13 lợi ích bất ngờ của yến mạch

Thảo Huyền

Yến mạch là một trong những thực phẩm vô cùng tốt cho sức khỏe. Theo các chuyên gia, rất nhiều lợi ích của yến mạch đã được kiểm chứng bằng các nghiên cứu khoa học.

Yến mạch đã có cách đây hơn 4.000 năm và được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại ngũ cốc”. Ngày nay, yến mạch là thực phẩm được ưa chuộng trên toàn thế giới. Vậy lợi ích của yến mạch là gì? Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để có thêm một số thông tin hữu ích về loại ngũ cốc thần kỳ này nhé.

Có các loại yến mạch nào?

Yến mạch là loại ngũ cốc nguyên cám rất giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ. Do yến mạch nguyên hạt (oat groats) mất rất nhiều thời gian để nấu chín nên thông thường người ta sẽ sử dụng các loại yến mạch đã qua chế biến trong các bữa ăn hàng ngày. Tùy vào mức độ chế biến mà chúng ta sẽ có các loại yến mạch khác nhau. Mức độ chế biến càng ít thì sẽ càng giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng:

- Yến mạch cắt nhỏ: Yến mạch nguyên hạt được cắt nhỏ thành 2 – 3 phần bằng lưỡi dao thép. Loại yến mạch này có thời gian nấu chín lâu nhất so với các loại còn lại.

- Cám yến mạch: Thu được khi xay yến mạch, thường được dùng để rắc lên các loại thức ăn. Cám yến mạch có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất so với các loại yến mạch kể trên và cũng có tác dụng giảm cân hiệu quả nhất.

- Yến mạch nguyên hạt cán mỏng: Yến mạch nguyên hạt được đem đi hấp, sau đó cán dẹp. Thời gian nấu chín của loại yến mạch này chỉ mất khoảng 4 – 5 phút.

- Yến mạch ăn liền: Có thời gian nấu chín nhanh nhất bởi vì chúng đã được cắt nhỏ và hấp chín. Khi dùng, bạn chỉ cần thêm nước nóng vào để trong 1 – 2 phút là có thể ăn được. Tuy nhiên, vì đã được chế biến nhiều nên loại yến mạch này sẽ chứa ít dưỡng chất hơn so với các loại còn lại.

- Bột yến mạch: Thường được sử dụng để làm bánh, dưỡng da…

Thành phần dinh dưỡng của yến mạch

Dưới đây là hàm lượng dinh dưỡng có trong 100g yến mạch nguyên chất:

  • Calo: 389 kcal
  • Chất béo bão hòa: 1.217
  • Chất béo không bão hòa đa: 2.535g
  • Chất béo không bão hòa đơn: 2.178g
  • Cholesterol: 0g
  • Natri: 2 mg
  • Kali: 429 mg
  • Carbohydrate: 66,27g
  • Chất xơ: 10,6g
  • Protein: 16,89g
  • Canxi – 5%
  • Sắt – 26%

Lợi ích của yến mạch đối với sức khỏe

Yến mạch được xem là một “siêu thực phẩm” giúp hỗ trợ các chức năng khác nhau trong cơ thể:

1. Tốt cho tim mạch

Yến mạch rất giàu chất xơ hòa tan, một dưỡng chất có thể làm giảm hấp thu cholesterol vào máu, từ đó giúp ngăn ngừa đau tim, đột quỵ và các bệnh tim mạch.

Ngoài ra, beta-glucan trong yến mạch còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Một nghiên cứu được thực hiện gần đây cho thấy các thực phẩm giàu chất xơ như yến mạch có thể giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch rất hiệu quả.

2. Hỗ trợ tiêu hóa

Chất xơ có trong yến mạch giúp loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể nhanh chóng và hiệu quả. Dưỡng chất này sẽ làm cho kết cấu của phân trở nên mềm giúp bạn dễ dàng đi tiêu, tránh táo bón. Do đó, đối với những người đang gặp vấn đề về đường ruột, yến mạch là thực phẩm rất hữu ích.

3. Ngăn ngừa đái tháo đường

Yến mạch có thể cải thiện sự nhạy cảm của cơ thể với insulin, một loại horrmone sản sinh bởi tuyến tụy phục vụ nhiều mục đích trong cơ thể. Việc ăn yến mạch thường xuyên có thể làm giảm lượng insulin, hạ đường huyết, làm giảm và duy trì mức độ glucose.

Ngoài ra, yến mạch còn có chứa nhiều chất xơ, các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều chất xơ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường trên 30%.

4. Hỗ trợ giảm cân

Yến mạch là thực phẩm có tác dụng giảm cân rất tốt. Các chất xơ trong yến mạch cần rất nhiều thời gian để tiêu hóa, không những vậy, trong yến mạch còn có chứa nhiều carbohydrate lành mạnh, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Ngoài ra, yến mạch cũng kích thích sự trao đổi chất trong cơ thể, giúp giảm cân.

5. Ngăn ngừa ung thư

Yến mạch có nhiều chất chống oxy hóa, giúp cơ thể khỏe mạnh, đồng thời giúp bảo vệ cơ thể khỏi các phân tử gây hại được gọi là các gốc tự do.

Không những vậy, yến mạch còn là một trợ thủ trong cuộc chiến chống ung thư. Yến mạch chứa selen, chất chống oxy hóa giúp sửa chữa và bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại.

lợi ích của yến mạch

6. Cải thiện tâm trạng

Yến mạch có thể chống lại chứng trầm cảm và giúp tâm trạng của bạn tốt hơn. Ngoài ra, loại thực phẩm này còn có chứa một lượng carbs lành mạnh, kích thích sản xuất serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh được sản xuất bởi tryptophan. Chất dẫn truyền này có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thèm ăn, giấc ngủ và tâm trạng.

7. Ngăn ngừa gàu

Các saponin có trong yến mạch giúp làm sạch da đầu và loại bỏ gàu. Không những vậy, lipid và protein còn giúp giữ ẩm cho da đầu và ngăn ngừa gàu quay trở lại.

8. Điều trị các hội chứng tiền kinh nguyệt

Bột yến mạch có chứa vitamin B6, một chất dinh dưỡng giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Vitamin này có thể giúp ngăn ngừa rối loạn tâm trạng vì nó giúp cơ thể tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và melatonin.

9. Ngăn ngừa bệnh thiếu máu

Hemoglobin là thành phần chính trong các tế bào hồng cầu. Khi cơ thể thiếu các tế bào hồng cầu sẽ gây ra bệnh thiếu máu. Triệu chứng thiếu máu bao gồm mệt mỏi, da nhợt nhạt, sưng tấy lưỡi, ngứa ran ở chân, thở dốc, chóng mặt và nhức đầu.

Mỗi khẩu phần yến mạch có chứa một lượng lớn chất sắt, điều này rất cần thiết cho sự hình thành hemoglobin, vì vậy công dụng của yến mạch còn giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu.

10. Tốt cho làn da

Ngoài đặc tính tẩy tế bào chết và làm sạch da, yến mạch còn có công dụng chống vi khuẩn, ngăn ngừa mụn trứng cá và các bệnh nhiễm trùng da. Các axit amin có trong bột yến mạch giúp giảm các đốm đồi mồi, thâm sạm… trên da.

11. Ngăn ngừa chứng đau nửa đầu

Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị chứng đau nửa đầu mãn tính thường có mức magiê thấp hơn so với người không mắc bệnh này. Vì vậy, sự cân bằng của magiê có thể giúp ngăn ngừa chứng bệnh này.

Magiê là một trong 5 khoáng chất dồi dào được tìm thấy trong yến mạch. Do đó, bạn nên thường xuyên thêm thực phẩm này vào chế độ ăn để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

12. Giảm nguy cơ hen suyễn ở trẻ em

Hen suyễn là một trong những bệnh phổ biến nhất ở trẻ em. Bệnh này có tác động trực tiếp lên đường thở và phổi, gây thở khò khè, viêm đường hô hấp, ho, đau ngực và hụt hơi. Một nghiên cứu cho thấy việc thêm yến mạch vào chế độ ăn uống của trẻ trước 6 tháng tuổi thực sự có thể làm giảm nguy cơ hen suyễn.

13. Cải thiện cơ bắp

yến mạch cán dẹp

Cải thiện cơ bắp là một trong những lợi ích tuyệt vời của yến mạch mà không nhiều người thực sự biết. Nếu bạn muốn cải thiện và tăng cường lượng cơ trong cơ thể mình, hãy thử bắt đầu buổi sáng bằng một bát yến mạch.

Ngoài ra, yến mạch còn là nguồn cung cấp carbohydrate lành mạnh bởi nó có chỉ số đường huyết thấp, nghĩa là nó sẽ thúc đẩy quá trình giảm mỡ và bảo toàn lượng cơ trong thời gian tập luyện.

Sắt được tìm thấy trong yến mạch cũng là một khoáng chất cần thiết để vận chuyển oxy thông qua dòng máu đến các cơ.

Cách chế biến yến mạch

Yến mạch có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau:

- Bạn có thể pha bột yến mạch với nước để thành một ly sữa yến mạch thơm ngon. Ngoài ra, đây cũng sẽ là một loại thức uống bổ dưỡng dành cho những người ăn chay hoặc bị dị ứng với các sản phẩm sữa.

- Bạn có thể sử dụng bột yến mạch xay nhuyễn để làm bánh quy, bánh mì, bánh ngọt và thậm chí là mì ống.

- Thay vì dùng bột ngô hoặc bột năng để nấu súp, bạn có thể dùng một hoặc hai thìa bột yến mạch để thay thế.

- Bạn cũng có thể dùng yến mạch nấu với thịt bằm, trứng, rau củ để tạo thành món cháo bổ dưỡng, lạ miệng.

Chọn và bảo quản yến mạch như thế nào?

các loại yến mạch

Dưới đây là một vài bí quyết nho nhỏ giúp bạn chọn lựa và bảo quản yến mạch:

+ Chọn yến mạch tùy vào mục đích chế biến. Chẳng hạn, nếu bạn muốn nấu nhanh, hãy chọn loại yến mạch ăn liền.

+ Nếu bạn muốn dùng yến mạch để khắc phục các vấn đề về da, hãy chọn mua bột yến mạch. Sau đó, hòa tan vào nước để biến thành dạng lỏng và sử dụng.

+ Bảo quản yến mạch trong các hộp hoặc lọ kín để tránh hơi ẩm hoặc côn trùng và tránh xa ánh sáng mặt trời.

Ăn yến mạch có gặp phải tác dụng phụ không?

Yến mạch được cho là loại ngũ cốc tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, dù vậy, nếu dùng không đúng cách, nó cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định:

+ Nếu ăn yến mạch không được nấu chín kỹ, bạn có thể bị tắc nghẽn đường ruột, đầy hơi.

+ Bản thân yến mạch không có chứa gluten nhưng trong quá trình chế biến, nhà sản xuất có thể thêm vào. Do đó, những người mắc bệnh celiac nên cẩn thận và chỉ nên mua những loại được ghi là “không chứa gluten”.

+ Ăn quá nhiều yến mạch có thể gây ra các bệnh đường ruột như bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích, viêm túi thừa, viêm loét đại tràng…

+ Không nên dùng cám yến mạch cho người thiếu máu vì nó có chứa phytates, một chất có thể ngăn cơ thể hấp thụ sắt, canxi và các khoáng chất khác.

Trên đây là một số lợi ích sức khỏe của yến mạch. Tuy nhiên, dù rất tốt cho sức khỏe nhưng bạn cũng đừng quá lạm dụng để tránh gặp phải những rủi ro không cần thiết.

Linh Chi