0h ngày 23/8, TP.HCM bước vào đợt siết chặt giãn cách trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh. Khác với các đợt giãn cách trước, một số chốt chặn được bổ sung thêm lực lượng quân đội có vũ trang để hỗ trợ kiểm soát giãn cách.
"Chúng tôi là người lính, từ nhân dân mà ra. Khi người dân đang gặp những khó khăn thì quân đội với mệnh lệnh từ trái tim đã có mặt", thiếu tướng Đỗ Thanh Phong (Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị) chia sẻ với Zing về đợt điều động hàng nghìn quân nhân vào TP.HCM chống dịch.
Ông khẳng định quân đội sẽ giúp siết chặt lại trật tự, bảo đảm giãn cách xã hội tốt nhất theo tinh thần “ai ở đâu thì ở yên đó”.
Các lực lượng ở địa phương đã quá tải
Trao đổi với Zing, trung tướng Nguyễn Hải Hưng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội) cho rằng chúng ta đã đối phó với nhiều đợt dịch Covid-19, nhưng chưa lần nào dịch diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường như đợt dịch lần thứ tư.
Trước tình hình dịch phức tạp ở các tỉnh, thành phố phía Nam, đặc biệt tại TP.HCM, trung tướng Nguyễn Hải Hưng đánh giá quân đội đã nhanh chóng, chủ động vào cuộc.
Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề cao vai trò quan trọng của quân đội trong trận chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: Quochoi.vn. |
“Quân đội ta là quân đội nhân dân, của dân, do dân, vì dân, mang truyền thống là đội quân chiến đấu, đội quân công tác nên trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, quân đội cũng luôn ở tuyến đầu, sẵn sàng hoàn thành các nhiệm vụ”, tướng Hưng nhấn mạnh.
Ông đặc biệt đề cao vai trò quan trọng của quân đội trong trận chiến chống dịch Covid-19 với nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, sức khỏe và cuộc sống bình yên cho người dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, khôi phục lại trạng thái hoạt động bình thường của đất nước để phát triển kinh tế.
Trung tướng Nguyễn Hải Hưng cho biết những ngày qua, quân đội đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ, hàng nghìn phương tiện, trang bị, kể cả vật tư y tế hỗ trợ các địa phương chống dịch. Với đặc thù là lực lượng có tính kỷ luật rất cao, trong công tác luôn có sự đoàn kết, thống nhất và chủ động, nghiêm túc, tướng Hưng tin tưởng lực lượng quân đội sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
“Với yêu cầu bảo đảm giãn cách, cách ly một cách nghiêm túc, triệt để nhằm hạn chế dịch lây lan, đồng thời cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong lúc này thì sử dụng lực lượng quân đội là rất đúng đắn”, ông Hưng nhấn mạnh.
Ông đánh giá cao chủ trương sử dụng quân đội trong thời bình để phát huy lực lượng trung thành nhất của Đảng và cũng là lực lượng gần gũi, gắn bó và luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân trong thời điểm khó khăn nhất.
Tướng Hưng cho rằng những đơn vị chủ lực đã được quân đội huy động sẽ đảm nhiệm những nhiệm vụ cụ thể như bảo đảm sinh hoạt cho người dân ở khu cách ly, khu giãn cách, đặc biệt là khu phong tỏa, không để dân thiếu ăn, thiếu mặc.
Để người dân yên tâm giãn cách, theo tướng Hưng, quân đội cùng các lực lượng không để dân khó khăn về vật chất dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng. Việc này sẽ góp phần xây dựng niềm tin trong nhân dân.
“Nếu hình dung đợt chống dịch lần này là một trận đánh lớn, chúng ta phải tung những lực lượng mạnh vào để đáp ứng yêu cầu”, ông Hưng nhấn mạnh chủ trương huy động quân đội lần này là đúng và phù hợp với điều kiện.
Học viên Học viện Quân y từ Hà Nội vào chi viện cho TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh) khẳng định tham gia phòng, chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ của quân đội nhân dân Việt Nam, đã được quy định trong Luật Quốc phòng.
“Không chỉ bây giờ quân đội mới tham gia chống dịch. Trong các đợt dịch trước, người nhập cảnh về Việt Nam được đưa vào các doanh trại quân đội cách ly tập trung và lực lượng quân đội đã phục vụ bà con trong suốt thời gian cách ly. Việc đó cũng góp phần đem lại hiệu quả trong các đợt chống dịch trước, được nhân dân ghi nhận”, tướng Bộ nói.
Với diễn biến dịch phức tạp tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An hay các tỉnh phía Nam, tướng Bộ đánh giá lực lượng tại chỗ như các đơn vị bộ đội, công an, dân quân tự vệ và các cơ quan chức năng địa phương đã căng mình thực hiện nhiệm vụ nhưng lực lượng không đủ, đã có tình trạng quá tải.
Vì thế, việc huy động lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia phòng, chống dịch là việc làm rất cần thiết lúc này, đặc biệt với TP.HCM và Bình Dương.
Người dân không thực hiện tốt, chống dịch sẽ thất bại
Theo thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, lực lượng quân đội được huy động vào TP.HCM có thể phối hợp với công an giữ gìn an ninh trật tự. Cùng với đó, đảm nhiệm công việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân, thực hiện dịch vụ hậu cần ở những nơi cách ly tập trung.
Ngoài ra, đội ngũ quân y có thể trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân hay những chiến lược của TP.HCM như tiêm vaccine, xét nghiệm diện rộng.
“Lúc này cần huy động lực lượng nhiều nhất có thể để bà con TP.HCM yên tâm ở tại chỗ, cùng thành phố chống dịch”, ông Bộ nêu quan điểm.
Một số chốt chặn tại TP.HCM được bổ sung thêm lực lượng quân đội để hỗ trợ kiểm soát giãn cách. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đề cập đến một số thành phần kích động thông tin xuyên tạc về sự tham gia của quân đội trong cuộc chiến chống dịch ở TP.HCM, ông Bộ nhấn mạnh "quân đội vào là để giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân" trong đảm bảo cuộc sống, phòng chống dịch bệnh.
Khẳng định vai trò, ý thức của người dân rất quan trọng, thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho rằng trong cuộc chiến chống dịch cần sự nỗ lực, phối hợp từ hai phía là chính quyền và người dân. Nếu người dân không tuân thủ, công sức của các lực lượng tuyến đầu cũng sẽ “đổ sông đổ biển”.
Bên cạnh đó, ông Bộ cho rằng việc Quốc hội cho phép Chính phủ quyết định một số giải pháp cấp bách chống dịch, trong đó có những điều không được quy định trong luật, là một quyết sách đúng đắn. Ví dụ, thẩm quyền chi tiêu trong chống dịch, nếu trong điều kiện dịch cấp bách mà chờ họp hành, trình các cấp có thẩm quyền thì sẽ mất thời cơ.
“Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm sự bình an của nhân dân, khôi phục lại cuộc sống bình thường, tôi hy vọng vào sự hợp tác của nhân dân với các lực lượng phòng chống dịch, vì họ đã phải gắng sức và quá tải trong suốt một thời gian dài rồi”, ông Bộ nói và kỳ vọng mỗi người dân hãy biết “vì mình, vì cộng đồng”.
Bộ đội chuẩn bị và chuyển lương thực, thực phẩm tới tận tay người dân TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Hải Hưng cũng cho rằng ngay trong kỳ họp đầu tiên của khóa mới, Quốc hội đã đánh giá rất đúng tình hình dịch bệnh. Theo ông, những giải pháp cấp bách chống dịch có ý nghĩa tăng cường tính hiệu lực pháp lý để giúp lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình mà không phải do dự, e ngại vi phạm pháp luật.
Ngoài chỉ đạo của Chính phủ và địa phương, sự góp sức của các lực lượng, trong đó có quân đội, trung tướng Nguyễn Hải Hưng cho rằng ý thức của mỗi người dân đóng vai trò rất quan trọng trong trận chiến chống dịch Covid-19.
“Nếu người dân thực hiện không tốt, việc chống dịch sẽ không đạt hiệu quả, thậm chí thất bại. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các lực lượng đảm bảo không để dân đói ăn, thiếu mặc. Vì vậy, người dân trong các khu cách ly, phong tỏa hãy yên tâm là có lực lượng hỗ trợ giúp cho mình mà hạn chế đi lại, chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch”, tướng Hưng nhấn mạnh.