Trẻ bị thiếu thốn tình cảm là một thực tế ngày càng phổ biến. Xã hội ngày càng phát triển thì cha mẹ càng bận rộn hơn với guồng quay công việc. Với lí do “Bận”, các bậc phụ huynh dường như không con quan tâm nhiều đến thời gian dành cho con.
Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, thiếu sự quan tâm của cha mẹ gây tổn thương cho trẻ nghiêm trọng hơn cả bị ngược đãi về mặt thể chất. Con của bạn, cũng giống như bất kỳ ai, cần rất nhiều những lời nói ngọt ngào, những nụ hôn, những cái ôm mỗi ngày.
Cha mẹ luôn tự trấn an mình rằng con đang được sống trong một ngôi nhà nơi chúng có thể nhìn thấy cha mẹ mình mỗi ngày, là nơi con không phải gánh chịu những tổn thương do bị lạm dụng hay bắt nạt. Chỉ thế thôi chưa đủ. Nuôi dưỡng một đứa trẻ không chỉ là việc tạo nên một không gian an toàn, cung cấp nhu yếu phẩm mà còn phải có sự quan tâm, cử chỉ yêu thương và gần gũi.
Khi cha mẹ dành quá ít thời gian và không gian để nuôi dưỡng cảm xúc của con, con có khả năng bị suy giảm cảm xúc. Nếu cha mẹ đang tự hỏi làm thế nào để có thể lấp đầy con bằng những cảm xúc lành mạnh, chẳng có gì tốt hơn khi các bậc phụ huynh chia sẻ nhiều thời gian với gia đình.
Trẻ luôn cần sự quan tâm của cha mẹ mỗi ngày (Ảnh minh họa)
Điều gì sẽ xảy ra khi trẻ bị thiếu thốn tình cảm?
Một đứa trẻ bị thiếu thốn tình cảm có một số triệu chứng tâm lý nhất định:
Dấu hiệu của sự lo lắng
Lo lắng là một triệu chứng thiếu thốn cảm xúc ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Khi thiếu vắng sự quan tâm của cha mẹ, trẻ có biểu hiện bất an, lo âu, sống lầm lì và chỉ thui thủi làm một mình khi sinh hoạt nhóm.
Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và tương tác xã hội
Sự phát triển tốt của ngôn ngữ chủ yếu nhờ vào nền giáo dục tốt từ thời thơ ấu. Tuy nhiên có một phần đóng vai trò quan trọng là sự tương tác với những người xung quanh. Nếu trẻ không có kỹ năng xã hội, vụng về hoặc kết quả học tập kém, khả năng thể hiện bản thân sẽ yếu hơn so với những đứa trẻ khác. Ngoài ra, việc tiếp thu ngôn ngữ sẽ chậm hơn.
Trẻ thiếu niềm tin vào người khác
Một đứa trẻ bị thiếu thốn tình cảm sẽ rất khó khăn trong việc tin tường người khác, kể cả với những người trong gia đình. Đứa trẻ cảm thấy bị hiểu lầm, bị bỏ rơi. Do đó trẻ sống thu mình để tránh những tổn thương về mặt cảm xúc.
Trẻ thiếu sự tập trung
Khi cha mẹ dành thời gian nói chuyện với con, con sẽ được sống trong môi trường nhiều hiểu biết. Trẻ được lắng nghe, được chia sẻ, trẻ sẽ chú ý đến những gì được nói với mình.
Ngược lại, khi cha mẹ không có thời gian cho trẻ, trẻ thường có xu hướng bị phân tâm vào những chuyện khác, thiếu sự tập trung để hoàn thành một việc nào đó được giao.
Trẻ không biết thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh
Cảm xúc không hề đơn giản để có thể kiểm soát. Đối với một đứa trẻ bị thiếu thốn tình cảm, nó càng trở nên phức tạp hơn. Chúng không biết làm thế nào để quản lý cảm xúc của mình, trẻ dễ cáu giận, bướng bỉnh, lo lắng.
Việc rèn luyện kỹ năng này đòi hỏi sự hợp tác kiên trì của cha mẹ. Cha mẹ nên quan tâm, chăm sóc trẻ mới hiểu được tâm lý của trẻ để gỡ rối cảm xúc của con, giúp con thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh.
Hà My (t/h)