Vụ "11 học sinh bán trú ăn 2 gói mì tôm chan cơm": Những thông tin xung quanh tiền trợ cấp sách vở

Biên tập viên

Liên quan đến sự việc 11 học sinh bán trú ăn 2 gói mì tôm chan cơm, mới đây, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà, Lào Cai) lại tiếp tục có những thông tin mới xung quanh khoản trợ cấp mua sách vở hàng tháng của học sinh.

Liên quan đến bữa ăn bán trú chỉ có 2 gói mì tôm nấu loãng chan cơm trắng phục vụ 11 học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, ngày 20/12, báo Tuổi trẻ thông tin việc ngôi trường này tiếp tục có những thông tin không thống nhất trong việc chi trả khoản trợ cấp mua sách vở hàng tháng của học sinh.

Hiệu trưởng nói tiền trợ cấp đã trả cho phụ huynh các cháu

Trước đó, vào ngày 18/12, trong chương trình Chuyển động 24h phát trên VTV1 phản ánh dù mới bắt đầu năm học mới hơn 3 tháng nhưng toàn bộ sách giáo khoa môn khoa học của hơn 20 em học sinh lớp 5A1 Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 đều cũ, nhiều quyển rách nát, mất bìa. Trong khi mỗi tháng một học sinh được Nhà nước hỗ trợ 150.000 đồng để mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập.

Khi  được hỏi về vấn đề mua sách giáo khoa mới, học sinh đã trả lời không được mua, sau khi mượn ở thư viện mới ghi tên mình vào sách.

Giáo dục pháp luật - Vụ '11 học sinh bán trú ăn 2 gói mì tôm chan cơm': Những thông tin xung quanh tiền trợ cấp sách vở
Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1. Ảnh: VOV

Còn ông Trần Ngọc Hà - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Các cháu mượn thêm sách tham khảo, sách chính khóa là học sinh tự mua. Tiền trợ cấp 150.000 đồng/học sinh trả cho phụ huynh các cháu để mua sách giáo khoa, vở, bút".

Tuy nhiên, về phía phụ huynh học sinh - ông Sùng Seo Sanh cho biết gia đình ông có 6 con từng học Trường tiểu học Hoàng Thu Phố 1 nhưng chưa nhận được một đồng tiền chế độ chính sách cho học sinh vùng cao nào.

 

Thầy Hiệu phó nói "một số hộ nói không nhận được tiền là đúng"

Trước thông tin phản ánh "tiền trợ cấp sách vở mất hút, phụ huynh không nhận được", cũng theo nguồn tin này, ngày 19/12, ông Ngô Xuân Dũng - Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 khẳng định "một số hộ nói không nhận được tiền là đúng".

Theo ông Dũng, đặc thù của bà con vùng cao đều là người dân tộc thiểu số, một số phụ huynh thường đi làm ăn xa, việc trang bị đồ dùng học tập cho các em khó khăn, "trên này các em đến trường không phải mang theo bất cứ thứ gì, chỉ đến người không thôi".

Để có đồ dùng cho học sinh đi học ngay từ đầu năm học mới, những thiết bị cần thiết như sách vở, bút… nhà trường phải tổ chức họp phụ huynh và thống nhất phương án trường sẽ giới thiệu các đầu mối cung cấp văn phòng phẩm và được đại diện các phụ huynh nhất trí "mua chịu" sách vở, quần áo cho học sinh sử dụng trước, khi có kinh phí cấp về sẽ trả trực tiếp cho đơn vị cung cấp.

Giáo dục pháp luật - Vụ '11 học sinh bán trú ăn 2 gói mì tôm chan cơm': Những thông tin xung quanh tiền trợ cấp sách vở (Hình 2).
Nghi ấn không rõ ràng trong khoản trợ cấp mua sách vở hằng tháng của học sinh. Ảnh minh họa

"Đầu năm chưa có tiền trợ cấp, vì tiền hỗ trợ chính sách từ tháng 9 đến tháng 12 đến cuối tháng 12 mới phát, có trường tận tháng 1 mới phát. Nếu thời điểm đó nhà trường mới cung cấp chi phí học tập cho học sinh để phụ huynh mua thì từ tháng 9 đến tháng 11, 12 học sinh đến trường sẽ thiếu sách, thiếu vở, bút… Vì vậy qua phỏng vấn một số hộ nói không được nhận tiền là đúng.

Năm nay tất cả sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, giày dép… đều mua chịu, vì thời điểm này vẫn chưa có kinh phí", ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết thêm sách giáo khoa với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ bổ sung theo lộ trình từ lớp 1 đến lớp 4, các lớp còn lại sẽ bổ sung những đầu sách thiếu, mượn lại sách cũ. Số tiền còn lại sẽ trang bị cho học sinh bằng những vật dụng khác, không phải toàn bộ chi cho sách vở.

Cũng theo ông Dũng, sự việc vừa qua là một cú sốc rất lớn với cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân. Sau khi trấn tĩnh lại, trường cũng kiểm soát, động viên tinh thần cán bộ giáo viên, nhân viên và các em học sinh. Thời điểm này các hoạt động đã bình thường.