Xử phạt hơn 23.500 trường hợp vi phạm luật giao thông 4 ngày nghỉ lễ

Thảo Huyền

So với cùng kỳ, số vụ tai nạn giao thông đường bộ đã giảm nhờ vào sự ra quân quyết liệt của lực lượng CSGT trên toàn quốc.

Báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an về tình hình an ninh trật tự giao thông 4 ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5 cho biết, toàn quốc xảy ra vụ 104 tai nạn giao thông, làm chết 55 người, bị thương 84 người. So với 4 ngày nghỉ lễ năm 2021 thì năm nay đã giảm 7 vụ, giảm 3 người chết nhưng tăng 20 người bị thương.

Trong đó, tất cả vụ tai nạn giao thông đều xảy ra trên đường bộ còn đường thuỷ, đường sắt không xảy ra sự cố nào.

Do lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao vào dịp nghỉ lễ do người dân di chuyển về quê, đi du lịch và ngược lại nên tại Tp.Hà Nội, Tp.HCM và một số tuyến đường chính đến các địa phương có khu du lịch, các phương tiện di chuyển chậm.

Đây là đợt nghỉ lễ có lượng phương tiện đông nhất từ sau dịch bệnh Covid-19 nên lực lượng CSGT, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức phối hợp, phân luồng, điều tiết giao thông theo đúng nội dung các phương án phân luồng giao thông.

Lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 24.061 trường hợp vi phạm, trong đó có 3.371 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 22 trường hợp lái xe dương tính với ma túy. Từ đó, cơ quan chức năng đã phạt tiền hơn 26,3 tỷ đồng; tạm giữ 407 ô tô, 6.257 mô tô; 73 phương tiện khác; tước 2.684 giấy phép lái xe.

Cụ thể, trên đường bộ đã xử lý 23.642 trường hợp, phạt tiền gần 26 tỷ đồng; tạm giữ 407 ôtô, 6.257 môtô và 60 phương tiện khác. Trong đó các Đội TTKSGT đường bộ cao tốc của C08 lập biên bản 186 trường hợp vi phạm, phạt tiền 689 triệu đồng, tước 80 giấy phép lái xe, tạm giữ 9 phương tiện.

Kết quả xử lý qua Hệ thống giám sát xử phạ vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc do Cục CSGT quản lý ghi nhân 450 trường hợp vi phạm.

Các lỗi vi phạm tập trung xử lý trên đường bộ là nồng độ cồn 3.371 trường hợp; ma túy 22 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 602 trường hợp; quá khổ giới hạn 130 trường hợp; tự ý cải tạo phương tiện 68 trường hợp; chở quá số người quy định 460 trường hợp.

Bên cạnh đó, xử lý vi phạm tốc độ 2.694 trường hợp; phần đường, làn đường 518 trường hợp; tránh, vượt 267 trường hợp; dừng đỗ đón trả khách không đúng quy định 263 trường hợp; không có giấy phép lái xe 2.491 trường hợp; không chấp hành tín hiệu giao thông, hiệu lệnh dừng xe 693 trường hợp; mũ bảo hiểm 4.976 trường hợp; vi phạm khác 7.549 trường hợp.

Đường thủy nội địa đã xử lý 402 trường hợp, phạt tiền 394 triệu đồng, tạm giữ 3 phương tiện khác. Còn đường sắt đã xử lý 17 trường hợp, phạt tiền 30 triệu đồng.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2022, Đường dây nóng của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã nhận 16 ý kiến phản ánh từ người dân; giảm so với kỳ nghỉ lễ năm 2021.

Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng chở quá số người, nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định; va chạm giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường, tại một số trạm thu phí và các khu vực du lịch nghỉ dưỡng.

Chiều ngày 3/5, nhiều tuyến đường tại Tp.Hà Nội đã trong tình trạng chật cứng, tắc nghẽn do người dân đổ về Thủ đô. Hầu hết các tuyến phố hướng từ cửa ngõ về Thủ đô như Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi… đều trong tình trạng tắc nghẽn.

Trong khi đó, địa phận phía Nam từ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh...theo QL60 về Tp.HCM cũng tăng cao, tuy nhiên không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài như những ngày đầu kỳ nghỉ lễ.

Ghi nhận tại giao lộ đường Nguyễn Hữu Trí và Quốc lộ 1A, xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, Tp.HCM, lượng phương tiện di chuyển theo hướng từ các tỉnh miền Tây về Tp.HCM tăng đột biến dẫn đến tình trạng ùn ứ tương tự như cửa ngõ phía đông.

Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia đánh giá, tình hình trật tự an toàn giao thông trong 4 ngày kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5/2022 được đảm bảo, tai nạn giao thông được kéo giảm về số vụ, số người chết tuy nhiên số người bị thương tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Kỳ nghỉ lễ năm nay, nhiều người dân di chuyển bằng phương tiện cá nhân, vì vậy lượng phương tiện tham gia giao thông có thời điểm tăng đột biến, gây ra hiện tượng ùn ứ tại các cửa ngõ khi người dân dời các thành phố và trở lại Tp.HCM sau kỳ nghỉ lễ.