“Linh hoạt” trước giấy phép?
Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang, dự án Nhà máy cơ khí đúc Tuyên Quang được cấp giấy chứng nhận lần đầu vào ngày 6/6/2016, điều chỉnh lần 3 vào ngày 24/7/2018.
Theo đó, dự án có diện tích đất 4,1 ha (sau điều chỉnh), vị trí Lô B8, Khu công nghiệp Long Bình An, xã Đội Cấn (nay là phường Đội Cấn), Thành phố Tuyên Quang. Đây cũng là trụ sở của Công ty TNHH Tam Cửu – chủ đầu tư của dự án. Tổng vốn đầu tư nhà máy 70 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư tài sản cố định 35 tỷ, 35 tỷ còn lại là vốn lưu động.
Quy mô nhà máy cơ khí đúc Tuyên Quang sẽ sản xuất bi nghiền 10 nghìn tấn/năm; phụ liệu chịu lửa 1.500 tấn/năm; gia công sửa chữa thiết bị 300 tấn/năm; quặng vê viên 10.000 tấn/năm; VLXD 2 triệu viên gạch không nung/năm.
Về tiến độ thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư, công trình khởi công xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị tháng 6/2016. Sau đó dự án chia làm 2 giai đoạn, ở giai đoạn 1 dự án sẽ hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh vào tháng 3/2019, bao gồm các hạng mục: Sản xuất bi nghiền, sản xuất vật liệu chịu lửa, gia công sửa chữa thiết bị. Ở giai đoạn 2, vào tháng 6/2023, bao gồm các hạng mục: Sản xuất quặng vê viên, sản xuất vật liệu xây dựng.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là như vậy nhưng theo phản ánh, năm 2021, chủ đầu tư Nhà máy này đã sản xuất quặng vê viên cung ứng cho đối tác. Việc này là “linh hoạt” trước 2 năm so với Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang cấp phép.
Cụ thể, ngày 25/08/2021, Công ty TNHH Tam Cửu (viết tắt: Công ty Tam Cửu, chủ đầu tư dự án) ký hợp đồng gia công quặng vê viên số 25082021/HĐGC/HT-TC với Công ty TNHH Thương mại Hoằng Thái (viết tắt: Công ty Hoàng Thái).
Theo hợp đồng này, Công ty Tam Cửu sẽ gia công và cung cấp 18 nghìn tấn tinh quặng sắt, vảy cán, oxit sắt cho Công ty Hoằng Thái. Công ty Hoằng Thái sẽ cung ứng tinh quặng sắt để Công ty Tam Cửu gia công nghiền tuyển quặng vê viên sản lượng không thấp hơn 9000 tấn khô/tháng. Hợp đồng cũng thể hiện rõ địa điểm nhận hàng tại kho Nhà máy cơ khí đúc Tuyên Quang, địa chỉ Lô B8, Khu công nghiệp Long Bình An.
Tại các bảng kê theo dõi xuất hàng và thanh toán cũng thể hiện, năm 2021, Công ty Hoằng Thái đã thanh toán tiền gia công quặng vê viên cho Công ty Tam Cửu hơn 2 tỷ đồng; năm 2022 là gần 40 tỷ đồng; năm 2023 hơn 38 tỷ đồng.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Để làm rõ hơn những nội dung phản ánh PV Đời sống & Pháp luật đã liên hệ với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Một nguồn tin khác cho biết hiện Nhà máy cơ khí đúc Tuyên Quan đã dừng hoạt động.
Liên quan tới sự việc này, trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, Luật sư Dương Văn Hải- Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh( Công ty Luật TNHH Hoàng Anh) cho rằng, căn cứ Khoản 3, điều 42, Luật đầu tư 2020 quy định:“Nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về quy hoạch, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động, phòng cháy và chữa cháy, quy định khác của pháp luật có liên quan, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.”
Theo Luật sư Hải, việc chủ đầu tư Nhà máy cơ khí đúc Tuyên Quang - Công ty Tam Cửu, đã sản xuất quặng vê viên từ tháng 8 năm 2021 trước tháng 6 năm 2023 có dấu hiệu vi Luật Đầu tư 2020 và quy định tại điểm a, khoản 2, điều 19 Nghị định 122/2021/NĐ- CP ngày 28/12/202, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư: “Không thực hiện theo đúng nội dung tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ngoài ra, cũng theo Luật sư Hải, Công ty này sản xuất kinh doanh trước thời điểm được phép hoạt động sản xuất, hoặc trường hợp này được hiểu sản xuất kinh doanh khi chưa đủ điều kiện sản xuất còn đặt ra câu hỏi Công ty đã được Giấy phép môi trường liên quan hay chưa? Bởi căn cứ Giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng cung ứng đã ký kết Công ty sản xuất vượt quy mô (53.000 tấn/năm), nên phải được cơ quan quản lý cấp Giấy phép môi trường phù hợp với quy mô quy định tại điều 39, Luật bảo vệ môi trường 2020.
Cũng theo Luật sư Hải, đối với hoạt động sản xuất vượt quá quy mô đăng ký đầu tư của Công ty Tam Cửu trách nhiệm trước hết thuộc về Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang. Cụ thể, theo quy định tại điểm c,d, khoản 3, điều 51, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định: “Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm sau đây: c) Tổ chức kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định của pháp luật; d) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật;”
Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang có trách nhiệm: “Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện mục tiêu đầu tư quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”, quy định tại Điều 68,Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ Quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế về nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
Ngoài những “lỗ hổng” quản lý nói trên, theo Luật sư Hải, Công ty Tam Cửu hoạt động chưa đúng theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp nêu trên còn có thể dẫn tới việc Công ty này báo cáo về số lượng hàng hoá bán ra, doanh thu, lợi nhuận với với Ban quản lý và Cục thuế tỉnh Tuyên Quang sai sự thật. Dẫn tới việc trốn tránh các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, làm thất thu ngân sách.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!
Phú Nguyễn