Án xưa:
Chuyện rằng, thời ấy tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có một dãy núi đá vôi hiểm trở, trùng trùng, điệp điệp. Một toán cướp có tổ chức, tụ tập rất đông người, hình thành một làng ngay dưới dãy núi này.
Hoạt động của bọn cướp này rất tinh vi, có hệ thống phân cấp, quy củ từ trên xuống dưới. Do vậy, suốt 20 năm qua, toán cướp đã sát hại rất nhiều người, cướp không biết bao nhiêu của cải của bị hại, gây nên nỗi sợ hãi kinh hoàng cho những ai đi qua nơi đây.
Bằng thủ đoạn mở nhà hàng ăn uống và cho thuê nghỉ trọ, mỗi khi khách vãng lai đến ăn, nghỉ trọ, bọn chúng đều đánh thuốc mê. Bọn cướp dùng ám hiệu để giao tiếp nên rất khó bị phát hiện. Gặp khách giàu có, chủ quán ăn sẽ dùng ám hiệu thông báo cho đồng bọn là có “bò béo”, khách nghèo là “bò gầy”.
Khi khách hàng ăn uống no say, chủ nhà sẽ “bật đèn xanh” để đồng bọn đến bắt người, lôi lên núi đá vôi. Sau khi cướp hết tài sản, thì những tên cướp vô nhân tính đẩy nạn nhân rơi xuống vực thẳm để diệt khẩu.
Một hôm, xe giá chở vua Lê Hy Tông đang đi trên đường, thì có một người phụ nữ đội đơn kiện, chặn kiệu cầu cứu vua. Vua cho dừng kiệu và hỏi rõ đầu đuôi sự việc mới hay, người phụ nữ này có chồng bị bọn cướp giết hại. Bản thân chị ta bị một tên cướp ép về làm vợ hai năm, nhân cơ hội mới trốn thoát được.
Nghe xong câu chuyện bi thương của người phụ nữ, vua ra mật chỉ cho quân lính đến làng Đa Giá Thượng bắt bọn cướp. Mấy ngày sau, gần 300 tên cướp khét tiếng đã bị hơn 2.000 binh lính tinh nhuệ của triệu đình tóm gọn trong niềm vui của người dân. Từ đây, vùng núi Gia Viễn được bình an như thủa sơ khai.
Luật nay:
Phạm tội cướp tài sản và giết người
Chiểu theo Bộ luật Hình sự 2015, các đối tượng trong băng cướp kể trên sẽ bị xử lý hình sự về 2 tội “cướp tài sản” (điều 168) và “giết người” (điều 123).
Bàn về tội “cướp tài sản”, các đối tượng trên đã có hành vi dùng vũ lực (bắt trói người đưa lên núi), hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được (đánh thuốc mê vào đồ ăn thức uống), nhằm chiếm đoạt tài sản.
Do bị đánh thuốc mê, nên người có tài sản không thể chống cự được hành vi trói người đưa lên núi của bọn cướp. Mục đích bắt người của bọn cướp là nhằm chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Ý thức chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực tấn công, hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được.
Trong vụ án này, các bị cáo sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 điều 168 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Khoản 4 điều 168 quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng…; c) làm chết người”.
Kế đến là tội “giết người”, bọn cướp đã cố tình thực hiện hành vi gây ra cái chết cho nạn nhân (đẩy nạn nhân rơi xuống vực thẳm) một cách trái pháp luật. Hung thủ và đồng bọn đã xâm phạm quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Hành vi đẩy nạn nhân từ trên đỉnh núi cao, rơi xuống vực thằm, gây ra cái chết đau đớn cho nạn nhân. Hậu quả chết người đã xảy ra, đó là người chồng của người phụ nữ cầu cứu vua và nhiều bị hại trước đó.
Có thể nói, gần 20 năm qua, không thể đếm xuể số nạn nhân đã bị bọn cướp giết hại. Do vậy, kẻ phạm tội “giết người” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 123 với khung hình phạt cao nhất là tử hình (giết nhiều người).
Tổng hợp hình phạt của 2 tội “cướp tài sản” và “giết người”, những tên cướp này sẽ phải đối đầu với mức án cao nhất là tử hình.