Nguồn gốc của tết Hàn Thực
Theo nghĩa chữ Hán, “hàn” là lạnh, “thực” là ăn, “tết Hàn thực” là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc với điển tích Giới Tử Thôi chết cháy.
Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở. Trên đường lánh nạn, vua Tấn được hiền sĩ Giới Tử Thôi hết lòng phò trợ. Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng 19 năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài.
Thế nhưng, khi đoạt lại ngôi báu, lúc phong thần cho những người có công, vua Tấn lại quên mất sự giúp đỡ của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không oán giận gì, về nhà đưa mẹ vào núi ở ẩn. Tấn Văn Công nhớ ra, cho người đi tìm. Vì Giới Tử Thôi không chịu ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng để ép ông phải ra; cuối cùng, hai mẹ con ông đều chết cháy vào đúng ngày 3/3 âm lịch. Cái chết của Giới Tử Thôi khiến vua ân hận. Vua Tấn cho lập miếu thờ và hạ lệnh kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm.
Ý nghĩa của tết Hàn thực ở Việt Nam
Ở Việt Nam hiện nay, người ta chỉ làm bánh trôi hay bánh chay để thế cho đồ lạnh, nhưng chỉ cúng gia tiên, và có ít liên hệ đến Giới Tử Thôi và những kiêng kỵ khác. Vào ngày này, người Việt thường "làm bánh trôi nước, bày cỗ bàn, cúng gia tiên”, cho nên bánh trôi còn được gọi là bánh Hàn thực.
Vào ngày 3/3 âm lịch, các gia đình làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên và không kiêng đốt lửa. Ở nhiều nơi, người dân còn làm bánh trôi bánh chay cúng thần hoàng. Những món ăn được nấu trong dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Vào tết Hàn thực, nhiều gia đình chuẩn bị mâm cúng gồm: bánh trôi, bánh chay, hoa quả, trầu cau… dâng lên ban thờ tổ tiên.
Hồ Nga ( t/h )