Ngày 28/12, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) vừa có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk báo cáo cung cấp thông tin.
Theo đó, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk báo cáo cung cấp thông tin liên quan vụ việc, bao gồm thông tin về hoạt động quản lý an toàn thực phẩm do địa phương thực hiện đối với các cơ sở vi phạm; các biện pháp xử lý; yêu cầu truy xuất triệu hồi và kết quả thực hiện đến thời điểm hiện nay.
Báo cáo gửi về Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường trước ngày 30/12/2024.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra truy xuất, xử lý vi phạm khi có đề nghị phối hợp trong phạm vi, chức năng quản lý.
Đồng thời, Sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản trên địa bàn các quy định và biện pháp kiểm soát, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi các nhiệm vụ đã được phân cấp cho cơ quan quản lý huyện, xã trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm theo phân cấp.
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) triệt phá 6 cơ sở của 4 đối tượng sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất giá đỗ bán ra thị trường.
Ngoài sử dụng vôi cục, nước giếng để sản xuất, các đối tượng sử dụng thêm hoạt chất 6-Benzylaminopurine (không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam). Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, thu giữ 20.357 kg giá đỗ đã ngâm hoạt chất; 37 can nhựa với 135 lít hoạt chất cấm trên.
Trong năm 2024, các đối tượng trên đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine. Trong đó, có một cơ sở sản xuất còn ký hợp đồng cung ứng giá đỗ cho cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn từ 350-400 kg/ngày.
Sau đó, Bách hóa Xanh cho biết, ngay khi có thông tin về sản phẩm giá đỗ của nhà cung cấp Lâm Đạo tại TP Buôn Ma Thuột có chứa chất 6 - Benzylaminopurine, Bách hóa Xanh đã ngưng nhập sản phẩm giá đỗ của nhà cung cấp này. Đồng thời, đơn vị tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm giá của nhà cung cấp khác để rà soát.
Lý giải nguyên nhân cơ quan chức năng không phát hiện sự việc này, ông Vương Minh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, cho biết mặt hàng giá đỗ thường sử dụng trong ngày nên rất khó kiểm tra, kiểm soát khi các cơ sở, đối tượng xấu lợi dụng điểm này.
"Qua sự việc, Cục sẽ phối hợp với các sở, ngành, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là nguồn gốc, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, Cục tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như rượu, bia, đường, sữa, lương thực, thực phẩm... đưa vào trong các quầy hàng, siêu thị để phục vụ dịp Tết", ông Sơn nói.
Cùng với đó, lãnh đạo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk xác nhận, đơn vị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột).
Theo đó, giấy chứng nhận trên được cấp vào ngày 22/4/2024, người ký cấp là ông Trần Ngọc Trịnh, thời điểm đó giữ chức vụ Chi cục trưởng.
Nội dung trên giấy chứng nhận: “Đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh sản phẩm: Sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh”.