Việt Nam đang được đánh giá là nền kinh tế năng động nhất của thế giới trong việc thiết lập cơ sở hạ tầng công nghiệp. Nhận định trên khiến GS.TS Đặng Đình Đào (ĐH. KTQD Hà Nội) bày tỏ nhiều băn khoăn.
|
Hạ tầng công nghiệp chủ yếu phục vụ doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, vị GS đánh giá, đầu tư hạ tầng của Việt Nam thời gian qua được là nhiều nhất nhất khu vực nhưng lại không mang lại nhiều hiệu quả do đầu tư bị lệch pha, không tạo ra tính lan tỏa, đầu tư hạ tầng chủ yếu phục vụ các khu công nghiệp, phục vụ chính các nhà đầu tư.
"Chúng ta đã quá quan tâm tới sản xuất, thu hút đầu tư vào sản xuất và quá quan tâm tới quy mô, số lượng mà không quan tâm tới khâu kết nối, khâu phân phối. Cả nước không có một khu công nghiệp logistics đúng nghĩa.
Trong khi đó, các doanh nghiệp logistics có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ mượn danh nghĩa để hoạt động, không có đầu tư bài bản.
Chính sự khập khiễng trong thu hút đầu tư đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào.
Hệ quả là các nhà đầu tư nước ngoài thi nhau nhảy vào đầu tư BĐS công nghiệp để cho thuê lại, hoặc đầu tư vào hạ tầng công nghiệp để phục vụ cho lợi ích của chính họ", GS Đào nói.
Để chứng minh, vị GS nêu ví dụ từ Hàn Quốc. Trước đây, ngôi vương trong đầu tư FDI luôn thuộc về Trung Quốc, Nhật Bản, tuy nhiên, trong khoảng vài năm trở lại đây, Hàn Quốc quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực BĐS tại Việt Nam. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, Hàn Quốc đầu tư là 1,98 tỉ USD (13,6%).
Song song với diễn biến trên, nước này cũng được cho là nước hăng hái nhất trong việc mời chào, cho Việt Nam vay vốn để phát triển hạ tầng, với tổng số tiền lên tới 1.090 tỉ won (hơn 21.500 tỉ đồng), đứng đầu trong danh sách các nước được cho vay. Cần phải nghĩ tới những toan tính, ý đồ của nhà đầu tư Hàn Quốc trong trường hợp này.
Việc này không khác nhiều với các nhà đầu tư Trung Quốc, khi đổ vốn đầu tư vào Việt Nam cũng đồng thời có rất nhiều công trình đường giao thông, hạ tầng giao thông đã và đang được đốc thúc xây dựng bằng nguồn vốn vay nhưng lại chủ yếu để phục vụ các khu công nghiệp mà người hưởng phần lợi ích là doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hoặc doanh nghiệp logistics có vốn đầu tư nước ngoài.
Hàn Quốc cũng không nằm ngoài những toan tính trên. Cho vay nhiều nhất, đầu tư nhiều nhất nhưng chủ yếu đầu tư vào hạ tầng công nghiệp nhằm phục vụ cho mục đích vận chuyển, kết nối các cơ sở sản xuất của chính họ. Trong khi đó, đầu ra lại do chính các trung tâm logistics của các nước này lo.
"Nếu tỉnh táo, khôn ngoan hơn, chúng ta cần có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực BĐS logistics. Cần tạo dựng hệ thống kết nối công nghiệp đồng nhất cho 325 khu công nghiệp trên cả nước để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Tuy nhiên, với cách thu hút, đầu tư như hiện nay có thể phần lợi Việt Nam được hưởng chỉ là một chút thuế, một chút việc làm cho lao động giá rẻ nhưng cái mất sẽ mất rất nhiều, đặc biệt là hệ thống logistics có thể sẽ rơi vào sự kiểm soát của các nhà đầu tư nước ngoài.
Nghịch lý trên cần phải được nhìn nhận thận trọng, tránh tình trạng chúng ta đi vay vốn, mang nợ làm hạ tầng để phục vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài", vị GS cảnh báo.
Không thể "mỳ ăn liền"
GS Đặng Đình Đào nhấn mạnh, với việc mải mê thu hút đầu tư sản xuất, thu hút theo số liệu mà bỏ quên ngành công nghiệp logistics đang tạo ra nút thắt cổ chai, khiến ngành sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, không phát triển được.
"Chúng ta đã qua thời điểm ăn no bây giờ phải tính tới chuyện ăn ngon.
Muốn ngành sản xuất trong nước phát triển phải đầu tư phát triển logistics, tạo sự kết nối liên thông, giảm chi phí sản xuất, tăng yếu tố cạnh tranh, có như vậy mới mang lại giá trị lợi nhuận cao cho doanh nghiệp", vị GS nói.
Từ những phân tích trên, GS Đặng Đình Đào cho rằng, việc nhà đầu tư nước ngoài hào hứng, khuyến khích cho vay vốn là tốt, tuy nhiên, đứng từ vị trí của một nước đi vay Việt Nam phải cân nhắc, lựa chọn những dòng vốn tốt, phù hợp với yêu cầu, mục đích phát triển chung của đất nước, không phải đưa cái gì cũng nhận, dự án nào cũng vay vốn.
"Tâm lý "mỳ ăn liền" không thể tiếp diễn, vì mỗi dự án đầu tư không hiệu quả chúng ta sẽ phải mang nợ. Do đó, phải tính kỹ", GS Đặng Đình Đào kết luận.
Theo Đất Việt