Xây dựng đội ngũ Luật gia trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc

Biên tập viên

Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ 13, nhiệm kỳ 2019-2024, Trang thông tin điện tử Tổng hợp của Hội đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

PV: Thưa Chủ tịch, trong nhiệm kỳ vừa qua các cấp Hội Luật gia đã đẩy mạnh hoạt động trên các lĩnh vực. Xin Chủ tịch cho biết, cho đến nay, kết quả đạt được như thế nào?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, toàn thể các cấp hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoàn thành xuất sắc phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2014-2019 được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII đề ra; chủ động xây dựng và thực hiện thành công các chương trình, kế hoạch công tác, trong đó có nhiều nội dung, nhiều mặt hoạt động có bước phát triển mới. Chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại của đất nước. Các cấp hội đã đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực công tác trọng tâm.

Công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của hội tiếp tục được đẩy mạnh; nội dung, hình thức và phương pháp tham gia ngày càng phong phú; chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở tiếp tục được củng cố và có bước phát triển; nội dung, phương thức hoạt động đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội và người dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Đảng và Nhà nước ta. Các hoạt động tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính của các cấp hội tiếp tục được thực hiện tốt.

Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục được mở rộng và có bước phát triển mới. Hội đã chủ động đề xuất các sáng kiến, tổ chức nhiều hoạt động ở trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước, củng cố và nâng cao uy tín của Hội; đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế và các nguồn lực cho các hoạt động của Hội. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức hội tiếp tục được củng cố và phát triển một bước. Đội ngũ cán bộ làm công tác hội được tăng cường, năng lực, trình độ và kỹ năng công tác của cán bộ hội được nâng lên đáng kể. Công tác phát triển hội viên tiếp tục có bước phát triển.

Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia VN Nguyễn Văn Quyền

P.V: Theo Chủ tịch, trong những kết quả nói trên thì những kết quả nào là nổi bật nhất?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Nổi bật trong các lĩnh vực hoạt động của Hội nhiệm kỳ qua là các mặt công tác sau đây:

Một là công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Điểm nhấn trong công tác này là Hội đã được Quốc hội giao chủ trì xây dựng Luật Trưng cầu ý dân và Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Tại kỳ họp thứ 10, ngày 25/11/2015, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật Trưng cầu ý dân với tỷ lệ nhất trí cao (86,23% tổng số đại biểu tán thành). Đây là dự án Luật thứ hai mà Hội Luật gia Việt Nam được Quốc hội tin tưởng, giao chủ trì xây dựng thành công trong hai nhiệm kỳ kế tiếp nhau (trước đó trong nhiệm kỳ khóa XII là dự án Luật trọng tài thương mại). Kết quả này góp phần khẳng định năng lực và uy tín của Hội Luật gia Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao chủ trì xây dựng văn bản luật nói riêng và trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật nói chung.

Đ/c Nguyễn Văn Quyền trình bày dự thảo Luật Trưng cầu ý dân tại Quốc hội

Trong nhiệm kỳ, đại diện Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia vào ban soạn thảo, tổ biên tập 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị định và văn bản quy phạm pháp luật khác, trong đó có nhiều dự án luật quan trọng. Nhiều chi hội luật gia ở các bộ, ngành và các cấp hội luật gia ở địa phương đã phát huy tốt vai trò, cử đại diện trực tiếp tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong các ban soạn thảo, tổ biên tập của nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và địa phương. 

Bên cạnh đó, các cấp hội tổ chức nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Riêng Trung ương Hội đã tổ chức được 99 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học góp ý kiến vào các chương trình, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định quan trọng. Nhiều ý kiến góp ý của Hội Luật gia Việt Nam đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan đánh giá cao, tham khảo và tiếp thu. Ở địa phương, các cấp Hội Luật gia đã tham gia góp ý kiến xây dựng vào hơn 80.000 lượt văn bản quy phạm pháp luật (nhiệm kỳ trước là 43.000 lượt văn bản QPPL) và đã tham gia rà soát hơn 27.000 văn bản pháp luật hiện hành, phát hiện những bất cập và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. 

Hai là, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở. Đây là một lĩnh vực hoạt động quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam, đã được các cấp Hội chủ động triển khai thường xuyên và hiệu quả. Các trung tâm tư vấn pháp luật tiếp tục được củng cố, kiện toàn và thành lập mới. Đến nay, Hội đã có 82 trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý được thành lập và duy trì được hoạt động thường xuyên, trong đó 11 trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương hội và 71 trung tâm trực thuộc Hội Luật gia các tỉnh, thành phố.

Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo tại Quảng Bình

Các trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội đã tư vấn pháp luật miễn phí cho hàng trăm lượt người nông dân và doanh nghiệp ở các tỉnh miền núi phía bắc, phụ nữ, trẻ em, người nhiễm HIV, phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng...nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ở địa phương, công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng là người nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và những nhóm người yếu thế trong xã hội... Trong nhiệm kỳ qua, các trung tâm tư vấn pháp luật của các địa phương đã thực hiện tư vấn pháp luật được gần 400.000 vụ việc và trợ giúp pháp lý được hơn 107.000 vụ việc. Nhiều cấp hội đã chú trọng gắn công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý với công tác hoà giải, góp phần thiết thực vào việc giải quyết thành công nhiều vụ việc tranh chấp ở cơ sở.

Về công tác tư vấn giải quyết khiếu nại, trong nhiệm kỳ khóa XII, các cấp hội luật gia đã thực hiện tư vấn giải quyết khiếu nại được gần 27.500 vụ việc. Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực tham gia và thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 01 ngày 11/11/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở.

Trong đó, Hội chủ động đề xuất và được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa vào Chương trình giám sát, đồng thời giao cho Hội làm nòng cốt trong quá trình giám sát, hai vụ việc cụ thể. Những kiến nghị qua 2 cuộc giám sát này được các cơ quan chức năng đồng tình chấp nhận và xử lý theo hướng đề xuất của Đoàn giám sát. Cùng với đó, các cấp Hội đã tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã tham gia thực hiện hòa giải thành gần 109.000 các tranh chấp nhỏ.

Ba là, Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn 2014 - 2019, thực hiện công tác đối ngoại nhân dân để bảo về lợi ích quốc gia dân tộc, với tư cách là thành viên của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) và Hội luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hội đã vận động, thuyết phục được hai tổ chức này kịp thời ra các tuyên bố vào các thời điểm cần thiết để ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Cụ thể là:

Đại biểu HLGVN tham dự Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông lần thứ X

- Năm 2014, Hội Luật gia dân chủ quốc tế đã ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời gửi thư tới Chính phủ Trung Quốc đề nghị giải thích cơ sở pháp lý của hành động này và đề nghị Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế. Cùng với việc ra Tuyên bố, Hội Luật gia dân chủ quốc tế còn cử đại diện sang Việt Nam để cùng với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức họp báo công bố tuyên bố nói trên.

- Năm 2016, ngay sau khi Tòa trọng tài ra Phán quyết đối với vụ Phi-líp-pin kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, cả IADL và COLAP đều ra Tuyên bố ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài và kêu gọi các bên liên quan tuân thủ phán quyết này và kiềm chế các hoạt động gây căng thẳng và quân sự hóa tại Biển Đông.

Bốn là, ngoài nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát, phản biện xã hội, giám sát việc thi hành pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên mà Hội Luật gia Việt Nam đã thực hiện rất tốt, trong nhiệm kỳ qua, Hội còn thực hiện tốt một số nhiệm vụ mới do Đảng và Nhà nước giao, trong đó nổi bật là việc: Thực hiện tốt các nhiệm vụ về phổ biến, giáo dục pháp luật trong khuôn khổ Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” và chủ trì xây dựng Đề án “ Xây dựng bộ chỉ số tư pháp”.

P.V: Được biết, trong suốt nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức và phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế về Biển Đông. Vậy những hội thảo đó đã mang lại những kết quả gì trong công tác đối ngoại nhân dân?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Ngoài việc đề nghị IADL và COLAP ra tuyên bố như nói ở trên, tại các hội nghị thường niên của IADLvà COLAP, Hội Luật gia Việt Nam đều cố gắng đề xuất đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị những nội dung thảo luận về vấn đề Biển Đông. Trên cơ sở đó, ra Tuyên bố chung của hội nghị, trong đó có một phần nội dung về vấn đề Biển Đông.  

Đặc biệt, trong ba năm gần đây, Hội Luật gia Việt Nam đã vận động được Hội Luật gia dân chủ quốc tế tổ chức ba cuộc hội thảo quốc tế riêng biệt về vấn đề Biển Đông với chủ đề:  “Tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông”. Cụ thể: năm 2017 hội thảo được  tổ chức tại Nhật Bản với sự phối hợp của Hiệp hội luật gia đoàn kết Nhật Bản; năm 2018 và 2019 tổ chức tại Nga, với sự phối hợp của Tổ chức Quỹ con đường hòa bình của Nga. Cả ba hội thảo này đều rất thành công cả về khâu tổ chức lẫn nội dung. Điểm thành công nhất sau ba hội thảo nêu trên là Hội Luật gia Việt Nam đã đề nghị được Hội Luật gia dân chủ quốc tế tổ chức hội nghị về Biển Đông theo cơ chế thường niên. Đây sẽ là một dịp thuận lợi để Hội tiếp tục tận dụng cơ chế hội nghị này cho việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Hội cũng đã phối hợp với Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Ngoại giao tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế về chủ đề Biển Đông (10 cuộc với Học viện Ngoại giao và 2 cuộc với Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh). Các cuộc hội thảo này đã thu hút hàng trăm đại biểu trong và ngoài nước tham dự và là diễn đàn khoa học có ý nghĩa thiết thực để các chuyên gia, học giả Việt Nam giới thiệu quan điểm của ta về vấn đề chủ quyền biển đảo, đồng thời góp phần giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ những tác động và ảnh hưởng tiêu cực do hành động vi phạm luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc gây ra đối với hòa bình, an ninh trong khu vực.

Vì những thành tích nêu trên, Hội Luật gia Việt Nam đã ba năm liên tiếp (2016, 2017, 2018) được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng tặng cờ thi đua là đơn vị đi đầu trong công tác đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại được tặng bằng khen cá nhân về công tác này.

Cùng với công tác đối ngoại nhân dân để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác song phương với một số tổ chức nghề luật trên thế giới và trong khu vực; Huy động các nguồn tài trợ quốc tế góp phần tăng cường năng lực cho Hội Luật gia Việt Nam.

P.V: Thưa Chủ tịch, việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với một số bộ, ngành, đoàn thể đã có những hiệu quả ra sao?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Trong nhiệm kỳ qua, ngoài việc ký kết và triển khai thực hiện chương trình phối hợp số 01 và chương  trình phối hợp số 02 về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở như đã nêu ở phần trên, Hội Luật gia Việt Nam đã ký kết và triển khai thực hiện các chương trình phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam. Một số tỉnh, thành hội đã phối hợp với các sở, ngành ở địa phương triển khai thực hiện tốt công tác này như: Ninh Thuận phối hợp với Sở tài nguyên và môi trường; Nam Định phối hợp với Sở giáo dục và đào tạo phổ biến, giáo dục pháp luật trong Nhà trường; thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Đài truyền hình thành phố thực hiện nhiều chuyên mục phát sóng tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Hải Dương ký kết chương trình phối hợp công tác với Ban Dân vận tỉnh ủy; Hậu Giang ký kết với UBMTTQ tỉnh về xây dựng mô hình “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở khu dân cư cam kết không vi phạm pháp luật năm 2018” và chuẩn bị ký kết với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và môi trường theo chương trình phối hợp của Trung ương Hội; Lào Cai ký Chương trình phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; Lai Châu ký kết Chương trình phối hợp công tác với Sở Tư pháp giai đoạn 2018-2023...

Hiện nay, các chương trình phối hợp này đang được các cấp Hội tích cực thực hiện, được các đơn vị phối hợp đánh giá cao.

Hội Luật gia Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp công tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường

P.V: Bên cạnh những kết quả đạt được, xin Chủ tịch cho biết nhiệm kỳ qua còn những khó khăn, vướng mắc gì?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Hội cũng còn một số hạn chế, tồn tại và khó khăn,vướng mắc. Chẳng hạn như: Công tác phát triển tổ chức hội vẫn còn hạn chế, trong nhiệm kỳ chỉ phát triển được 22 Hội luật gia cấp huyện và 91 chi Hội luật gia trực thuộc Hội luật gia các tỉnh, thành phố, không đạt được chỉ tiêu do Đại hội lần thứ XII của Hội đề ra (100% các quận huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có điều kiện thành lập Hội Luật gia).

Nhiều chi Hội luật gia trực thuộc Trung ương ương Hội chậm được củng cố về mặt tổ chức, một số chi hội không tổ chức đại hội hết nhiệm kỳ đúng quy định. Việc thành lập các Trung tâm tư vấn pháp luật cũng chưa đạt được chỉ tiêu đề ra, đến nay vẫn còn 4 tỉnh, thành hội chưa thành lập được Trung tâm tư vấn pháp luật. Công tác phát triển hội viên của một số cấp Hội còn thiên về số lượng, chưa chú trọng đúng mức về chất lượng. Việc triển khai các mặt công tác của một số cấp Hội còn chưa toàn diện và chưa có chiều sâu.

Chất lượng hoạt động của một số mặt công tác còn mang tính hình thức, kém hiệu quả. Việc thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2021” ở các cấp Hội chưa đều, một số tổ chức Hội triển khai chậm và kết quả còn hạn chế. Phương thức sinh hoạt và tổ chức các hoạt động của một số tổ chức Hội và cán bộ Hội, chậm đổi mới, chưa chủ động và sáng tạo. Công tác thông tin, báo cáo có lúc chưa kịp thời, nhiều tỉnh, thành hội, đơn vị, chi hội trực thuộc gửi báo cáo còn chậm, có nơi còn chưa gửi báo cáo, nhất là các Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội...

Sở dĩ còn một số hạn chế, tồn tại trong tổ chức và hoạt động của Hội nhiệm kỳ qua là do có một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, điều kiện về tổ chức, biên chế và kinh phí để triển khai các mặt hoạt động của hội còn hạn hẹp. Đến nay vẫn còn một số tỉnh, thành hội và nhiều tổ chức hội chưa được cấp uỷ, chính quyền quan tâm đúng mức. Nhiều tổ chức Hội chưa có đủ cán bộ, cơ sở vật chất và trang thiết bị tối thiểu cho việc tổ chức các hoạt động của hội.

Một số chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước về tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng nói chung, về các tổ chức hội có tính chất chính trị, xã hội, nghề nghiệp trong đó có Hội Luật gia Việt Nam nói riêng còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp, nên trong tổ chức và hoạt động cũng gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc; Một số cấp ủy, chính quyền và không ít cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của Hội Luật gia, nên chưa có sự quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo hoạt động của Hội Luật gia và chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hội hoạt động.

P.V: Cuối cùng xin chủ tịch cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm nào được đặt ra cho nhiệm kỳ mới (2019-2024)?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Trong 5 năm tới, theo dự báo của Đảng và Nhà nước ta, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và phát triển vẫn là xu thế lớn. Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa. 5 năm tới cũng là thời gian toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục nỗ lực phấn đấu kết thúc thắng lợi việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và quán triển, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trong bối cảnh đó, các cấp hội cần phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Luật gia Việt Nam vững mạnh toàn diện, phát triển đội ngũ luật gia Việt Nam theo sáu chuẩn mực đạo đức của Hội viên Hội Luật gia Việt Nam, trong đó, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, vì dân, vì công lý, phát huy vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, cần củng cố và kiện toàn tổ chức Hội. Tiếp tục phát triển Hội luật gia cấp huyện theo quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 19-KL/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 08/CT của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu trong nhiệm kỳ thành lập mới được từ 100 trở lên Hội Luật gia cấp quận, huyện và các chi hội luật gia trực thuộc tỉnh, thành hội. Về hội viên: Chú trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong nhiệm kỳ kết nạp từ 7000 trở lên hội viên mới, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí: Giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, vì dân, vì công lý. Về tham gia xây dựng chính sách, pháp luật: Hoàn thành 100% các nhiệm vụ được giao trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tăng cường các hoạt động tư vấn chính sách, giám sát và phản biện xã hội được giao. Về tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý: 100% các tỉnh, thành hội có trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; phấn đấu tăng 10% trở lên các vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Về phổ biến, giáo dục pháp luật: Hoàn thành 100% các nhiệm vụ được Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương giao và các nhiệm vụ được đề ra trong chương trình, kế hoạch hàng năm của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Hội Luật gia Việt Nam.

Hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng Đề án xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý. Về nghiên cứu khoa học: Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phấn đấu tăng ít nhất 50% các đề tài, dự án khoa học so với nhiệm kỳ XII. Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội và Hội viên: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ Hội, phấn đấu trong nhiệm kỳ có 50% đến 70 % cán bộ hội được dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao trình độ, kỹ năng công tác Hội; 30% đến 50% hội viên được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do các cấp hội tổ chức. Về thi đua: 100% các tỉnh, thành Hội, các chi hội, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội có đăng ký thi đua; 90% trở lên cán bộ hội chuyên trách đạt danh hiệu lao động tiên tiến, 15% trở lên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Về triển khai thực hiện các chương trình phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức: 70% trở lên Hội luật gia các tỉnh, thành phố có ký kết chương trình phối hợp công tác với các đơn vị, tổ chức ở địa phương; 100% các chương trình ký kết đều có kế hoạch hoạt động và triển khai có hiệu quả hàng năm.

PV. Xin cám ơn Chủ tịch.

Theo Hội Luật Gia Việt Nam