Xin chữ đầu Xuân - Nét văn hóa đẹp của người Việt

Tết đến, Xuân về là thời điểm các hoạt động văn hóa giải trí được diễn ra từng bừng trong cả nước.

Trong các thú chơi ngày Xuân, chơi chữ chơi thơ có lẽ là thú chơi tao nhã nhất dành cho tất cả mọi người. Những nét dung dị của đời sống hàng ngày đã góp phần hình thành trí tuệ nhân cách của nhiều thế hệ người Việt. Trải qua hàng nghìn năm, các thế hệ cha ông chúng ta đã tiếp nhận loại chữ tượng hình độc đáo và đã dùng nó làm phương tiện giao tiếp truyền bá trí thức và nâng cao dân trí tuyển chọn nhân tài góp phần xây dựng nền văn hiến của dân tộc. Ở đó có biết bao con người nổi tiếng văn hay chữ tốt làm rạng danh cho sử sách và cho muôn đời sau bởi tài hoa và tư cách của họ như: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Văn Siêu, Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát…

Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Thường trực Ban Trị sự GH PG tỉnh Nghệ An tặng chữ cho Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Vẻ đẹp cổ kính của chữ Nho qua các loại hình rất phong phú và đa dạng, đó là những câu nói gửi gắm được tâm tình, ý chí khát vọng và nhân cách của cổ nhân từ ngàn đời, sẵn sàng đem lại niềm vui, niềm xúc động cho mọi nhà, mọi người trong mỗi dịp đình đám, hiếu hỷ, lễ Tết. Mỗi chữ, mỗi câu được treo trang trọng trong nhà vừa đẹp mắt. Cùng với thú chơi chữ của các bậc Túc Nho; tục xin chữ, tặng chữ dịp Xuân về ngày càng thịnh hành, phù hợp với truyền thống hiếu học của người Việt. Nó đã thành thói quen không thể thiếu, một nét văn hóa của người Việt Nam dịp đầu năm mới.

Cũng bởi đơn giản nên nhiều người không chỉ đi xin chữ cho mình mà còn xin để tặng cho anh em, bạn bè làm quà năm mới. Mọi người đến xin chữ thường nghĩ gì, thích gì thì xin chữ ấy. Có người mong một năm bình an, suôn sẻ thì xin chữ Thuận, chữ Phúc; có người mong kinh tế phát đạt thì xin chữ Phát hoặc chữ Lộc, có người mong con cái thành đạt thì xin chữ Tài... Có những người thì chỉ đến xin rồi được cho chữ gì thì nhận chữ ấy.

Chữ Hán xuất phát từ chữ tượng hình bản thân nó đã như một bức tranh, mang đầy đủ nội dung ý nghĩa, nên từ rất lâu nó đã được nâng lên thành một nghệ thuật - nghệ thuật thư pháp với Ngũ thể: Triện - Lệ - Hành -Thảo - Chân. Thư pháp có nhiều kiểu chơi, từ những bức liễn nhỏ xíu dùng để treo cây mai đến những bức thư pháp cỡ lớn treo tường, bên cạnh những bức thư pháp viết trên giấy mành, giấy mỹ thuật, viết trên trúc thì còn có cả những sản phẩm thư pháp viết trên gỗ, viết trên bình gốm bát tràng.

Ông Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khai bút đầu xuân tại chùa Đại Tuệ - Nam Đàn.

Bàn về ý nghĩa của thú chơi thư pháp ngày Tết, người lớn thì thường thích các chữ “Phúc”; “Lộc”; “Thọ”; “An Khang” “Cát Tường”, “Như Ý”... nhằm cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu. Doanh nhân thì thích các chữ “Phát”; “Lộc”; “Tài”, “Vượng” mong cho công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Các bạn thanh niên đang phấn đấu, thích chữ “Chí”, chữ “Thành”, chữ “Đạt”, chữ “Đắc”, chữ “Nhẫn”. “Chí” nghĩa là phải có ý chí quyết vượt mọi khó khăn; “Thành” có nghĩa là nên việc; “Đạt” là thoả mãn yêu cầu; “Đắc” là được, “Nhẫn” là kiên trì nhẫn nại trong mọi việc.

Còn các cháu thiếu nhi thì thường được bố mẹ chọn cho các chữ “Học”, “Hiếu”, “Lễ”; “Nghĩa”, “Tiến” mong con mình lớn lên từ những điều kỳ vọng của bố mẹ trở thành những người con hiếu thảo của gia đình, một công dân có ích cho xã hội… Những lời cầu chúc như: “Chúc mừng năm mới”, “Mã đáo thành công”, “Phúc lộc song hoàn”, “An khang thịnh vượng”, “Tân niên hạnh phúc”, “Ngũ phúc lâm môn”... là sự gửi gắm mơ ước, tiêu chí, là một món ăn tinh thần với mục đích rất chính đáng trong cuộc sống con người, gia đình và xã hội.

Với những nét phát triển rất trầm lặng nhưng mạnh mẽ, đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của loại hình văn hóa cổ truyền này, một nét đẹp văn hóa đã vẫn và sẽ tồn tại bằng chính nội lực của mình, bất chấp sự ồn ào của một nền kinh tế thị trường đang lan sâu vào đời sống văn hóa của mọi người dân.

Nhưng dù sao, nó vẫn còn mang tính chất tự phát, manh mún, có những vấn đề phản văn hóa, vì chưa thực sự có một định hướng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Điều đó không chỉ là mối quan tâm của các thư pháp gia, mà còn cần sự ủng hộ hơn nữa của các cấp chính quyền và của tất cả mọi người để làm sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn nữa một nét đẹp văn hóa của dân tộc.

 Thái Quảng