Ghi nhận tại các bệnh viện tuyến đầu, lượng bệnh nhân đến khám bệnh theo yêu cầu vô cùng đông đúc. Đơn cử, tại Bệnh viện Bạch Mai, tại khu vực khám bệnh theo yêu cầu lúc nào cũng chật cứng người.
Chị Trần Thị Nhung (45 tuổi, quê Hưng Yên) thường xuyên đau đầu, kết quả xét nghiệm máu cho thấy tiểu cầu tăng. Thay vì khám gần nhà, chị lựa chọn đến Khoa Khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai để làm xét nghiệm tủy sống.
Chị Nhung cho biết, mặc dù bản thân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng do việc xin giấy chuyển tuyến khó khăn và muốn tiết kiệm thời gian nên đã chọn khám dịch vụ. “Sau khám và xét nghiệm, tôi phải thanh toán 6,9 triệu đồng. Cũng mong kết quả ổn, chứ nếu phải nhập viện điều trị thì lại phải xin giấy chuyển tuyến, không thì lấy đâu ra tiền mà chi trả", chị chia sẻ.
Khi được hỏi về chính sách BHYT chi trả một phần chi phí khám theo yêu cầu, chị lắc đầu không biết. Không chỉ chị Nhung mà nhiều bệnh nhân khác cũng có thẻ BHYT nhưng vẫn chọn khám dịch vụ vì ngại chờ đợi và chưa nắm rõ chính sách mới.

Luật bảo hiểm y tế bổ sung có nhiều điểm mới có lợi cho người dân
Còn tại Bệnh viện Mắt Trung ương, bé Phan Thị Thùy Dương (9 tuổi, trú tại phường Vĩnh Tuy, Hà Nội) vừa được mổ lác bẩm sinh. Bé đang chờ làm thủ tục để xuất viện về nhà.
Anh Phan Văn Nghĩa (bố bé Thùy Dương) chia sẻ, con anh bị lác mắt bẩm sinh, đến bây giờ gia đình mới đưa con đi phẫu thuật. 10h sáng con gái anh được mổ, chiều đã được làm thủ tục ra viện, 7 ngày sau sẽ quay lại tái khám.
Theo anh Nghĩa, gia đình đưa con đến viện khám trước một ngày trước mổ, gia đình chọn khám và mổ dịch vụ để mong cháu được nhanh chóng về nhà. “Bảo hiểm y tế của con đăng ký ở Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), tuy nhiên vì muốn nhanh chóng, nên tôi không xin giấy chuyển tuyến mà qua thẳng bệnh viện. Hôm nay thanh toán ra viện, tổng chi phí là 7 triệu, các bác sĩ giải thích trường hợp mổ lác của cháu nhà tôi được giảm 30% (giảm 1,4 triệu) theo chính sách mới của bảo hiểm y tế. Các bác sĩ giải thích thêm, trước kia trường hợp như con nhà tôi mà mổ dịch vụ sẽ không được hưởng gì”, anh Nghĩa cho biết bản thân rất vui và bất ngờ. Anh cũng gửi lời cảm ơn đến Đảng và Nhà nước đã thay đổi chính sách cho người dân được hưởng những quyền lợi an sinh.

Anh Nghĩa cũng khá bất ngờ vì không nghĩ mổ muộn cho con lại được giảm bớt chi phí
TS Cát Vân Anh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, bệnh viện là cơ sở chuyên sâu nên theo Phụ lục 1 Thông tư 01/2025/TT-BYT, người bệnh BHYT bị ung thư mắt hoặc bệnh võng mạc trẻ đẻ non sẽ được quỹ BHYT chi trả dù không có giấy chuyển tuyến. Tuy nhiên, đối với ung thư mắt, điều kiện là bệnh phải được chẩn đoán xác định và có chỉ định điều trị đặc hiệu.
“Thông thường, bệnh nhân chỉ được hưởng BHYT từ lần khám thứ hai, hoặc nếu đã được tuyến dưới chẩn đoán nhưng không đủ điều kiện điều trị thì chuyển lên tuyến trên mới được thanh toán", bà Vân Anh nói thêm.

Chính sách BHYT mới cũng khiến các bác sĩ vui mừng vì bệnh nhân sẽ phần nào bớt được gánh nặng chi phí khám, điều trị bệnh
Bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết Nghị định 02/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật BHYT bổ sung nhiều quy định mới, đặc biệt đối với trường hợp người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh theo yêu cầu. Theo đó, người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí khám chữa bệnh theo phạm vi được hưởng, theo quy định tại Điều 22 của Luật BHYT.
Bên cạnh đó, thủ tục khi đi khám cũng được đơn giản hóa, tránh phiền hà. Cụ thể, khi đi khám, người dân chỉ cần mang theo giấy tờ phù hợp. Nếu thông tin BHYT đã được tích hợp trên căn cước công dân hoặc tài khoản VNeID mức độ 2 thì chỉ cần xuất trình giấy tờ đó, không cần mang thẻ BHYT giấy. Nếu chưa tích hợp, có thể dùng thẻ BHYT hoặc mã số BHYT. Trường hợp thẻ chưa có ảnh thì phải kèm theo giấy tờ tùy thân có ảnh như căn cước công dân, hộ chiếu, tài khoản định danh điện tử hoặc giấy xác nhận của công an xã, trường học.
Trẻ em dưới 6 tuổi chỉ cần xuất trình thẻ BHYT, nếu chưa được cấp thẻ thì xuất trình giấy khai sinh (bản gốc, bản sao, trích lục) hoặc giấy chứng sinh (bản gốc hoặc bản sao). Trường hợp trẻ vừa sinh, cha mẹ hoặc người giám hộ ký xác nhận trên hồ sơ bệnh án. Người đang chờ cấp lại hoặc đổi thẻ BHYT được dùng giấy hẹn trả kết quả của cơ quan bảo hiểm xã hội kèm giấy tờ tùy thân. Người hiến tạng nhưng chưa kịp được cấp lại thẻ vẫn được hưởng BHYT nếu xuất trình giấy ra viện kèm giấy tờ tùy thân. Với trường hợp cấp cứu, người bệnh cần bổ sung đầy đủ các giấy tờ trên trước khi kết thúc đợt điều trị để được thanh toán BHYT.