Ung thư đại tràng và cách phòng ngừa

Hồ Nga

Ung thư đại tràng hay còn gọi là ung thư ruột già là một loại ung thư thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Ung thư đại tràng là gì?

Thành đại trực tràng được cấu tạo từ nhiều lớp. Ung thư đại trực tràng khởi phát từ lớp trong cùng (niêm mạc) và có thể tăng trưởng đến vài lớp hoặc tất cả các lớp khác. Khi tế bào ung thư đã xuất hiện trên thành đại trực tràng, chúng có thể đi vào trong các mạch máu hoặc mạch bạch huyết (là các ống nhỏ mang chất thải và chất lỏng ra ngoài).

Tuy nhiên, chúng có thể xuất hiện ở bất cứ bị trí nào của đại tràng: đại tràng sigma, đại tràng xuống, đại tràng ngang, đại tràng lên và manh tràng.

Bệnh phát triển với 4 giai đoạn chính, được phân loại dựa trên cấu trúc của đại tràng và cách tế bào lây lan từ đại tràng tới các bộ phận khác của cơ thể. Giai đoạn ung thư càng muộn thì tiên lượng sống càng giảm. Ung thư giai đoạn đầu thường phát triển chậm hơn và có tiên lượng tốt hơn.

  • Giai đoạn I: Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng, được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ, lúc này ung thư vẫn chỉ giới hạn trong đại tràng. Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư chỉ có ở niêm mạc, phát triển trong các lớp của đại tràng.

  • Giai đoạn II: Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư bắt đầu lan ra và xâm lấn tới các khu vực khác trong đại tràng, nhưng chưa di căn tới các cơ quan khác của cơ thể. Giai đoạn này được phân loại thành các giai đoạn nhỏ IIa, IIb và IIc, dựa trên sự lan xa của các tế bào ung thư.

  • Giai đoạn III: Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư bắt đầu lan đến các hạch bạch huyết lân cận. Giai đoạn này được chia thành IIIa, IIIb và IIIc dựa trên số lượng hạch bạch huyết bị ảnh hưởng bởi ung thư.

  • Giai đoạn IV: Đây là ung thư đại tràng giai đoạn cuối, các tế bào ung thư di căn tới các cơ quan khác của cơ thể.

Biểu hiện của ung thư đại tràng

Ung thư đại trực tràng có thể không gây ra các triệu chứng ngay lập tức, nhưng nếu có thì sẽ là một trong các triệu chứng sau:

  • Thay đổi thói quen đi cầu (đi tiêu) như tiêu chảy, táo bón, phân dẹt kéo dài trong nhiều ngày;
  • Cảm giác không đi hết phân sau mỗi lần đi cầu;
  • Đi cầu ra máu;
  • Phân có lẫn máu hoặc sẫm màu;
  • Đau quặn bụng;
  • Suy nhược và mệt mỏi;
  • Sụt cân không chủ ý.

Ung thư đại tràng thường gây ra tình trạng chảy máu trong đường tiêu hóa. Mặc dù đôi khi máu có thể lẫn trong phân hoặc làm phân sẫm màu, thông thường phân trông vẫn bình thường. Theo thời gian thì tình trạng mất máu có thể tăng và làm cho số lượng hồng cầu giảm (bệnh thiếu máu). Đôi khi dấu hiệu đầu tiên của ung thư đại trực tràng là kết quả xét nghiệm máu cho thấy số lượng hồng cầu thấp.

Phần lớn các vấn đề này thường do các tình trạng khác chứ không phải do ung thư đại trực tràng gây ra như nhiễm trùng, bệnh trĩ, hoặc hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân gặp bất kỳ vấn đề gì, điều quan trọng là phải gặp bác sĩ ngay để tìm nguyên nhân và tiến hành điều trị, nếu cần thiết.

Nguyên nhân dẫn đến việc bị ung thư đại tràng

Thừa cân hoặc béo phì: nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì (thừa cân nhiều) thì nguy cơ phát triển và tử vong vì ung thư đại trực tràng sẽ cao hơn. Tình trạng thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng cho cả nam và nữ nhưng nguy cơ ở nam giới sẽ cao hơn.

Thiếu hoạt động thể chất: nếu bệnh nhân không hoạt động thể chất thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng cao hơn. Việc vận động nhiều hơn có thể giúp giảm nguy cơ gây bệnh.

Một số loại thực phẩm: chế độ ăn có nhiều thịt đỏ (như thịt bò, heo, cừu, hoặc gan) và thịt chế biến (như xúc xích và thịt hộp) có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Các món được làm bằng cách chiên, nướng, hoặc quay sẽ tạo ra các chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư, nhưng mức độ gia tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng vẫn chưa được xác định. Chế độ ăn nhiều rau củ, trái cây và gạo nguyên hạt có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng nhưng việc bổ sung chất xơ thì chưa được chứng minh là mang lại hiệu quả.

Hút thuốc: những người hút thuốc lá trong thời gian dài sẽ có nhiều nguy cơ phát triển và tử vong vì ung thư đại trực tràng hơn những người không hút thuốc. Hút thuốc là một nguyên nhân gây ung thư phổi được nhiều người biết đến và cũng có liên quan đến các loại ung thư khác, như ung thư đại trực tràng.

Uống nhiều rượu/bia: ung thư đại trực tràng có liên quan đến việc uống nhiều rượu/bia. Việc hạn chế uống rượu/bia không quá hai ly/ngày ở nam giới và một ly/ngày ở nữ giới có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, kể cả việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Cao tuổi: người trẻ tuổi có thể phát triển ung thư đại trực tràng nhưng nguy cơ sẽ tăng rõ rệt khi bệnh nhân lớn hơn 50 tuổi.

Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng hoặc pô-lýp tuyến: phần lớn những người bị ung thư đại trực tràng không có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, có đến 1/5 số người bị ung thư đại trực tràng có thành viên trong gia đình mắc căn bệnh này.

Cách phòng ngừa ung thư đại tràng

Nếu phát hiện ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị thành công của bệnh càng cao. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp nội soi, tỷ lệ điều trị khỏi lên tới 70% với các trường hợp khối u chưa di căn.

Ung thư đại tràng nói riêng và ung thư đường tiêu hóa nói chung chưa thể xác định rõ ràng các yếu tố nguy cơ. Do vậy, để phòng ngừa ung thư đại tràng và ung thư đường tiêu hóa cần tránh xa các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đầu tiên, người dân cần thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm tầm soát sớm để phát hiện các tổn thương tiền ung thư và đưa ra phương án điều trị.

Người bệnh cần lưu ý, phương pháp chính xác nhất để tầm soát và phát hiện ung thư đại tràng là nội soi tiêu hóa. Nội soi tiêu hóa giúp phát hiện sớm các tổn thương ở đường tiêu hóa trong đó có đại tràng kể cả những tổn thương rất nhỏ hay biến đổi rất tinh tế trên bề mặt của niêm mạc. Tất cả những phương pháp siêu âm hay xét nghiệm máu hoặc các phương pháp khác ở giai đoạn sớm này không thể giúp phát hiện sớm ung thư đại tràng như nội soi. Vậy những ai nên tầm soát ung thư đại tràng?

Ung thư đại tràng có phòng ngừa được không?- Ảnh 2.

Nội soi là phương pháp giúp phát hiện sớm những tổn thương ung thư đại tràng.

- Những đối tượng từ 40 tuổi trở lên nên tầm soát 2 năm/lần (theo nghiên cứu của Nhật Bản và Hàn Quốc) bởi tuổi càng cao thì nguy cơ ung thư càng tăng.

- Trong gia đình có người thân mắc ung thư đại tràng hoặc ung thư đường tiêu hóa.

- Khi có vấn đề về đường tiêu hóa, người bệnh có thể kết hợp khám sức khỏe và tầm soát ung thư theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, để phòng ngừa ung thư đại tràng, người dân cần thay đổi lối sống khoa học hơn bằng cách:

- Bổ sung nhiều rau xanh, chất xơ, hoa quả vào thực đơn hàng ngày. Đồng thời hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, đồ ăn muối chua, nhiều gia vị, đồ chế biến sẵn…

- Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá

- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

T/H