Tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai cần khắc phục thế nào?

Biên tập viên

Khi mang thai, cơ thể người mẹ có những thay đổi để thích nghi với quá trình nuôi dưỡng em bé. Để đáp ứng điều này, lượng máu lưu thông trong cơ thể sẽ tăng cao hơn bình thường để đảm bảo cung cấp cho thai nhi. Và đây chính là “thủ phạm” dẫn đến tình trạng tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai.

Huyết áp thấp còn có nguyên nhân khác như mang thai đôi, tiền sử bị bệnh, cơ thể thai phụ không được cung cấp đủ vitamin B12, axit folic...

Tuy nhiên tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai không phải lúc nào cũng là tình trạng sinh lý. Huyết áp tụt quá thấp có thể gây nguy hại cho tình trạng sức khỏe của thai nhi. Một số thói quen không tốt có thể gây tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai như thay đổi tư thế đột ngột, tắm quá lâu. Bên cạnh đó một số bệnh lý cũng là nguyên nhân gây tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai như thiếu máu, chảy máu, chấn thương, bệnh lý tim mạch, nhiễm trùng, mất nước, phản ứng dị ứng, tác dụng phụ của các loại thuốc...

Ngoài ra, chỉ số huyết áp thay đổi tùy thuộc vào mức năng lượng, lối sống và mức độ căng thẳng của mẹ bầu. Hơn nữa huyết áp cũng tăng, giảm tùy theo thời gian trong ngày, nên để xác định được mình có bị tụt huyết áp không, mẹ bầu cần đo huyết áp thường xuyên.

Biểu hiện tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai

Khi bị tụt huyết áp, dấu hiệu thường thấy ở mẹ bầu có thể kể đến như:

  • Buồn nôn, chóng mặt, choáng váng, thậm chí ngất xỉu khi đứng dậy.
  • Đổ mồ hôi lạnh, nước da xanh xao, tái nhợt.
  • Thường khát nước, ngay cả khi vừa uống trước đó.
  • Cơn mệt mỏi khi mang thai trở nên trầm trọng hơn trong ngày.
  • Thở dốc, khó thở.
  • Trầm cảm, dễ nhầm lẫn.
  • Gặp vấn đề về thị lực như mắt mờ hoặc tầm nhìn đôi (song thị).

Mặc dù tình trạng tụt huyết áp thường không quá nguy hiểm, nhưng các triệu chứng mà bệnh này gây ra sẽ khiến cơ thể của mẹ bầu cảm thấy khó chịu, làm giảm chất lượng cuộc sống của thai phụ, đặc biệt là nếu bạn chưa từng trải qua những tình trạng này trước đây.

Tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai cần khắc phục thế nào?- Ảnh 2.

Tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai do nhiều nguyên nhân.

Khắc phục tình trạng tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai

Ngoài việc điều trị y tế theo khuyến cáo của bác sĩ, đa số huyết áp thấp đều được khắc phục tại nhà bằng các biện pháp đơn giản. Mẹ bầu có thể thực hiện để tránh những biến chứng do bệnh gây ra.

Nghỉ ngơi đầy đủ

Nếu cảm thấy mệt mỏi có hiện tượng hạ huyết áp thì nên ngồi hoặc nằm xuống nhẹ nhàng, hít thở đều và sâu. Nằm nghiêng bên trái thay vì nằm nghiêng bên phải cũng có thể giúp tăng lưu lượng máu đến tim, từ đó giúp ổn định cơ thể. Không nên làm việc quá sức, hoạt động nặng gây mệt mỏi, căng thẳng dẫn đến tụt huyết áp. Mẹ bầu hãy cho cơ thể được thư giãn vào một quãng thời gian nhất định trong ngày để cơ thể được phục hồi và giảm mệt mỏi.

Tình trạng huyết áp thấp có thể khắc phục từ từ, điều quan trọng cần nhớ là mẹ bầu nên thực hiện mọi hành động thật chậm rãi. Mẹ bầu cần chú ý không nên thay đổi tư thế cơ thể quá đột ngột từ ngồi sang đứng, từ nằm sang ngồi hoặc đứng dậy… Dành thời gian để ngồi dậy từ từ vào buổi sáng thay vì lập tức bật dậy và bước ra khỏi giường. Hạn chế đứng một chỗ trong thời gian dài vì lúc này máu dễ tụ xuống chân gây chóng mặt, tụt huyết áp.

Bổ sung đủ nước cho cơ thể

Trong các tháng đầu của quá trình mang thai, mẹ bầu thường bị ốm nghén, nôn mửa khiến cơ thể mất nước dẫn đến tụt huyết áp. Nếu không bổ sung lượng nước kịp thời, nó sẽ làm nghẽn sự vận chuyển máu đến thai nhi. Chính vì thế mẹ bầu nên nạp nhiều chất lỏng cho cơ thể bằng nước lọc, nước ép trái cây tươi, trà thảo mộc… để hỗ trợ giảm nhẹ chứng tụt huyết áp khi mang thai hoặc tình trạng ốm nghén. Nếu tình trạng tụt huyết áp ở phụ nữ mang thai gây buồn nôn, việc dùng trà thảo mộc ấm từ gừng, hoa cúc sẽ giúp giải quyết vấn đề khó chịu ở dạ dày.

Chú ý đến chế độ dinh dưỡng

Một chế độ ăn uống đa dạng giàu chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trong thai kỳ và có thể giúp giảm các triệu chứng thai kỳ. Tránh xa các loại đồ uống có chứa caffein, cồn, chất kích thích... trong suốt thai kỳ để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, tránh xa huyết áp thấp. Khi mang thai nếu bị tụt huyết áp thì hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thay vì một bữa ăn lớn hay chỉ cố định với 3 bữa chính. Khi ăn các bữa nhỏ, hệ tiêu hóa sẽ được giảm áp lực, hạn chế tụt huyết áp.

Mẹ bầu bị huyết áp thấp nên mang theo bánh, kẹo, đồ ngọt để ăn ngay khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt. Tránh tình trạng ngất xỉu đột ngột, va chạm mạnh gây nguy hiểm cho mẹ và bé.

Mẹ bầu cũng phải cân nhắc về việc tăng lượng muối hấp thụ hàng ngày. Để tốt cho cơ thể thì mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết được lượng muối phù hợp với bản thân mình.

Tuyệt đối không bỏ bữa sáng vì bữa sáng cung cấp năng lượng thiết yếu cho cả ngày. Thói quen bỏ bữa sáng làm giảm trương lực (sức đàn hồi, dẻo dai) của mạch máu, dẫn đến hạ huyết áp.