Yêu cầu vận chuyển hơn 500 container phế liệu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam

Biên tập viên

Tính đến hết tháng 6/2019, đối với việc tái xuất các lô hàng phế liệu vi phạm quy định, không đủ điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam, cơ quan Hải quan của các địa phương đã yêu cầu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ VN

Trong đó có 289 container phế liệu nhựa, 106 container phế liệu giấy, 98 container phế liệu sắt, thép và 10 container phế liệu khác. Trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục xử lý các container đang tồn đọng hiện nay tại các cảng trên lãnh thổ Việt Nam.

Tại cuộc họp với đại diện của 11 Bộ, ngành để về bàn các giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng và tái xuất các lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm quy định, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, để xử lý dứt điểm các container đang tồn đọng cần phân loại phế liệu theo đúng tiêu chí, xác định là chất thải sẽ yêu cầu chủ hàng vận chuyển ra khỏi lãnh thổ.

Tuy nhiên, các hãng tàu thực hiện việc tái xuất đang rất chậm. Tổng cục Hải quan đề xuất nếu các hãng tàu chậm trễ trong việc vận chuyển các lô hàng không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, đề nghị Bộ GTVT không cấp phép tiếp cho hãng tàu.

Theo đại diện Bộ Công an, để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng và tái xuất các lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm quy định thì các Bộ cần thống nhất để xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tránh để cá nhân, đơn vị lợi dụng kẽ hở vi phạm pháp luật đối với việc nhập khẩu phế liệu, hàng hóa không đảm bảo quy định về môi trường; trang bị các phương tiện kiểm tra nhanh cho cơ quan hải quan để kiểm soát ngay tại cảng; có cơ chế để các cơ quan phối hợp chặt chẽ nhằm giảm thiểu các kẽ hở về mặt luật pháp.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất, cần dùng từ chính xác là phế liệu bị nhiễm phóng xạ chứ không phải phế thải phóng xạ; sửa đổi các quy chuẩn đề cập đến phế liệu nhiễm phóng xạ phù hợp hơn với thực tế, nên quy định dưới dạng sử dụng các dụng cụ chuyên ngành để kiểm soát tại chỗ.yeu-cau-van-chuyen-hon-500-container-phe-lieu-ra-khoi-lanh-tho-viet-nam-1Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng, kiên quyết tái xuất các lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm quy định. Ảnh minh họa.

 

Kiên quyết tái xuất các lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm quy định

Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, tín hiệu khả quan bước đầu được ghi nhận khi cơ quan hải quan của các địa phương đã yêu cầu các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hơn 500 container. Tuy vậy, các bộ, ngành liên quan cần xem xét để nhanh chóng xử lý, kiểm soát cũng như hạn chế các tác động tiêu cực của các lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu về môi trường; kiên quyết tái xuất, không để các lô hàng phế liệu không đủ điều kiện vào Việt Nam; đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức.

Bộ TN-MT đề nghị Bộ Tài chính rà soát, cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vi phạm quy định nhưng không thực hiện thủ tục tái xuất gửi về cơ quan cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để xem xét tước quyền sử dụng giấy xác nhận.

Bộ Ngoại giao chủ trì nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực trong việc áp dụng kinh nghiệm đàm phán ngoại giao, thông lệ, tiền lệ quốc tế để thực hiện tái xuất hàng hóa là chất thải, hàng hóa vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường

Để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng, Bộ TN-MT cũng đề nghị các Bộ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung rà soát các quy định về hàng hóa đã qua sử dụng cấm nhập khẩu, các hàng hóa được phép nhập khẩu có điều kiện; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng không đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Căn cứ các quy định về việc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng, việc thực thi, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của cơ quan hải quan do đó cần rà soát các biện pháp kiểm tra, kiểm soát rủi ro và đề xuất biện pháp tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong quá trình thông quan hàng hóa đã qua sử dụng. Đồng thời, trong phạm vi quản lý của các Bộ, cần xây dựng chế tài xử lý vi phạm các quy định nhập khẩu, cấm nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng

Hải Bình (t/h)