8 loại đặc sản "nhúc nhích" ở Việt Nam, ăn một lần nhớ mãi cả đời

Ngọc Anh

Nhìn cảnh những con giun vàng, hồng, trắng trơn láng, lúc nha lúc nhúc khiến không ít thực khách phải nổi da gà, nhưng liệu có bao người biết rằng đây là loại đặc sản quý hiếm, tốn nhiều công nhặt nhạnh, đặc biệt chỉ có theo từng đợt nên dân buôn luôn hét giá ngất ngưởng.

Các loài sâu là nỗi sợ của không ít người. Nhưng ở Việt Nam, các “sinh vật không chân” này lại có thể trở thành đặc sản ẩm thực, theo cách chế biến và hương vị rất riêng ở từng địa phương. Các món từ sâu thậm chí còn có giá rất đắt đỏ, được săn lùng trong nước và gây sửng sốt với du khách nước ngoài.

1. Rươi

Thứ thức quà tuyệt vời của mùa thu phương Bắc mà chỉ xuất hiện cuối tháng 9 đầu tháng 10, khi những ngày nắng dài bất chợt mưa tầm tã hay mưa nhiều bỗng một ngày nắng hửng. Các cụ bảo thời tiết tháng 9 đỏng đảnh như cô gái tuổi đôi mươi, lúc nắng như giữa mùa hè, lúc lại se lạnh tưởng đã sang đông, nhờ chính cái thời tiết ấy mà rươi chui ra khỏi đất lên mùa sinh sôi. Vì vậy món ngon rươi mang lại cũng tựa như rét nàng Bân tháng 3, chỉ đôi ngày nhưng làm người ta ngóng đợi như một dịp hiếm có.

Theo tuần trăng lúc thuỷ triều lên cao, vào độ tháng 10 âm lịch là lúc con rươi ngon nhất. Rươi chỉ có ở vùng ruộng nước trũng Đồng bằng sông Hồng, và cũng chỉ những thửa ruộng nhất định mới cho ra con rươi với vị béo thơm đặc biệt. Chứ rươi bây giờ để đông lạnh thì có quanh năm nhưng cứ phải ăn đúng mùa thì mới tươi và ngon được.

Người nhìn không quen mắt sẽ thấy sợ, bởi con rươi hồng hồng xanh đỏ, nhớt nhớt lại dính bùn đất. Nhưng chính loại rươi nhìn còn xanh xanh nhạt mới là rươi tươi. Khi mùa rươi về, khắp các hàng các chợ đều bán rươi. Từ miền biển các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… rươi theo về tận thủ đô thỏa thú ăn ngon của người Hà thành.

Ảnh: Pháp luật và bạn đọc

2. Sá Sùng

Tại Việt Nam, tùy theo mỗi vùng, loài động vật này có nhiều tên gọi khác nhau như sâu đất, đồn đột, chặt khoai, giun biển, địa sâm, bi bi, con cạp đất, mồi nhưng người Quảng Ninh quen gọi là con sá sùng. Sá sùng được gọi lệch từ sa trùng. Sa là cát, trùng là giun, nói dễ hiểu là con giun cát.

Thoạt nhìn, ai cũng đều khiếp sợ với vẻ bề ngoài của một con giun màu hồng nhạt oằn mình uốn éo. Sá sùng thường có độ dài khoảng 5-10 cm, cũng có những con có độ dài đến 15–40cm, đường kính 20mm, nặng từ 1-3kg. Khi bị bắt lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại, tròn như một quả bóng, cái miệng bé như lỗ van bơm hơi.

Sá sùng có ở khắp các bãi triều ven biển từ thị xã Quảng Yên cho tới huyện Đầm Hà. Thế nhưng sá sùng ngon nhất phải kể đến 2 bãi triều Trước, Sau của Quan Lạn vì tại đây cát trắng, sạch, cho con sá sùng mình sáng màu. 

Để thu hoạch chúng, người ta sẽ phải chờ ngày nước cạn (thủy triều rút), từ sáng sớm đi thuyền ra những vùng cồn cát nổi giữa biển, dùng những chiếc thuổng dài xắn sâu xuống những lỗ nhỏ trên mặt cát sới lên để tìm và nhặt từng con. Đi đào sá sùng là một công việc khó khăn, gian khổ, đòi hỏi cả nhanh mắt và nhanh tay, là cả một nghệ thuật được những người dân (thường là phụ nữ) tích lũy sau nhiều năm vác mai trên đầm bãi nắng chang chang.

Trong chế biến món ăn, sá sùng khô còn được dùng như một loại gia vị lý tưởng có thể thay thế cho mì chính, hạt nêm, nước hầm xương ống để tạo độ ngọt cho nồi canh hay nước dùng. Chỉ cần một vài con sá sùng khô thả vào nồi nước hầm là có vị ngọt, thơm đặc biệt không loại xương nào sánh được. Bản thân con sá sùng khô có vị ngọt tự nhiên rất đậm nên chỉ cần nướng qua là đã thành một món ăn bổ dưỡng.

3. Đuông dừa

Đuông là ấu trùng dạng sâu của một số loại bọ cánh cứng, thường sinh sống trong cổ hũ của cây dừa, xuất hiện phổ biến nhất ở vùng Tây Nam Bộ, đặc biệt là tại tỉnh Bến Tre – xứ sở của cây dừa.

Ngoài dừa hay măng tre, một số loại cây thường có đuông sinh sống là chà là, cây cau,… Trong đó, quý hiếm nhất có lẽ là loài đuông chà là. Chúng không có ruột đen, không có lông như đuông dừa mà trắng muốt, sống trong những ngọn cây chà là mọc hoang dại thành từng bụi ở các vùng cù lao, bán đảo ở Trà Vinh. Đuông chà là hiện nay rất hiếm và giá thành khá đắt bởi mỗi cây chà là chỉ cho một con đuông. Hơn nữa, chúng rất thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng và ngọt béo như mùi sữa.

Thông thường, Đuông dừa sẽ được ăn sống bằng cách tẩm nước mắm. Ngoài ra, một số món ăn khác được chế biến rất cầu kì và lạ mắt như đuông lăn bột chiên, đuông rang, đuông nướng, cháo đuông, đuông luộc nước dừa,…

4. Sâu Tre 

Trong Y học cổ truyền, nhộng tằm có tên thuốc là Tàm dũng, có vị mặn, ngọt, bùi béo, tính bình, không độc, bổ dưỡng, nhuận tràng. Nhộng được bán nhiều ngoài chợ và có 2 loại. Một là loại đã luộc để lấy tơ và loại kia vẫn còn nguyên trong kén. Để lấy được nhộng, người ta phải cắt cái kén ra và nhộng còn sống nguyên. Loại đã luộc không đắt, nhưng loại nhộng chưa luộc ngoài chợ không bao giờ bán dưới 200 nghìn đồng/kg.

Đặc sản sâu tre được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau như: Sâu tre xào măng chua, sâu tre chiên giòn, sâu tre hấp, sâu tre đồ, sâu tre rang lá chanh… nhưng ngon nhất và phổ biến nhất là món sâu tre rang cùng với lá chanh. Bởi không chỉ đơn giản trong quá trình chế biến mà khi rang lên còn có mùi thơm phức khá độc đáo, khi ăn thì giòn tan trong miệng.

 

5. Sâu Chít

Sâu chít là loại ấu trùng sống trong thân cây chít - đặc sản nổi tiếng ở nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó có Lào Cai. Thoạt nhìn, sâu chít có hình dáng giống nhộng tằm nhưng nhỏ và dài hơn. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là thời điểm thu hoạch sâu chít. Cách phân biệt những cây chít có sâu là thân cây còi cọc, không ra hoa, thân phình to. Cây chít sau khi chặt về sẽ được tách làm đôi để lấy sâu. 

Ra khỏi đọt cây, những con sâu này được thả ngay vào chậu đựng rượu pha loãng để không bị biến chất và giúp sâu nhả hết chất bẩn. Người vùng cao thường dùng sâu chít để ngâm rượu hoặc chế biến thành các món ăn như rang lá chanh, tẩm bột chiên, nấu cháo… Người Mông còn dùng sâu chít để luộc chung với củ riềng chấm muối hoặc xào với các loại đọt bí, su su.

6. Nhộng Sầu Muồng

Đây được xem là đặc sản đầu mùa mưa của người dân Tây Nguyên. Sâu muồng có màu xanh đậm, mình trơn, không phủ lông trên cơ thể, bám trên lá cây và di chuyển bằng cách cong mình lại rồi vươn đầu ra phía trước. Vào những ngày trời nắng nóng, sâu bám thân mình vào cây muồng, loại cây trồng để chắn sương muối cho cà phê. Khi trưởng thành, sâu di chuyển về thân cây muồng để kéo kén thành nhộng. Đó cũng là lúc những con sâu ngủ dài và chờ đợi để được trở thành bướm với đôi cánh lung linh bay lượn khắp bầu trời Tây Nguyên.

Khi kén sâu phủ đầy trên lá và chuyển mình thành những nhộng sâu to tròn, cũng là lúc người dân nơi đây đi tìm bắt để chế biến thành những món đặc sản rất riêng của người Tây Nguyên. Nhộng sâu muồng có vị ngọt bùi, béo ngậy. Người dân Tây Nguyên thưởng thức món nhộng sâu độc đáo này bằng ba cách chế biến là xào, luộc và ăn sống.

7. Nhộng Tằm

Trước đây, ở một số vùng nông thôn, người ta thường trồng dâu để lấy tơ dệt lụa. Tuy nhiên, nông dân nên họ thường họ kết hợp với công việc ruộng đồng vì vậy nông dân phải làm việc cực nhọc suốt năm. Nhất là khi tằm ăn lên, họ phải làm việc cật lực suốt đêm ngày để hái dâu. Ban ngày thì bị nắng nóng (ngoài đồng ruộng), ban đêm bị sương lạnh (săn sóc cho tằm), khi ươm tơ, hai tay lại thường bị ướt. Hoàn cảnh và công việc như trên rất dễ bị chứng phong thấp, đau nhức khớp xương…

Thế nhưng, có điều khá lý thú là trong những gia đình làm nghề nuôi tằm, trồng dâu, rất ít khi thấy ai bị phong thấp, nhức mỏi, tê bại. Kể cả chứng đầu phong, chóng mặt của phụ nữ cũng rất ít có… Người ta cho rằng, đó là hiệu quả do họ thường ăn nhộng tằm. Vì vậy, tại các địa phương có nuôi tằm, người ta thường nhắc đến câu ngạn ngữ: “Nhà nào có nhộng tằm, suốt năm không sợ thương phong”. Theo Đông y, những bệnh do “phong” gây ra khá nhiều, như chứng tê phong thấp kinh niên, chứng đầu phong chóng mặt, đều là loại bệnh do phong gây ra.

8. Sùng đất

Sùng đất trưởng thành vào mùa mưa, độ giữa tháng 8 cho đến hết tháng 12 (âm lịch). Cứ mỗi độ đến mùa sùng đất, người dân lại tranh thủ "hái lộc" từ con vật trời cho này. Chúng thường sống ở các bãi bồi ven sông hoặc tại các vùng đất pha cát và nhiều lá mục, nơi có đất ẩm thấp ở trung du, miền núi...

Cách chế biến sùng đất cũng khá đơn giản, chỉ cần ngắt đuôi rồi ngâm trong nước, sùng sẽ trở nên sạch trắng hơn. Sau đó, chúng được nhúng nước sôi để cục mỡ xoăn lại. Bước sơ chế này sẽ khiến mỡ trong cơ thể chúng không bị văng ra, đảm bảo món ăn có hương vị ngon nhất.

Sùng sau khi được làm sạch thì cho muối ớt xanh vào xóc đều. Sau chừng năm phút, người chế biến sẽ cho sùng vào vỉ hoặc xâu thành từng xâu, đem nướng trên bếp than hồng. Sùng nướng vừa chín tới sẽ giữ được vị dai, thơm, ngọt và béo. Món ăn chỉ đơn giản là vậy, nhưng khi ăn bạn mới cảm nhận hết hương vị thơm ngon.

Cắn nhẹ một con sùng, ta nghe dậy mùi thơm, vị dai giòn bên ngoài hòa lẫn với phần sữa béo ngậy bên trong tứa ra, làm mê mẩn cả vị giác. Người Cơ Tu cũng truyền tai nhau bí quyết trước khi nướng, mổ bụng sùng đất rồi nhét nghệ tươi vào, như vậy món ăn sẽ có hương vị đặc biệt hơn.

Lúc trước, sùng đất nhiều vô kể nhưng người dân chỉ đào về cho gà ăn. Nhưng từ khi thông tin về công dụng trong chốn phòng the của sùng đất được lan truyền rộng rãi, nhiều nhà hàng, quán ăn, hoặc các tay sành nhậu… lại xuống tận nơi để thu mua với giá cao.

Ngọc Anh (T/H)