“Chảy máu” tài nguyên
Dọc theo tuyến đường Trảng Bom – Cây Gáo, len lỏi trong các tuyến đường liên xã tại khu vực ấp 3, ấp 6 của xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, nhiều thửa đất nông nghiệp rộng hàng ngàn m2 đang bị cày xới nham nhở để lấy đá. Xe ben, xe cuốc (máy múc) hoạt động rầm rộ bới móc không thương tiếc khiến nhiều thửa đất tại đây biến thành mỏ khai thác đá.
Theo phản ánh của người dân, hoạt động khai thác đá tại các mỏ đá tự phát này đã diễn ra từ nhiều năm nay, người dân đã nhiều lần phản ánh tới các cơ quan chức năng của địa phương nhưng không hiểu sao đều bị chìm trong yên lặng. bất lực, họ đành chấp nhận sống chung với khói bụi, ô nhiễm do hoạt động này gây ra.
Máy múc đang “vô tư” đào bới đất đá tại một “mỏ đá tự phát”
Bám theo đoàn xe ben, xe tải hạng nặng thường xuyên ra vào đường 22 Sông Trầu, nhóm PV tiếp cận với một mỏ đá tự phát” tại ấp 3 xã Sông Trầu (Trảng Bom – Đồng Nai). Tại thửa đất số 137, tờ bản đồ 22 và khu vực lân cận, tiếng máy múc gầm rú đang đào bới đất đá để chuyển sang xưởng xẻ đá ngay gần khu vực đó. Thậm chí một con đường nội bộ nối liền khu vực này với xưởng xẻ đá cũng được hình thành để thuận tiện cho việc vận chuyển và tránh sự quan sát của nhiều người.
Thời điểm PV có mặt, khu đất rộng hàng ngàn m2 đang bị 4 máy múc và 2 xe ben chuyên chở vô tư cày xới như một đại khai trường. Theo người dân sống quanh khu vực, việc đào bới này đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Người dân ai cũng biết, nhưng nhiều cơ quan chức năng của xã Sông Trầu và huyện Trảng Bom hầu như lại không biết việc này.
Một “mỏ đá tự phát” khác gần thửa 100, tờ bản đồ số 25 ấp 6 xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai
Không chỉ có khu vực này, tình trạng đào bới, san lấp, khai thác đá trái phép còn diễn ra tại nhiều thửa đất khác thuộc ấp 3 và ấp 6 xã Sông Trầu. Tuy nhiên, việc vận chuyển đất đá ra khỏi thửa đất thường diễn ra vào ban đêm nhằm tránh sự nhòm ngó của người lạ.
Bên cạnh những vấn nạn liên quan đến các mỏ đá tự phát thì vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu sơ chế, sản xuất đá xây dựng trên địa bàn xã Sông Trầu cũng cần được làm rõ. Hiện hoạt động của các cơ sở này liên tục gây ra ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân. Cùng với đó, nước thải trong quá trình sản xuất cũng không được các cơ sở này xử lý triệt để mà xả thải trực tiếp ra môi trường.
Hoạt động trái pháp luật
Trao đổi với PV, Luật sư Phan Anh Tuấn - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội khẳng định, nếu hoạt động khai thác đá tự phát như trình bày ở trên không được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền thì đó là hành vi vi phạm phát luật cần phải xử lý.
Bởi theo Luật sư Phan Anh Tuấn, việc khai thác khoáng sản của cá nhân, tổ chức với quy mô lớn hay nhỏ đều nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc hoạt động khoáng sản được quy định tại Điều 4 Luật Khoáng sản: Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Vậy nên việc tự ý đào bới, khai thác khoảng sản là hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 của Luật Khoáng sản.
Về hình thức xử lý vi phạm, Luật sư Phan Anh Tuấn cũng cho biết thêm: “Hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liêu xây dựng thông thường có thể bị phạt tiền lên đến 40 triệu đồng, căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 44 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Ngoài ra còn có hình thức xử phạt bổ xung kèm theo và biện pháp khắc phục hậu quả căn cứ theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5, Điều 44 của Nghị định này”.
Quy định rõ ràng là vậy, nhưng theo phản ánh của người dân và ghi nhận của PV, tình trạng khai thác đá tại các “mỏ đá tự phát” trên địa bàn xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom đã diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng chưa thấy cơ quan nào đứng ra xử lý. Điều này khiến người dân không khỏi băn khoăn phải chăng sự tắc trách trong công tác quản lý của địa phương đã “tạo điều kiện” cho các “mỏ đá tự phát” này hoạt động? Và liệu rằng hoạt động của các mỏ đá này có sự “chống lưng” của cá nhân nào hay không?
Nhằm làm rõ những nội dung trên, ngày 28/8 mới đây, PV đã đặt lịch làm việc với UBND xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kì ý kiến phản hồi nào từ phía cơ quan này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.