Tuổi thơ của các em bé dân tộc ở Kon Tum

Thảo Huyền

Theo chân nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thái ghi lại nét đẹp chân dung và các trò chơi tuổi thơ của trẻ em người dân tộc tại Kon Tum.

Nguyễn Ngọc Thái (sinh năm 1990, nghệ danh Thái Ba Na), quê ở huyện Đăk Hà, Kon Tum, để lại dấu ấn trong giới nhiếp ảnh qua các tác phẩm chuyên chụp chân dung và nhịp sống đời thường, đặc biệt là chân dung, tuổi thơ trẻ em các dân tộc tại Kon Tum.

Thái Ba Na cho biết tất cả các tác phẩm anh chụp thực hiện tại quê nhà Đắk Hà và trong tỉnh Kon Tum. Bức ảnh trên anh chụp cảnh vui chơi của các đứa trẻ Ba Na qua cầu treo bắc ngang sông thuộc xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà.

Trẻ tắm sông trong nắng chiều trên sông tại Đăk Hà, cách TP Kon Tum khoảng 20 km về phía bắc. Kon Tum có các dân tộc bản địa như Ba Na, Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Mâm và Hrê.

Người Ba Na tại Kon Tum chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh (năm 2017), cư trú tập trung ở TP Kon Tum và một phần ở các huyện Đăk Hà, Kon Rẫy và Sa Thầy.

Khoảnh khắc “Tắm”

Thái Ba Na, hội viên trẻ tuổi nhất 9x của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam vào năm 2018, chia sẻ về niềm đam mê chơi ảnh sắp tới, anh tiếp tục theo đuổi mảng ảnh chân dung, dù biết thể loại ảnh này kén người chơi hơn so với thể loại ảnh phong cảnh.

Những người bạn (đám trẻ và chú chó) thân thiết cười vui nằm trên rơm. Thái Ba Na nói bén duyên nhiếp ảnh từ năm 2015 và sau khi trải nghiệm qua các thể loại chụp, anh chọn lối đi riêng cho mình là chụp ảnh chân dung và nét đẹp lao động.

Quá trình tác nghiệp, tác giả thường ghi lại các khoảnh khắc tự nhiên của bọn trẻ, như lúc chúng vui chơi với chú chó quanh nhà sàn tạo nên khung cảnh và nếp sinh hoạt đời thường ấn tượng.

“Ai cũng có ký ức tuổi thơ, với những kỷ niệm đáng yêu và tôi muốn ghi các khoảnh khắc này của trẻ em người dân tộc tại Kon Tum”, Thái Ba Na nói.

Tác phẩm “Hạc giấy”, ngụ ý mang những ước mơ của trẻ bay cao, những điều kỳ diệu đến với các em trong cuộc sống.

Thái Ba Na cho biết ngoài yếu tố tự nhiên, đa phần các tác phẩm chân dung anh chụp là có sự sắp đặt, thể hiện ý đồ, yếu tố nghệ thuật và nội dung thông điệp cần truyền tải qua từng bức ảnh.

 

Tác phẩm “Lò rèn của ông” mô tả niềm vui hăng say của ông cháu khi cùng làm việc.

Tác phẩm “Bắn bi”, trò chơi gắn liền với tuổi thơ của trẻ.

“Ngoài kỹ thuật chụp và hậu kỳ ảnh thì nhập tâm vào đời sống nhân vật là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên tác phẩm chân dung ấn tượng”, tác giả chia sẻ.

Ná thun bắn chim cũng là một trò chơi tuổi thơ của các bé trai.

Tác phẩm có tựa đề "Tuổi thơ”. Mỗi tác phẩm chân dung đều có sự chỉn chu, lên ý tưởng. Từ năm 2015 đến nay, tác giả rong ruổi khắp Đăk Hà và các bản làng Kon Tum chụp trên 300 tấm chân dung người dân tộc, từ già làng cho đến trẻ em, nhưng ưng ý nhất khoảng 50 tấm.