Vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Biên tập viên

Đối với nhiều người, cụm từ “vi chất dinh dưỡng” tưởng chừng như rất mới mẻ, lạ lẫm, nhưng thực ra, chúng ta đã được tiếp xúc với khái niệm này từ ngay trên ghế nhà trường qua các chương trình giáo dục phổ thông. Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin và khoáng chất, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người.

Vi chất dinh dưỡng là gì?

Thông thường, chúng ta hay quan tâm nhiều đến việc cân đối hàm lượng protein, chất béo, tinh bột… trong khẩu phần ăn hằng ngày, mà vô tình quên đi những thành phần vi lượng như các vi chất dinh dưỡng. Chỉ đến khi, sự thiếu hụt dẫn tới các triệu chứng, tình trạng bệnh lý thì chúng ta mới được cảnh báo và tìm hiểu về nó. 

Nếu như các chất dinh dưỡng đa lượng như proteins, chất béo, tinh bột… cơ thể cần được cung cấp với hàm lượng tính theo gram mỗi ngày, thì một nhóm dưỡng chất khác, cơ thể chỉ cần với hàm lượng dưới 100 miligram, thậm chí chỉ vài microgram mỗi ngày, được gọi chung với cái tên “vi chất dinh dưỡng”. Trong khi các dưỡng chất đa lượng cung cấp cho con người nguồn năng lượng cần thiết cho các chức năng và hoạt động cơ bản mỗi ngày, thì các vi chất dinh dưỡng được ví như “những chiếc bugi” giúp kích hoạt năng lượng, qua đó hỗ trợ cơ thể sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng đã được cung ứng, thúc đẩy những phản ứng sinh hóa trong các tế bào của cơ thể.

Vi chất dinh dưỡng bao gồm vitamin và khoáng chất, là những dưỡng chất thiết yếu, có vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng, chức năng miễn dịch, phát triển trí não và nhiều chức năng quan trọng khác.

Vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Đến đây chắc hẳn chúng ta đã nhận ra vai trò quan trọng của vi chất dinh dưỡng đối với cơ thể, vì vậy nếu để tình trạng thiếu hụt lâu ngày, chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động chung của cơ thể. Muốn có một cơ thể khỏe mạnh thì không được phép để thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng nói riêng, các chất dinh dưỡng nói chung.

Mỗi loại vi chất dinh dưỡng lại có một vai trò khác nhau đối với cơ thể: Vitamin là các hợp chất hữu cơ thường có trong thực vật và động vật, có thể bị phá vỡ bởi nhiệt, axit hoặc không khí. Vitamin cần thiết cho việc sản xuất năng lượng, chức năng miễn dịch, đông máu và một số chức năng quan trọng khác. Còn khoáng chất thường là vô cơ, tồn tại trong đất hoặc nước và không dễ bị phá vỡ. Khi ăn, chúng ta hấp thu các vitamin từ các nguồn thực phẩm và các khoáng chất do động thực vật hấp thụ được từ đất hoặc nước. Khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng, sức khỏe xương, cân bằng nội môi trong cơ thể và một số quá trình chuyển hóa khác. Hàm lượng vi chất dinh dưỡng trong mỗi loại thực phẩm là khác nhau, vì vậy việc áp dụng bữa ăn đa dạng thực phẩm để được đáp ứng đầy đủ lượng vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể mỗi ngày thường được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích. 

Vậy khi cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

- Thiếu sắt: Sắt là một chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển. Sắt là nhân tố quan trọng trong việc cấu thành nên các tế bào máu, giúp di chuyển oxy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể, giúp cơ bắp lưu trữ và sử dụng oxy. Thiếu sắt thường dẫn đến thiếu máu. Các triệu chứng thiếu máu thiếu sắt bao gồm: Da nhợt nhạt, hay mệt mỏi, tăng trưởng và phát triển chậm, ăn kém…

- Thiếu kẽm: Giống như sắt, kẽm cũng là một dưỡng chất thiết yếu đối với cơ thể. Kẽm cần thiết cho hoạt hóa hormone để hình thành các protein liên kết với retinol, hỗ trợ chữa lành vết thương, tăng cường miễn dịch, giúp tái tạo mô… Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu: vết trắng trên móng tay, chức năng miễn dịch kém, ăn không ngon, chậm lớn, thương tổn ở da và mắt, chậm lành vết thương… thì có thể cơ thể đang có dấu hiệu thiếu kẽm rồi đấy!

- Thiếu vitamin C: Thiếu vitamin C có thể dẫn đến bệnh scurvy, biểu hiện theo nhiều cách khác nhau - dễ bị bầm tím, sưng và chảy máu nướu, làm lành vết thương chậm và tóc khô là một số triệu chứng phổ biến.

- Thiếu vitamin D: Trẻ em cần đủ Vitamin D để hình thành xương và cơ bắp khỏe mạnh trong suốt những năm đầu đời. Các triệu chứng thiếu vitamin D có thể không phải lúc nào cũng rõ ràng. Thiếu vitamin D có thể làm tăng sự nhạy cảm của con bạn với chuột rút, yếu cơ nói chung, xương và răng chậm phát triển.

- Thiếu vitamin A: Vitamin A cần thiết để hỗ trợ thị lực khỏe mạnh và các chức năng hệ thống miễn dịch. Người bị thiếu hụt phải đối mặt với nguy cơ mù lòa và tử vong do nhiễm trùng như sởi và tiêu chảy. Trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo thường là đối tượng dễ thiếu vitamin A do chế độ ăn uống không đủ. Bạn đã từng nghe thấy triệu chứng xerophthalmia chưa, đó là biểu hiện ban đầu của sự thiếu hụt gây mắt hay khô, quáng gà. Một đứa trẻ bị mù khi thiếu vitamin A chỉ có 50% cơ hội sống sót.

- Thiếu vitamin nhóm B: Vitamin nhóm B đóng vai trò chủ yếu cung cấp năng lượng, cải thiện tâm trạng và duy trì sự sắc bén của não bộ. Vitamin nhóm B bao gồm: B1, B2, B3, B5, B6, B7, B8, B9, B12. Nhìn chung, vitamin nhóm B đều có tác dụng hỗ trợ sản xuất năng lượng trong cơ thể cũng như trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong tế bào. Khi thiếu cơ thể sẽ gây mệt mỏi, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, không tăng cân, tóc khô, hay giật mình, khóc đêm, có thể ảnh hưởng đến tinh thần và trí tuệ với các triệu chứng như đờ đẫn, chậm chạp, ít hoạt động …

Bạn có thể tìm kiếm thông tin chi tiết hơn tại The Bio Care.

Mỗi loại vi chất dinh dưỡng sẽ đảm nhận những vai trò khác nhau đối với cơ thể, vì vậy rất khó để khẳng định đâu là dưỡng chất quan trọng nhất hay cái nào hơn cái nào. Để có một sức khỏe tốt thì không còn cách nào khác chúng ta phải tự lên cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, đa dạng về chủng loại, hãy luôn tự ý thức được việc phòng bệnh hơn chữa bệnh, để chủ động tránh những tình huống xấu có thể xảy ra do sự thiếu hụt dài ngày.

Để tham khảo thêm những kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe thuận tự nhiên, phòng và điều trị bệnh chủ động, các bạn có thể truy cập vào website:https://thebiocare.com/ để cập nhật những tài liệu mới nhất. Hotline tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng: 1800.6585 (Miễn phí cước gọi).

 H. Lan