Viết CV nhân viên kinh doanh thế nào cho chuẩn?

Thảo Huyền

Nội dung quan trọng nhất trong CV nhân viên kinh doanh chính là thành tích thực tế. Hãy cụ thể hóa những thông tin này bằng số liệu, bảng biểu để “hạ gục” nhà tuyển dụng.

Công việc hàng ngày của một nhân viên sale là giới thiệu sản phẩm/dịch vụ hấp dẫn để thuyết phục khách mua hàng. Vậy bạn đã biết cách “chào hàng” chính mình để thuyết phục nhà tuyển dụng chưa? Cùng tìm hiểu cách viết CV xin việc trong nội dung dưới đây để “tiếp thị” bản thân thật tốt và có cơ hội được mời vào vòng phỏng vấn tuyển nhanh nhân viên bán hàng nhé.

9c489c09849da50866af4d6760ff-1-6972-6635-1610302470-1655778182.jpg
 

Tiêu chuẩn tuyển dụng nhân viên kinh doanh

Nhân viên kinh doanh là người đại diện cho doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng, tư vấn và thuyết phục họ sử dụng sản phẩm/dịch vụ của công ty, trực tiếp đem lại doanh thu cho doanh nghiệp. Mỗi ngành nghề kinh doanh lại có tiêu chuẩn khác nhau để tuyển dụng nhân viên kinh doanh.

Tuy nhiên thị trường việc làm vẫn đặt ra một số yêu cầu tuyển dụng chung đối với nhân viên kinh doanh. Đơn cử như:

  • Có đam mê kinh doanh, tham vọng kiếm tiền;
  • Nhanh nhẹn, thích nghi tốt, nhiều ý tưởng;
  • Hòa đồng và giao tiếp khéo léo với nhiều đối tượng khác nhau;

Nắm bắt những tiêu chuẩn phổ biến này, bạn sẽ biết cách “điểm huyệt” nhà tuyển dụng trong CV và thuyết phục họ chọn mình.

Thông tin cần nhấn mạnh trong CV nhân viên kinh doanh

Nhà tuyển dụng quan tâm điều gì nhất khi xem xét CV nhân viên kinh doanh? Đó chính là thành tích trong công việc, đặc biệt là các con số. Vì vậy thông tin bạn cần nhấn mạnh trong CV chính là kinh nghiệm làm việc và thành tích thực tế. Bạn cần chú trọng làm nổi bật những thông tin này bằng số liệu hoặc bảng biểu, đồng thời không cần quá tập trung vào bằng cấp, năng lực chuyên môn.

Hướng dẫn chi tiết cách viết CV nhân viên kinh doanh

Xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng

Đa số nhà tuyển dụng vị trí nhân viên kinh doanh đều rất coi trọng mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên. Do đó tại đây bạn cần viết thật rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp của mình theo hướng: Bạn có thể cung cấp được giá trị gì cho công ty? Bạn muốn cải thiện những kỹ năng gì trong quá trình làm việc? Vị trí cụ thể bạn muốn hướng đến trong 3 năm tới là gì?...

phong-van-7400-1596364853-1655778182.jpg
 

Viết ngắn gọn về trình độ học vấn

Đối với một ứng viên kinh doanh, trình độ học vấn không phải là yếu tố cốt lõi để bạn cạnh tranh với người khác. Bởi thực tế nhiều công ty chỉ cần ứng viên tốt nghiệp trung học phổ thông mà không đòi hỏi bằng cấp quá cao. Miễn là bạn “có duyên” bán hàng thì đều có thể ứng tuyển vào vị trí này.

Bạn chỉ cần tóm tắt về trình độ học vấn của mình trong CV xin việc bằng 3 điểm chính gồm: Trường đào tạo, chuyên ngành học (nếu có), xếp loại. Trường hợp ứng tuyển tại các doanh nghiệp nước ngoài thì bạn nên bổ sung một số chứng chỉ ngoại ngữ liên quan như IELTS hoặc TOEIC.

Nêu cụ thể kinh nghiệm và thành tích làm việc

Với những sinh viên mới ra trường hoặc người chưa có kinh nghiệm, bạn có thể đưa vào CV xin việc những kinh nghiệm làm thêm như bán hàng online, chăm sóc khách hàng, cộng tác viên bán hàng…, thậm chí là các hoạt động ngoại khóa tại trường. Chỉ cần là những việc làm từng tương tác với nhiều người thì nhà tuyển dụng vẫn sẽ chấp nhận bạn.

Đối với những người từng làm nhân viên kinh doanh, hãy tận dụng lợi thế này của mình để viết mục kinh nghiệm trong CV thật ấn tượng. Cụ thể, bạn cần miêu tả bạn từng làm ở những công ty nào, bao nhiêu năm, vị trí gì, đảm nhận nhiệm vụ ra sao, thành tích bạn đạt được từ vị trí đó như thế nào…

Ví dụ: Kinh nghiệm làm việc tại Chi nhánh Công ty phân phối vật tư y tế X:

- Tư vấn bán hàng, sắp xếp và kiểm kê hàng hóa.

- Điều phối nhân viên giao hàng để giao nhận sản phẩm đến tay khách hàng.

- Ký thành công 15 hợp đồng mỗi tháng với doanh thu trung bình đạt được từ 100 - 150 triệu đồng.

Chọn lựa kỹ năng mềm phù hợp với nhân viên kinh doanh

Bên cạnh kinh nghiệm và thành tích, kỹ năng mềm của ứng viên cũng là yếu tố được nhiều nhà tuyển dụng quan tâm. Trong quá trình viết CV xin việc, bạn nên chọn lựa những kỹ năng mềm phù hợp với nhân viên sale để đưa vào như: Kỹ năng tư vấn, chăm sóc khách hàng, giải quyết vấn đề, đàm phán, giao tiếp… Đồng thời cũng đừng quên đọc kỹ bản mô tả tuyển dụng để đưa vào CV những kỹ năng mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.

Một số lưu ý khi viết CV nhân viên kinh doanh

Khi viết CV xin việc ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Nghiên cứu kỹ nội dung thông báo tuyển dụng để biết công ty đang tìm kiếm điều gì ở ứng viên;
  • Lựa chọn thông tin quan trọng và đính kèm từ khóa để tăng cơ hội được vào vòng phỏng vấn;
  • Khai thác tối đa các con số định lượng khi nói về thành tích;
  • Cung cấp thông tin trung thực, có đầy đủ minh chứng;
  • Nên kiểm tra thật kỹ CV trước khi gửi đến nhà tuyển dụng.

Đến đây bạn đã biết cách viết CV nhân viên kinh doanh chuẩn và “đánh trúng” tâm lý nhà tuyển dụng rồi phải không? Hãy lưu lại cách viết CV trên cùng các lưu ý quan trọng để chuẩn bị cho mình một bản CV thật tốt nhé!