Vén màn sự thật về việc cấp “giấy khai sinh” cho lan đột biến

Thảo Huyền

“Giấy khai sinh” cho lan đột biến gene, nghe có vẻ vô lý song nhiều người lại cho rằng nó rất… có lý. Tuy nhiên, quy trình hợp thức hóa giấy tờ cho loại cây này là điều không hề dễ dàng.

Hoa lan không thuộc danh mục cần cấp giấy lưu hành

Như PV Người Đưa Tin Pháp luật đã thông tin trước đó, hoa lan đột biến gene gần đây bỗng nổi lên như một hiện tượng và được nhiều người săn đón nhờ tính “độc” cùng những “thương vụ bạc tỷ” mà nó đem lại. Tuy nhiên, với nhiều người, “thương vụ bạc tỷ” thì chưa thấy đâu mà phần lớn lan đột biến đã trở thành “món nợ bạc tỷ”.

Dù đã có sự vào cuộc của lực lượng chức năng nhưng phần lớn người dân vẫn “phớt lờ” những cảnh báo lừa đảo cũng như rủi ro mà lan đột biến đem lại. Họ hy vọng, nếu có được chứng nhận bằng một tờ “giấy khai sinh” thì có thể cây lan của mình sẽ được giá hơn.

Vậy, có hay không chuyện một tờ “giấy khai sinh” có thể định giá được cây lan đột biến gene lên tới hàng tỷ đồng? Hay trên thực tế đã có ai được tận mắt thấy “giấy khai sinh” của loại cây này như thế nào? Để chứng thực về độ chính xác của những thông tin này, PV tạp chí ĐS&PL đã có một cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng cục Trồng trọt (bộ NN&PTNT), cơ quan có thẩm quyền công nhận nguồn gốc thực vật).

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng cục Trồng trọt.

PV: Chào ông, thời gian qua dư luận đang xôn xao về việc những cây lan đột biến gene có giá bán lên tới vài tỷ đồng cần được cục Trồng trọt cấp “giấy khai sinh”?

Ông Nguyễn Như Cường: Đúng là chuyện mua bán lan đột biến gene với giá hàng chục tỷ đồng thời gian gần đây đang khiến dư luận xôn xao. Nhưng không có nghĩa vì chuyện này mà việc “đẻ giấy khai sinh” cho loài hoa này cần phải có.

PV: Ông có thể giải thích rõ hơn?

Ông Nguyễn Như Cường: Thông tin cấp giấy chứng nhận cho lan đột biến gene là thông tin khá mới. Hiện tại theo quy định của Nhà nước, Cục chúng tôi chỉ cấp giấy bảo hộ giống cây trồng mới. Cấp quyết định lưu hành với những cây trồng chính, lúa, ngô, cam, bưởi, cà phê còn tất cả những cây trồng không thuộc danh mục tôi vừa nêu trên thì trước khi lưu hành phải tự công bố lưu hành, sau đó gửi lên Cục thông tin để chứng nhận. Theo pháp lệnh cũ, các loại giống rau, giống hoa không cần trong danh mục được phép lưu hành, theo luật Trồng trọt.

Chưa nhận được bộ hồ sơ nào

PV: Vậy, hiện tại chủ vườn muốn mang gốc lan đến Cục xin giấy chứng nhận thì có được hay không? Và cần những thủ tục nào?

Ông Nguyễn Như Cường: Tôi nhấn mạnh thêm lần nữa, hoa lan không nằm trong danh mục những loại cây chúng tôi bắt buộc phải cấp giấy lưu hành, mà những người chơi lan có thể tự làm điều đó. Vì thế, đến thời điểm hiện tại chúng tôi chưa hề nhận được một bộ hồ sơ nào về vấn đề này. Chúng tôi hiện tại chưa xếp hoa lan vào loại cây chính.

Thêm vào đó, việc đăng ký chứng nhận như thế nào, dựa trên tiêu chuẩn gì cũng là một dấu hỏi lớn. Đối với những giống cây trồng khác thì dễ dàng và không gặp khó khăn, nhưng với lan đột biến gene thì vẫn còn mới và lạ lẫm nên tôi thấy vấn đề này hoàn toàn không hợp lý. Nếu muốn có chứng nhận cần phải thông qua quy định của pháp luật, từ đó mới xác định được việc cấp giấy có hợp lý hay không.

PV: Để chứng minh nguồn gốc về một chậu lan đột biến với giá cao ngất ngưởng, người mua cần yêu cầu những gì để không bị lừa?

Ông Nguyễn Như Cường: Như tôi đã nói, người mua có thể yêu cầu người bán cung cấp giấy tờ mà bên bán tự lưu hành về nguồn gốc, tác giả, đặc điểm... Nếu giống lan không giống như công bố, người mua có thể khởi kiện. Khi ấy người bán có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo luật.

Chủ nhà vườn có thể tự công bố lưu hành và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu cây lan bán ra không đúng với những thông tin đã công bố.

PV: Vậy có quy định chung nào cho việc mua bán cây lan đột biến gene này không thưa ông?

Ông Nguyễn Như Cường: Nếu tìm ra quy định chung thì sẽ là một hành trình dài và đầy khó khăn bởi hình thức mua bán lan đột biến gene còn rất mới trong lĩnh vực trồng trọt. Trên thực tế, việc giao dịch này dựa trên hình thức “thuận mua vừa bán”. Họ cảm thấy giá tiền đó là hợp lý và sẵn sàng chi ra cho một cây lan quý, đó là quyền của người mua, chúng ta không thể phán xét họ.

PV: Suy nghĩ của ông về hình thức mua bán lan đột biến gene biến tướng thành nhiều chiêu trò lừa đảo?

Ông Nguyễn Như Cường: Tôi có tham khảo tin tức và biết về những trường hợp bán hết đất đai để buôn lan đột biến hay những người lao động bình thường, có thu nhập thấp vẫn sẵn sàng vay nặng lãi để buôn lan mong đổi đời. Theo tôi hiện tượng này xảy ra phần lớn là do người dân chưa hiểu biết rõ về kiến thức giống cây trồng mà đã vội nghe theo lời thổi phồng “thần thánh” của người bán nên dễ dẫn đến cảnh “tiền mất tật mang”. Mặc dù sau đó cũng có sự can thiệp của lực lượng chức năng nhưng tất cả những thông tin về việc mua bán lan chỉ đơn giản là bằng miệng giữa hai bên mà không có chứng từ hay hóa đơn cụ thể nào. Việc này dễ dẫn đến hậu quả, nếu cây lan có vấn đề gì, người mua cũng không thể đối chất với người bán do không có bằng chứng hay giấy tờ cụ thể.

PV: Vậy có cách nào để người dân hiểu và không mất tiền oan vào những “thương vụ bạc tỷ” này không thưa ông?

Ông Nguyễn Như Cường: Chúng tôi đã phối hợp với viện Rau quả thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, để người dân hiểu và nắm được thế nào là lan đột biến. Từ đó giúp họ tỉnh táo trong việc có nên hay không nên mua cây lan đột biến gene, tránh trường hợp mua về rồi mới phát hiện mình là nạn nhân của những trò lừa đảo và phải gánh trên vai số nợ lớn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Hoa lan đột biến là những cây hoa có kiểu hình đơn lẻ khác với quần thể, nhưng vẫn có khả năng sinh sản và di truyền sự khác biệt về kiểu hình đó đến đời sau. Lan đột biến đến đời sau có thể sẽ không còn kiểu hình khác biệt vì kiểu hình đó nằm trong gene lặn và khi có gene trội song hành, kiểu hình đó không còn tồn tại.