50% trong số đó không có người ở bởi chủ nhân đang làm việc, kinh doanh tại các thành phố lớn hoặc nước ngoài…
Lang thang trong làng Cựu vào buổi trưa, không có cảnh tấp nập phố xá như nhiều nơi, vùng quê này dường như thời gian ngưng đọng trong từng ngõ nhỏ trầm mặc với cây đa, bến nước, sân đình... Các công trình kiến trúc cũ ở đây giao thoa giữa 2 nền văn hoá phương Đông và phương Tây. Chủ nhân của những biệt thự này chuộng kiến trúc Trung Hoa và phương Tây nên đã chắt lọc, tạo nên lối kiến trúc riêng biệt. Các ngôi biệt thự gia đình nằm trong tổ hợp công trình công cộng truyền thống bao gồm khuôn viên đình làng, cây bồ đề cổ thụ, ao sen, giếng nước... tạo nên sự hài hoà tự nhiên, thân thiện như chính người dân làng Cựu.
Từ đầu đến cuối làng Cựu cổ kính, trong từng con ngõ nhỏ sâu hun hút là bí mật của kiến trúc, của giá trị văn hóa khiến khách tới thăm trầm trồ, thán phục. Những cánh cổng nhà xưa đều không quá cao, không quá thấp với những hoa văn, họa tiết rất đẹp, cuốn hút…
Ông Nguyễn Mạnh Hảo - Trưởng thôn Cựu tự hào giới thiệu: Nếu như nhà ông Xã Vinh, một nhà buôn gỗ trứ danh sở hữu một trong những biệt thự cầu kỳ nhất với lối ngõ thênh thang lát đá tảng xanh, hai tòa nhà nối với nhau bằng cầu bê tông uốn lượn, cổng được trang trí sơn thủy hữu tình thì nhà của cụ Hàn Thăng lại mang dáng dấp đại quan, mái cổ, cửa bức bàn, cột gỗ lim to, nền nhà tôn cao, sân thấp, rộng, tòa ngang dãy dọc như chốn “tam cung lục viện”.
Còn biệt thự khổng lồ của ông Chu Văn Luận - xây làm Trường Huỳnh Thúc Kháng với nguyện vọng dạy chữ cho con em làng Cựu cũng là công trình đáng trân trọng. Rồi nhà cụ Phó Du, từ cánh cổng hoen ố thời gian đến mặt tiền biệt thự, những cột trụ hai người ôm không xuể đỡ phần mái vòm cong vút… Song, ấn tượng nhất là cổng làng Cựu xây kiểu tam quan nhà chùa, vít 2 cửa cạnh tạo một cửa giữa, mái vòm rộng rãi, phía trên là đôi kỳ lân cùng hai con chó giữ cổng, mặt trong cổng có nậm rượu, nụ hoa điểm xuyết hàng chữ Nho mực đen trên nền vàng. Cổng làng Cựu khiến người ta liên tưởng như trường thành…
Mong mỏi từ làng
Là người xa quê nhiều năm, nay về quê sinh sống và tham gia công tác tại thôn, ông Hảo tâm sự: “Tôi đang trông nom đền thờ Mẫu của dòng họ, xây dựng từ đầu thế kỷ XX, được bảo tồn khá nguyên vẹn. Như nhiều hộ dân đang sinh sống trong nhà cổ của làng Cựu, chúng tôi mong muốn giữ lại nếp nhà của cha ông cho đời sau…
Song, có một thực tế, việc trùng tu, sửa chữa nhà cổ ở làng Cựu chưa được sự hỗ trợ của cơ quan, tổ chức có chuyên môn trong lĩnh vực này. Bởi vậy, nhiều gia đình tuy sửa chữa nhưng không đạt như mong muốn hoặc nhiều nhà phá bỏ một phần công trình để xây mới theo kiến trúc hiện đại… Mong rằng làng Cựu là chốn về của những người con xa quê và là điểm tham quan hấp dẫn du khách, qua đó, thúc đẩy nghề may địa phương phát triển”.
Theo Chủ tịch UBND xã Vân Từ Dương Quang Vi, hiện nay, nhiều nhà cổ của làng Cựu không có người sinh sống, chủ nhà giữ đất tổ tiên làm nơi thờ tự, thuê người trông coi. Số còn lại, trong đó có nhiều căn mua đi - bán lại, gia chủ cải tạo theo phong cách khác hoặc theo nhu cầu sử dụng.
“Mong muốn của chúng tôi là làng Cựu sớm được quy hoạch chi tiết gắn với xây dựng nông thôn mới để phát huy giá trị của các công trình kiến trúc cổ”, ông Vi trăn trở nêu kiến nghị.