Giờ cơm trưa, những chiếc cặp lồng mang theo từ sáng sớm được mang ra bàn ăn. Lớp mầm non thôn Cả (xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) có 28 học sinh nhưng hôm nay chỉ có 23 cặp lồng cơm. Có 5 em không mang cơm cho bữa trưa.
"Hôm nào cũng có vài em không có cơm mang theo. Được cái bọn trẻ ở đây biết chia sẻ cùng nhau. Mỗi em sẽ nhường cho bạn một ít cơm, một ít thức ăn", cô giáo Hồ Thị Cam cho biết.
Học sinh vùng cao Trà Bồng mang theo cơm trưa đến lớp
Nhìn bữa trưa của những đứa trẻ thôn Cả mới thấy xót xa. Trong cặp lồng chỉ có một ít cơm với rau rừng hoặc muối. Bữa cơm "sang" nhất là miếng cá chỉ to hơn ngón tay cái. Cứ thế, những đứa trẻ vui vẻ chia nhau ăn ngon lành.
Hai học sinh này chia nhau phần cơm ít ỏi ăn cùng với muối.
Cô Cam thở dài, bữa ăn hôm nay thế đã là "sang" bởi vài em có cá để ăn. Có hôm cả lớp toàn ăn rau rừng, vài con ốc với muối. Cơm thì ít còn chia nhau nên không đủ no. Thương học sinh, giáo viên phải mua thêm ít mì ăn liền nấu canh cho các em.
"Người dân nghèo quá nên các em rất thiếu thốn. Bữa ăn như thế làm sao các em có đủ chất để phát triển. Thương các em lắm nhưng giáo viên cũng khổ, đâu giúp được gì nhiều", cô Cam nói đầy xót xa
Ngoài bậc mầm non, điểm trường thôn Cả còn có 40 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Thức ăn cho bữa trưa của các em vẫn chỉ là những gì kiếm được trong rừng.
Phụ trách lớp 1 với 18 học sinh, cô Trần Thị Thủy quá quen với cảnh phải xin cơm hoặc chia sẻ bữa trưa của mình cho học sinh. Có điều, bữa trưa của những giáo viên vùng cao như cô Thủy có hôm cũng chỉ là gói mì ăn liền.
Vận động những đứa trẻ đến lớp đã khó, giữ cho các em không bỏ học còn khó hơn. Không có cơm, hoặc bữa ăn quá thiếu thốn khiến những đứa trẻ không muốn đến lớp.
"Nhiều em phải băng rừng đến lớp, rồi học cả ngày mà bữa trưa thiếu thốn quá nên các em không đủ sức. Nhiều em quanh năm không biết đến miếng thịt, miếng cá. Ăn uống vậy thì sức đâu mà học", cô Thủy nói.
Bữa ăn trưa trong lớp cô Thủy kết thúc chóng vánh, những cặp lồng cơm hết sạch. Nhiều em cố vét những hạt cơm còn lại, có vẻ những đứa trẻ vẫn chưa no.
Phần ăn "sang" nhất có một khúc cá muối to bằng ngón tay cái
Giáo viên thường xuyên phải san sẻ một ít cơm cho những học sinh không mang theo cơm đến lớp.
Dấu hiệu nhận biết của những học sinh "ăn ké" là cơm lẫn lộn nhiều loại gạo được đựng trong nắp cặp lồng đi mượn.
Điều kiện sinh hoạt, ăn uống thiếu thốn ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học của học sinh. Do đó, nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học.
"Nhà trường chỉ có thể xin đầu tư xây dựng phòng học. Riêng việc ăn uống thì vượt quá khả năng, cái này phụ huynh phải tự lo cho các em. Điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn nên các em ăn uống vô cùng thiếu thốn, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học", thầy Bàng cho biết.