Thiệt hại nặng nề
Kéo dài từ Quảng Bình đến Bình Định, nhiều khu dân cư đã phải sơ tán. Thống kê sơ bộ cho thấy, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đến sáng ngày 11/10 đã có gần 200 xã thuộc 32 huyện bị ngập do lũ lụt (tâm lũ là Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Nhiều xã mức lũ đã vượt cao hơn so với các đỉnh lũ lịch sử trước đó. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ các địa phương đã tiến hành sơ tán, di dời tổng số gần 10.000 hộ dân với trên 28.000 nhân khẩu, trong đó nhiều nhất là Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Đã có 6 người tử vong, nhiều người mất tích, hàng trăm người bị thương. Cùng với đó, hàng trăm ngàn héc-ta hoa màu bị ngập úng, hư hỏng nặng.
Người dân vùng rốn lũ bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngày nhận thi thể ông Phạm Văn Neo (66 tuổi, ở thôn Nước Lầy, xã Ba Ngạc, Ba Tơ, Quảng Ngãi), nhiều người dân thôn Nước Lầy ngậm ngùi, đau tiếc. Hàng trăm gia đình nơi đây bốn bề trống hoác, gió lùa thông thốc. Tại Quảng Ngãi, lũ quét, sạt lở nguy hiểm nhất ở: Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà và Minh Long. Ngập lụt diễn biến khó lường ở huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ và TP. Quảng Ngãi nên người dân phải đề cao cảnh giác.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, đến sáng 11/10 cũng đã tìm thấy thi thể em Hoàng Bảo Lâm (14 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa), hàng ngàn ngôi nhà còn ngập sâu trong nước. Điển hình như thôn Hà Môn (xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch), 186 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn, hàng loạt căn nhà chìm trong biển nước.
Đến sáng 11/10, Tại Thừa Thiên Huế, nước sông Hương xấp xỉ báo động 3, sông Bồ vượt báo động 3, vượt mức lũ lịch sử năm 1999. Mưa lũ đã làm 1 người chết, 6 người bị thương. Gần 3.000 hộ dân phải sơ tán, 24.500 ngôi nhà bị ngập sâu, hư hại.
Khẩn trương ứng phó, cứu trợ
Trước diễn biến khó lường của lũ lụt và sạt lở, các tỉnh bị ảnh hưởng đã khẩn trương ứng cứu người dân ở khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ dân không đảm bảo an toàn. Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét.
Tiếp tục triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập. Các hồ chứa thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ đập vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao được bố trí lực lượng trực canh, lên phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu bảo đảm an toàn khi có tình huống xấu; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã bố trí hơn 280 đội thường trực ứng cứu giúp dân. Đến sáng ngày 11/10, hầu hết các khu dân cư nằm trong vùng nguy hiểm đã được các lực lượng cứu hộ tiếp cận. Bên cạnh đó, nhu yếu phẩm và các lương thực cần thiết đã được bố trí đầy đủ đến các điểm sơ tán, điểm bị cô lập.
Cùng với các chỉ đạo, hỗ trợ từ Trung ương thì lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt quyết tâm hành động với khẩu hiệu: “Tính mạng và an toàn của người dân là trên hết”. Để ứng phó với mưa lũ trong thời gian dài sẽ duy trì, phát huy phương châm 4 tại chỗ là: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Hỗ trợ, ứng cứu người dân vùng rốn lũ tỉnh Thừa Thiên Huế.
Y tế các địa phương chủ động xử lý tình huống
Theo Sở Y tế Quảng Ngãi, Bình Định: Ngay từ khi nhận được thông tin lũ lụt, ngành y tế đã chỉ đạo cho tất cả các bệnh viện, Trung tâm y tế bố trí sẵn lực lượng y, bác sĩ giỏi túc trực, cấp cứu các ca bị thương. Bên cạnh đó, các đội y tế cơ động đến các địa bàn bị chia cắt, cô lập để hỗ trợ cứu chữa. Hệ thống xe cứu thương, ứng phó nhanh cũng sẵn sàng. Bố trí đầy đủ lực lượng, thuốc men về các địa điểm nguy hiểm để cứu chữa, hạn chế tối đa các thiệt hại về người.
Ngành y tế các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và các địa phương bị ảnh hưởng khác cũng đã lập Ban Chỉ đạo, các đội cấp cứu ngoại viện, các đội dự phòng cơ động hỗ trợ phòng chống dịch, vệ sinh môi trường; triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn cũng như hỗ trợ tuyến dưới.
Bên cạnh đó, sẵn sàng phương án sơ tán, di dời cơ sở y tế, trang thiết bị, thuốc, hóa chất trong trường hợp xảy ra ngập, lụt, sập đổ để nhanh chóng thu dung cấp cứu, điều trị nạn nhân trong mọi tình huống khẩn cấp; đảm bảo các cơ sở y tế hoạt động an toàn tuyệt đối, không để người bệnh, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi thiên tai; không để hư hỏng trang thiết bị, thuốc, hóa chất.
Đã cơ bản chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phòng chống lụt bão, hóa chất, trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển trong phòng chống và khắc phục hậu quả. Công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho những đối tượng là người già, trẻ em và an toàn cộng đồng trong mùa mưa bão, lũ lụt cũng đã sẵn sàng. Đồng thời, ngay khi lũ rút, các nhân viên y tế sẽ đến tận các địa bàn bị ảnh hưởng để tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch.
Ngành y tế các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai cũng chỉ đạo, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các đơn vị trong ngành y tế phải triển khai đồng bộ, kết hợp các giải pháp phòng chống thiên tai và phòng chống dịch; chủ động sẵn sàng các phương án để tránh bị động, lúng túng trong tổ chức thực hiện. Tất cả các đơn vị trong hệ thống y tế các tỉnh phải thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo đột xuất để có phương án xử lí kịp thời, hiệu quả.
Lúc 10 giờ ngày 11/10, bão số 6 đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. |