5 “nên” - 10 “đừng” khi viết CV xin việc

Ngọc Anh

Mọi công việc đều bắt đầu bằng những bản CV nhưng không phải cứ gửi CV đi thì chắc chắn sẽ được mời phỏng vấn. Trước đó, CV của bạn sẽ phải trải qua bước sàng lọc để loại bỏ những ứng viên không phù hợp. Tuân thủ nguyên tắc 10 “đừng” - 5 “nên” khi viết CV xin việc sau đây để bạn luôn thuận lợi vượt qua vòng tuyển chọn.

5 “nên”

Trình bày ngắn gọn, rõ ràng

Một CV xin việc đơn giản, ngắn gọn, tập trung vào các điểm nổi bật sẽ thu hút nhà tuyển dụng hơn là CV dài dòng, thiếu trọng tâm.

Thể hiện thế mạnh của bản thân

Có thể là điểm mạnh về năng lực chuyên môn, về kỹ năng mềm và cũng có thể là thế mạnh về tính cách. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng những thế mạnh đó liên quan đến vị trí công việc mà bạn ứng tuyển để ghi điểm với nhà tuyển dụng.

Đưa ra các thành tích và giải thưởng (nếu có)

Chẳng có lý do gì để bạn giấu đi những thành tích nổi bật của mình trong khi đó chính là chìa khoá mở ra cánh cửa thành công của bạn. Hãy tin rằng nhà tuyển dụng sẽ bị chinh phục bởi những con số cụ thể và những chứng nhận thực tế cho năng lực làm việc xuất sắc của bạn.

Tùy chỉnh CV phù hợp với vị trí ứng tuyển

Mỗi người có thể ứng tuyển vào các vị trí khác nhau tại nhiều công ty. Do đó, hãy căn cứ vào mô tả công việc và yêu cầu của nhà tuyển dụng để điều chỉnh CV của mình sao cho phù hợp nhất với vị trí mà bạn ứng tuyển, tránh sử dụng một mẫu CV chung chung cho tất cả vị trí, tất cả công ty.

Không bao giờ quên thông tin liên hệ

Sẽ thật vô nghĩa nếu bạn tạo một bản CV xuất sắc về mọi mặt nhưng quên mất thông tin cá nhân. Nếu không để lại số điện thoại hoặc địa chỉ email thì làm thế nào để nhà tuyển dụng liên lạc với bạn?

10 “đừng”

sa3-1685420378.jpg
 

Đừng viết về những công việc không liên quan

Có thể bạn từng là một nhân viên pha chế cừ khôi nhưng nếu bạn đang ứng tuyển vị trí nhân viên văn phòng thì tốt nhất hãy bỏ qua kinh nghiệm làm việc đó. Cũng tuyệt đối không nên liệt kê những công việc ngắn hạn và tránh tiết lộ tốc độ nhảy việc liên tục của bạn trong CV. Nói cách khác, hãy đảm bảo rằng những kinh nghiệm làm việc mà bạn nêu ra có liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển.

Đừng mô tả kinh nghiệm làm việc theo hình thức liệt kê

Kể lể một cách quá chi tiết những việc bạn từng làm và có thể làm trong khi chúng quá vụn vặt và chẳng thể tạo ra giá trị cho công ty không khiến nhà tuyển dụng ấn tượng tốt với bạn. Thay vào đó, khi viết CV xin việc hãy nhấn mạnh những đóng góp của bạn trong việc thúc đẩy sự phát triển của công ty bằng những dẫn chứng và số liệu cụ thể để tăng tính thuyết phục.

Ví dụ: “Trong tháng … năm …, tôi đã tìm ra giải pháp X cho vấn đề Y và đem về cho công ty doanh thu Z”.

Đừng nói dối

CV là nơi trình bày sự thật, không phải sân khấu của những lời nói dối. Đừng để nhà tuyển dụng ấn tượng mạnh mẽ về bạn vì những lời nói dối vụng về bởi vì một khi họ thử tìm hiểu về điều mà bạn đề cập đến trong CV, lời nói dối của bạn sẽ bị vạch trần một cách đầy xấu hổ.

Đừng đề cập đến tuổi tác và tình trạng hôn nhân

Điều này có thể trở thành một trở ngại đối với bạn. Hãy chia sẻ về điều đó khi bạn có cơ hội tham gia vòng phỏng vấn bởi vì khi đó bạn hoàn toàn có thể thuyết phục nhà tuyển dụng bằng năng lực và thái độ của mình.

Đừng cố vẽ ra thật nhiều kinh nghiệm

Những công việc từ năm 2000 trở về trước dù tốt đến đâu cũng không quá hữu ích đối với thị trường lao động ở thời điểm hiện tại. Vậy nên, đừng cố vẽ ra thật nhiều kinh nghiệm bởi vì chất lượng quan trọng hơn số lượng.

Đừng sử dụng nhiều định dạng

Khi bạn chọn định dạng nào, hãy trung thành với nó vì định dạng của CV quan trọng không kém phần nội dung. Định dạng nhất quán giúp nhà tuyển dụng dễ dàng đọc CV và có thể làm nổi bật những năng lực then chốt của bạn.

Đừng dùng những email không chuyên nghiệp

Nếu đến nay bạn vẫn dùng những email kiểu: Enjoymylife123@gmail.com hay thaonguyenxanh@yahoo.com thì hãy thay đổi ngay. Việc tạo một email mới tốn không đến 2 phút đồng hồ và còn được miễn phí.

Đừng sử dụng những phông chữ quá cổ hoặc quá khó nhìn

Đừng sử dụng những phông chữ có chân vì nó thật lỗi thời và còn khiến CV của bạn trở nên rối mắt. Nên ưu tiên lựa chọn những phông chữ không chân vì nó giúp cho CV trở nên thuận mắt và dễ nhìn hơn.

 Đừng sử dụng văn nói

Nhất định phải sử dụng văn viết trong CV, tuyệt đối tránh sử dụng văn nói bởi vì điều đó khiến CV của bạn trông thiếu chuyên nghiệp và có phần thiếu trang trọng.

Đừng tiết lộ điểm GPA của bạn

Điểm số không phải yếu tố quá quan trọng khi bạn đi xin việc. Do đó, chỉ nên đưa điểm số trung bình vào CV khi bạn là sinh viên mới ra trường và GPA của bạn từ 3.6 trở lên.

Trên đây là những chia sẻ về nguyên tắc 10 “đừng” – 5 “nên” khi viết CV xin việc. Chúc các bạn có một CV thật ấn tượng và thành công chinh phục nhà tuyển dụng!

Trang Đoàn