Mặc dù phi công là nghề có thu nhập đáng mong ước, tuy nhiên vẫn còn một số yếu tố khiến nhiều bạn trẻ còn ngần ngại khi theo đuổi giấc mơ chinh phục “cánh chim sắt”. Trong khi đó, với sự tăng trưởng mạnh của ngành hàng không Việt Nam cùng với sự đầu tư phát triển số lượng tàu bay thì nhu cầu phi công của các Hãng càng lớn.
Cung không đáp ứng đủ cầu
Theo dự báo của Boeing công bố, các hãng hàng không tại khu vực Đông Nam Á sẽ cần 4.500 máy bay mới trong 20 năm tới. Theo đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần thêm 244.000 phi công thương mại, tương đương 38% nhu cầu về phi công trên toàn cầu.
Tại thị trường Việt Nam, Cục Hàng không từng ước tính số máy bay của các hãng hàng không Việt sẽ tăng từ 222 chiếc hiện tại lên khoảng hơn 360 chiếc vào năm 2023. So với số lượng phi công hiện có, số lượng phi công cần bổ sung tại Việt Nam là khoảng 1.320 người.
Với số liệu này, có thể thấy nhu cầu nhân lực phi công trên toàn cầu nói chung cũng như Việt Nam nói riêng là khá lớn, khi mà nhiều Hãng hàng không không ngừng đầu tư mới đội máy bay, phát triển số lượng tàu bay, đặc biệt trong giai đoạn hàng không Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu du lịch, đi lại của hành khách tăng lên.
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, để đào tạo 1 phi công lái chính Airbus A320, A321 cần ít nhất 3 - 4 năm đào tạo cơ bản, với phi công lái Airbus A350, Boeing 787, công tác này kéo dài tới 7 - 8 năm. Hiện các cơ sở đào tạo phi công của Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để đào tạo độc lập mà vẫn phải hợp tác với cơ sở đào tạo nước ngoài.
Thử thách trước ước mơ chinh phục bầu trời
Nhiều cơ trưởng đã từng chia sẻ những tiêu chuẩn và điều kiện khắt khe khi theo đuổi nghề phi công. Những yếu tố đó trở thành một trong những rào cản với các ứng viên khi muốn thực hiện ước mơ điều khiển “cánh chim sắt” chinh phục bầu trời.
Theo khảo sát, có 3 yếu tố chính khiến nhiều người còn băn khoăn khi theo đuổi ngành nghề này.
Thứ nhất là hình thể và sức khỏe, ứng viên phải đạt tiêu chuẩn sức khỏe đối với phi công dân dụng của Cục Hàng không Việt Nam.
Thứ hai là trình độ Tiếng Anh, yêu cầu đối với ứng viên là 600 điểm TOEIC hoặc IELTS 5.5 trở lên.
Thứ ba là vấn đề tài chính, bởi khoản học phí theo học nghề phi công không hề nhỏ. Tổng học phí một khóa phi công cơ bản trong thời gian khoảng 2 năm tốn khoảng 3 - 4 tỷ đồng. Theo số liệu của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), chi phí đào tạo phi công tại nước ngoài như Anh, Úc, Mỹ khoảng 120.000 USD – 200.000 USD tuỳ khoá học (khoảng 3-4,5 tỷ). Chi phí học này chưa bao gồm visa, vé máy bay, ăn ở. Ngoài ra, học viên còn mất thêm vài nghìn USD nữa với các chi phí như kiểm tra, sách vở, dụng cụ, mũ bảo hiểm.
Nghề phi công không những đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, thị lực tốt mà còn cần nhiều kĩ năng như khả năng phối hợp, đầu óc tổ chức, kỹ năng định hướng, dẫn đường, khả năng tập trung cao độ trong một thời gian dài. Trong quá trình đào tạo, các phi công tương lai luôn phải rèn luyện, đồng thời luôn phải tuân thủ những quy tắc khắc nghiệt về sức khỏe, trình độ. Đây là cả một quá trình rèn luyện nghiêm túc và học tập không ngừng nghỉ giữa lý thuyết và thực hành.
Với ba yếu tố và những yêu cầu kể trên, trong khi hai tiêu chí đầu có thể được cải thiện một cách tương đối dễ dàng và chủ động, thì có thể nói tiêu chí về tài chính là một trong những chướng ngại đáng kể nhất cho những "giấc mơ bay" trở thành hiện thực.
Chạm tới giấc mơ làm chủ bầu trời
Tuy nhiên bài toán về chi phí đang ngày càng trở nên dễ dàng hơn nhờ các chương trình đào tạo được xây dựng mới, phù hợp với nhu cầu của đa phần phụ huynh và học viên tại Việt Nam, gần đây nhất là chương trình đào tạo tuyển dụng của trung tâm đào tạo Bamboo Airways.
Theo đó, Bamboo Airways đang tuyển sinh học viên phi công cơ bản với gói hỗ trợ tài chính cùng nhiều đãi ngộ, hơn thế nữa học viên còn được trả lương ngay trong quá trình đi bay tích lũy, cùng cam kết đảm bảo đầu ra với mức lương cạnh tranh. Được biết, đây là những ưu đãi chưa từng có tại trung tâm, viện đào tạo hàng không nào ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Đây cũng được xem là điểm cộng lớn của chương trình đào tạo do Bamboo Airways điều phối.
Cụ thể, bà Hồ Thị Thu Trang - Giám đốc Nhân sự Bamboo Airways kiêm Phó giám đốc trung tâm đào tạo Bamboo Airways cho biết, ứng viên học nghề phi công được chia ra nhiều lần đóng học phí khi đăng ký ứng tuyển tại trung tâm đào tạo của Bamboo Airways. Chi phí học ngành phi công thông qua Bamboo Airways sẽ giảm được khoảng 50% so với việc học toàn bộ tại nước ngoài về chi phí ăn ở, chi phí đào tạo.
“Các phi công thuộc Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways cam kết làm việc với Hãng sẽ có gói hỗ trợ tương thích từng nhu cầu của phi công. Đối với các phi công tốt nghiệp muốn gắn bó cùng Bamboo Airways, hãng cam kết sẽ có cơ hội làm việc với mức thu nhập và đãi ngộ hấp dẫn trên thị trường hàng không Việt Nam.”, bà Hồ Thị Thu Trang cũng chia sẻ thêm.
Theo kết quả khảo sát của Công ty TalentnetMercer (Công ty hàng đầu thế giới về tư vấn nhân sự và khảo sát lương), mức lương của phi công mới vào nghề có thu nhập tối thiểu 100 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hiện nay hãng hàng không Bamboo Airways chi trả cho phi công với mức lương lương cạnh tranh và cao hơn các hãng nội địa khác 10-15%.
“Viện đào tạo hàng không của Bamboo Airways sẽ góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa nhân sự ngành, giảm lệ phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành cũng như đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững của ngành hàng không Việt Nam”, bà Hồ Thị Thu Trang nhấn mạnh.
|