Cơ sở sản xuất xả thải ngay gần khu vực sinh hoạt của người dân
Không khí ô nhiễm ở mức báo động
Vừa qua, tòa soạn nhận được đơn thư phản ánh của người dân xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đang diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn xã, gần khu vực người dân sinh sống. Và nguyên nhân chủ yếu được xác định là từ khí thải từ hoạt động sản xuất của một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Cụ thể, theo nội dung đơn thư, thời gian qua, tại khu vực đê ráp danh giữa 3 thôn: Mỹ Giang, Vân Lôi, Thuần Mỹ thuộc xã Trạch Mỹ Lộc xuất hiện hoạt động của một số hộ kinh doanh làm lò đốt than (trên khu vực 2 ven sông Tích) và 2 lò sản xuất nhựa tái chế ( thuộc khu vực đất nông nghiệp của thôn Thuần Mỹ). Các lò than, lò đốt nhựa tái chế với hàng chục ống xả thải… ngày đêm xả những luồng khói mù mịt ra môi trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí, môi trường và sức khỏe của người dân.
Những cột khói mù mịt thải trực tiếp ra môi trường
Điều đáng nói, những cơ sở sản xuất này nằm ngay trên khu vực đất nông nghiệp, sát ngay khu vực sinh hoạt của người dân. Nhiều hộ dân xung quanh không dám mở cửa vì không khí ô nhiễm qua nghiêm trọng, Người dân luôn sống trong nỗi ám ảnh, vì đã có nhiều người trong khu vực nhiễm các căn bệnh về đường hô hấp, sức khỏe bị đe dọa nghiêm trọng.
Để xác minh những thông tin, vào thời điểm cuối tháng 11/2019, PV đã có mặt tại khu vực người dân phản ánh thuộc địa bàn xã Trạch Mỹ Lộc để ghi nhận tình hình. Ngay từ xa, chúng tôi đã thấy những cột khói xả từ một số cơ sở sản xuất được thải trực tiếp ra môi trường. Qua tìm hiểu, được biết, đó là cơ sở ép mùn cưa để làm than sạch và một số cơ sở thu gom, tái chế phế liệu, rác thải.
Càng đi gần đến khu vực này, không khí càng trở nên ngột ngạt, gây cảm giác bí thở một cách rõ ràng. Chưa kể, xung quanh khu vực các cơ sở sản xuất, phế liệu rác thải chất đầy từng đống, không được che đậy cẩn thận. Điều này đã phần nào minh chứng cho những phản ánh của người dân là có cơ sở. Và thực sự người dân ở đây và môi trường đang bị bức tử nghiêm trọng.
Rác thải, phế liệu chất từng đống xung quanh khu vực sản xuất
Xã xử lý sai phạm kiểu “đầu voi đuôi chuột”?
Sau khi ghi nhận sự việc, PV đã liên hệ và làm việc trực tiếp với ông Hà Xuân Hùng - Chủ tịch UBND xã Trạch Mỹ Lộc để lấy những ý kiến khách quan liên quan đến sự việc người dân phản ánh.
Trao đổi với PV, ông Hùng cũng sớm nhận trách nhiệm: “Xã cũng đã nắm được tình hình vấn đề gây ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ tịch, nhưng hiện xã đang đợi thanh tra để xử lý…”
Ông Hùng cũng cho biết, trước đó xã cũng đã từng lập biên bản xử lý sai phạm một số cơ sở kinh doanh nói trên. Nhưng thực tế, theo ghi nhận của PV, dường như biện pháp xử lý chưa dứt điểm, triệt để. Minh chứng là sau nhiều tháng kể từ ngày lập biên bản xử phạt, hầu hết những sai phạm của các cơ sở này vẫn đang tiếp tục tái diễn như thách thức pháp luật.
Biên bản ghi nhận vi phạm của 1 trong số những cơ sở đang gây ô nhiễm môi trường
Khi PV nhấn mạnh tình trạng ô nhiễm này diễn ra trong thời gian khá dài, tại sao xã vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, để người dân phải sống trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng như vậy? Ông Hùng chia sẻ rằng: Xã cũng muốn tạo điều kiện cho người dân mở mang phát triển kinh tế, nhưng nếu các cơ sở không đảm bảo được giấy phép kinh doanh và các điều kiện về môi trường thì sẽ buộc phải dừng lại và rời đi.
Tuy nhiên, ngay sau đó, cũng chính vị này lại khẳng định:“Các cơ sở này đã được cấp phép đâu”, đồng thời cũng chưa đảm bảo về các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường. Lý giải cho điều này, ông chủ tịch lại đưa ra lời biện minh vô lý nhưng lại khá “thuyết phục”: Các chủ cơ sở đang chờ đấu giá đất, đấu giá thành công thì họ sẽ đăng ký kinh doanh và sau đó mới thực hiện đánh giá tác động môi trường để hoạt động lâu dài.
Điều này là hoàn toàn phi lý, bởi lẽ theo Điều 21 Nghị định 38/2015/NĐ-CP quy định về quan lý chất thải và phế liệu đã nêu rất rõ “Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt” và chủ các cơ sở phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các yêu cầu. Điều này đồng nghĩa là các cơ sở sản xuất tái chế rác thải phải thực hiện báo cáo bảo vệ môi trường và được chính quyền phê duyệt trước khi vận hành hoạt động.
Ông Hà Xuân Hùng khẳng định: "Các cơ sở này đã được cấp phép đâu"
Nếu hiểu theo ý của ông chủ tịch xã, thì các cơ sở sản xuất suốt thời gian qua chỉ đang hoạt động tạm thời, việc xả thải gây ô nhiễm ra môi trường cũng làm “tạm thời”. Bao giờ có đăng ký hoạt động chính thức thì họ sẽ có biện pháp bảo vệ môi trường, còn giờ đây người dân cứ “tạm” sống trong bầu không khí ô nhiễm như vậy!? Phải chăng, chính quyền xã Trạch Mỹ Lộc đang có quy trình làm việc “ngược đời”? Cán bộ xã chỉ đơn giản là đang tạo điều kiện cho phát triển kinh tế mà quên đi giá trị bảo vệ môi trường?...
Trước thực trạng này, thiết nghĩ chính quyền xã Trạch Mỹ Lộc cần nghiêm túc hơn trong công tác quản xử lý các vi phạm về môi trường trên địa bàn. Đồng thời UBND huyện Phúc Thọ, UBND thành phố Hà Nội cũng cần sớm vào cuộc để thanh, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời những sai phạm, trả lại môi trường sống trong sạch cho người dân.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Hiện nay, khi ô nhiễm không khí đang ở mức báo động đỏ, cả xã hội đều hướng về môi trường. Chúng ta nhắc đến việc bảo vệ môi trường bằng cả một sự cấp thiết và trách nhiệm. Chúng ta nghiêm túc tìm cách loại bỏ những khí thải, chất thải… gây nguy hại trực tiếp đến đời sống con người. Trước thực trạng đó, ngay chính các cơ sở kinh doanh sản xuất phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, khí thải trước khi đưa ra môi trường. Đồng thời, các cấp chính quyền cũng phải nghiêm túc trong công tác quản lý, đừng đặt lợi ích kinh tế lên trên giá trị môi trường. |