Bị stress, tự nghiên cứu trồng nấm thức thần
Trao đổi với PV, lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội) cho biết, đã khởi tố bị can, bắt tạm giạm Nguyễn Trần Tuấn Phương (19 tuổi, trú tại tập thể học viện Ngân hàng, Quang Trung, Đống Đa) để điều tra về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Qua khai thác thông tin ban đầu, Tuấn Phương hiện đang là sinh viên đại học Bách Khoa Hà Nội. Loại ma túy mà Tuấn Phương bán được gọi là nấm "thức thần”. Đây là 1 loại cây chứa chất ma túy từng xuất hiện ở Hải Phòng vào năm 2018. Nấm "thức thần" có chứa psilocybine, psilocine... là chất gây ảo giác mạnh.
Tuấn Phương khai nhận, do áp lực học tập và bị stress nên đã tìm đến nấm "thức thần” để giải khuây, rồi nghiên cứu trồng để sử dụng và bán.
“Phương từng nhiều năm là học sinh giỏi của trường cấp ba có tiếng ở Hà Nội. Hiện, Phương là lớp trưởng, học giỏi, ngoan ngoãn và được bạn bè yêu mến. Sự việc xảy ra khiến nhà trường khá bất ngờ…”.
Đại diện đại học Bách Khoa khẳng định.
Tại cơ quan công an, Tuấn Phương khai nhận, cách đây 2 năm, do áp lực học tập và bị stress nặng nên đã tìm đến nấm "thức thần” để giải khuây, rồi nảy sinh ý định tự nghiên cứu trồng để sử dụng và bán. Sau đó, Tuấn Phương tìm tài liệu bằng tiếng Anh, tự học công thức và mua phôi nấm trên mạng về nuôi cấy. Tháng 5/2020, Phương thu mẻ thành phẩm đầu tiên khoảng 300g nấm tươi, sau đó phơi khô thu được xấp xỉ 30g rồi đem rao bán với giá gần 5 triệu đồng.
Đầu tháng 6, Phương bị Công an quận Cầu Giấy phát hiện, bắt giữ khi đến điểm hẹn để giao dịch mua bán nấm. Công an xác định các mẫu nấm tang vật có chứa psilocine và psilotcin gây ảo giác mạnh cho người dùng. Chất này nằm trong danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội, theo Nghị định 73/2018. Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, lực lượng công an đã thu giữ 1 thùng nhựa, 2 xi lanh chứa bào tử nấm đã sử dụng hết, 1 túi gạo lứt, xơ dừa để trồng nấm.
Xác nhận với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, đại diện phòng Công tác Sinh viên trường đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, Nguyễn Trần Tuấn Phương là sinh viên năm thứ nhất ngành Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm của trường.
“Chúng tôi chưa nhận được thông tin gì từ phía cơ quan công an, mọi thông tin về vụ việc liên quan đến em Phương, nhà trường mới chỉ nắm được thông tin qua báo chí. Nhà trường cũng đã có công văn gửi Công an quận Cầu Giấy đề nghị phối hợp và hiện tại chưa có hình thức xử lý gì đối với sinh viên này”, đại diện phòng Công tác sinh viên thông tin thêm.
Đại diện nhà trường cũng cho biết: “Phương từng nhiều năm là học sinh giỏi của trường cấp ba có tiếng ở Hà Nội. Hiện, Phương là lớp trưởng, học giỏi, ngoan ngoãn và được bạn bè yêu mến. Sự việc xảy ra khiến nhà trường khá bất ngờ. Nhà trường cũng đã liên hệ với phụ huynh em Phương để nắm bắt thêm thông tin.
Bố mẹ em Phương cho hay, sinh viên này yêu thích môn sinh học, những năm còn học phổ thông, Phương có niềm đam mê với các loại nấm và thường tìm đến các trang trại tìm hiểu. Do chưa nhận thức đúng đắn về mức độ nguy hại của loại nấm này nên mới dẫn đến việc làm sai”.
Ma túy gây ảo giác cực mạnh
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin Pháp Luật, một số trang mạng đăng tải thông tin trao đổi kinh nghiệm sử dụng chất “thức thần”, số lượt người theo dõi lên tới hàng chục nghìn người. Ở đó, phần lớn người tham gia đều sử dụng nick ảo và sim rác để tiện giao dịch.
Trên các trang mạng xã hội, nấm "thức thần" đang được quảng cáo công khai kích thích dân chơi sử dụng. Nó được phổ biến công dụng khá chi tiết như: Nấm có chứa psilocybine, psilocine... tạo ảo giác, hưng phấn, người dùng nấm sẽ có một chuyến du lịch tốt đẹp (good trip), còn nếu không may thì sẽ có một chuyến du lịch xui xẻo (bad trip). Nấm được bán dao động 300.000-350.000 đồng/3g nấm khô, tương đương một chuyến “trip”.
Thậm chí có trang thổi phồng công dụng của nấm "thức thần” như một loại “thần dược” đem lại hưng phấn cho người sử dụng. Những bài viết được chia sẻ theo chủ đề tình dục, hưng phấn hay ảo giác… đánh vào tâm lý muốn “tăng cường bản lĩnh đàn ông” của phái mạnh.
Hoặc trá hình quảng cáo nó như loại thuốc điều trị các loại bệnh thần kinh viên microdosing nấm chống trầm cảm, gây hưng phấn. Tất cả các trang này đều khẳng định cung cấp đủ nhu cầu cho khách. Nhằm tạo uy tín các trang này còn đăng tải chia sẻ rất “ngọt ngào” của những người đã dùng nấm "thức thần" nhằm tạo sự tin tưởng cho người mua.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), bộ Công an cảnh báo, ngày càng có nhiều loại ma túy mới được tội phạm điều chế ra qua mỗi năm. Từ năm 2013 chỉ có 230 chất, đến nay đã tăng lên gần 550 chất và hàng trăm tiền chất khác. Tại Việt Nam, thời gian qua loại nấm này được các đối tượng vận chuyển từ nước ngoài về rồi chia nhỏ bán lẻ cho giới trẻ.
Trong khi giới trẻ chìm đắm trong những cuộc vui không có hồi kết với những hoạt chất "thức thần", các chuyên gia y tế cảnh báo nấm "thức thần” là chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. Người sử dụng nấm này sẽ bị tác động đến hệ thần kinh, gây ra trạng thái hưng phấn, kích động, thậm chí ảo giác như có kẻ thù trước mặt đang cầm hung khí đe dọa... Điều này có thể còn dẫn đến án mạng.
Trao đổi với PV, BS. Đinh Hữu Uân, bệnh viện Tâm thần Trung ương cho hay, đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc ma túy đến cấp cứu. Điều đáng nói, nhiều bệnh nhân còn đang là học sinh bị lệ thuộc vào các loại ma túy "thức thần". Sử dụng liều thấp gây ảo giác, liều cao gây tử vong. “Lạm dụng chất này có thể dẫn đến hoang tưởng, hoảng sợ và lo lắng thường xuyên, dễ dẫn đến tự sát, tình trạng biểu hiện như bệnh nhân tâm thần phân liệt”, BS. Uân cảnh báo.
Đại tá Phạm Văn Chình. Thưa Đại tá, ông có thể nhận định về tình trạng giới trẻ sử dụng ma túy tổng hợp? Các loại ma túy mới xuất hiện trong những năm gần đây đã bị cơ quan công an triệt phá, so với các loại ma túy truyền thống như thuốc phiện, heroin thì có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người sử dụng? Ông có cảnh báo gì không? Đại tá Phạm Văn Chình: Hiện nay, có nhiều loại nấm độc, loại nấm nào có thành phần chất ma túy thì bị cấm. Những thành phần này chủ yếu để sản xuất ma túy tổng hợp, ảnh hưởng đến não, gây ảo giác. Còn heroin chủ yếu ảnh hưởng đến tim mạch, sau đó mới ảnh hưởng đến não. Đa số các loại ma túy xuất hiện trong những năm gần đây có sự biến tướng, thậm chí không còn nguyên chất như trước kia. Tội phạm có thể pha trộn các loại tiền chất cho ra các loại ma túy và thay bằng các tên gọi khác nhau. Tất cả đều là ma túy tổng hợp, cứ mỗi công thức lại cho ra một loại ma túy khác. Mục đích của các đối tượng pha chế, sản xuất ma túy tổng hợp để “đánh lừa” người sử dụng, làm ra các hương vị khác nhau, mẫu mã, hình thức khác nhau, tên gọi khác nhau để kích thích người mua tò mò tìm kiếm sử dụng. Thực tế, về bản chất, trong các loại ma túy tổng hợp chỉ có 2 nguyên liệu chính, còn lại là pha chế với các tiền chất khác nhau. Có loại kích thích sinh dục, loại thì kích thích hưng phấn ảo giác… Đối với ma túy tổng hợp, khi đã nghiện thì vô cùng khó cai. Hiện nay, trên thế giới chưa có phác đồ điều trị cho những người nghiện ma túy tổng hợp. Bởi vì, những loại hóa chất này đã ngấm vào máu, vào não thì rất khó “tẩy rửa”. Theo ông, vì sao xu hướng những năm gần đây giới trẻ lại ưa chuộng sử dụng các loại ma túy tổng hợp “thế hệ mới”? Đại tá Phạm Văn Chình: Nhiều loại ma túy tổng hợp dễ sản xuất và sử dụng đơn giản hơn heroin, thuốc phiện. Các loại ma túy “truyền thống” thì cần phải có dụng cụ hỗ trợ để sử dụng, còn ma túy tổng hợp hiện nay chỉ cần uống là xong. Hơn nữa, có những loại ma túy tổng hợp mà các đối tượng pha chế lẫn vào trong trà sữa, kẹo… để lôi kéo người sử dụng. Viên microdosing nấm chống trầm cảm, gây hưng phấn được rao bán trên mạng. Thậm chí, các đối tượng sản xuất, bán ma túy tổng hợp còn quảng cáo “vống” lên về “độ phê” khi sử dụng một số loại, đặt cho nó tên gọi rất kêu, rồi quảng cáo “hàng hiếm” để nâng giá bán và nâng độ “hot” của loại ma túy tổng hợp đó. Mục đích để kiếm lời càng nhiều càng tốt. Bản chất là đánh lừa người khác Tuy nhiên, nhiều thanh niên lại thích thể hiện mình, cố mua bằng được một số loại ma túy “hot”, mới xuất hiện, dù giá cao đến mấy cũng mua để “oai” với bạn bè… Vậy, để phòng ngừa việc giới trẻ, nhất là các em học sinh có thể sa ngã vào con đường nghiện ngập, sử dụng ma túy tổng hợp thì gia đình, nhà trường và xã hội cần có biện pháp gì? Đại tá Phạm Văn Chình: Các nhà trường khi vào đầu năm học là phải tuyên truyền, thực hiện đúng yêu cầu của bộ GD&ĐT, để cho học sinh biết được tác hại của ma túy, biết được phương thức thủ đoạn của tội phạm như thế nào để tránh.
Đối tượng Phương và tang vật. Thứ hai, phụ huynh không được xao nhãng việc quản lý con cái, đừng mải mê làm ăn, kinh doanh rồi bỏ bê con, không để con buồn tủi, hoặc ăn chơi đua đòi sẽ dễ bị bạn bè lôi kéo vào các tệ nạn, không ma túy thì cờ bạc, mại dâm… Gia đình và nhà trường phải quản lý con em và học sinh thông qua việc giám sát, sớm phát hiện bất minh về thời gian, tiền bạc. Dấu hiệu của các em là đi muộn, về sớm, bỏ học, có thể học sa sút, khi học hay ngáp ngủ, không tập trung, chơi với bạn bè xấu, hay xin tiền bố mẹ quá nhiều, nói dối, thậm chí trộm cắp của gia đình và hàng xóm, nhiều cháu còn đi cướp tài sản… Nếu phát hiện con nghiện ma túy thì phải báo cáo chính quyền, cho đi cai nghiện ngay. Trước đây, đã có vụ việc cơ quan công an phát hiện các cháu học sinh cấp 3 đãi nhau sinh nhật bằng tiệc ma túy tổng hợp. Quá trình tìm hiểu thì mới biết, bố mẹ các cháu quá nuông chiều, con xin bao nhiêu tiền cũng đáp ứng và không quan tâm đến giờ giấc sinh hoạt, học tập của các cháu. Đến lúc cơ quan chức năng phát hiện sự việc thì các bậc phụ huynh mới ngỡ ngàng thốt ra từ “giá như”. Ngoài ra, cần quản lý chặt các hàng quán quanh cổng trường, yêu cầu cam kết không được mua bán ma túy. Nhất là cần lưu ý các trường hợp người ở nơi khác đến thuê địa điểm cạnh cổng trường để bán hàng quán và có những biểu hiện nghi vấn. Trân trọng cảm ơn ông! |