9 loại dược liệu được giới chuyên gia đánh giá cao

Thảo Huyền

Cây dược liệu là những loại cây có khả năng chữa bệnh hoặc hỗ trợ điều trị một căn bệnh nào đó. Chúng còn được gọi là thảo dược và được sử dụng nhiều trong Đông y hoặc y học cổ truyền.

Trên thực tế, vào đầu thế kỷ XXI, có đến 252 loại thuốc tân dược cơ bản và thiết yếu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép có nguồn gốc từ thảo dược. Đến nay, các loại cây dược liệu vẫn được mọi người tin dùng khi muốn chữa trị một căn bệnh nào đó.

Dưới đây là 9 loại dược liệu được giới chuyên gia đánh giá cao về đặc tính điều trị bệnh.

1. Cây bạch quả (gingko)

Cây bạch quả

Bạch quả là một trong những loại thảo dược tồn tại lâu đời nhất trong lĩnh vực y học cổ truyền. Ở Trung Quốc, nó cũng là một trong những loại dược liệu chính trong các bài thuốc.

Khi còn tươi, lá cây bạch quả được bào chế thành dạng viên nang, viên nén hoặc chiết xuất làm tinh dầu. Trong khi đó, lá bạch quả khô được khuyến khích tiêu thụ như một loại trà.

Tác dụng nổi bật nhất của cây bạch quả là tăng cường sức khỏe não bộ. Vì thế, những bài thuốc bào chế từ loại cây dược liệu này thường được dùng để điều trị cho người bị mất trí nhớ từ nhẹ đến trung bình. Nó cũng có khả năng làm chậm sự suy giảm nhận thức trong chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer.

Gần đây, kết quả của một số cuộc nghiên cứu còn cho rằng thành phần trong cây bạch quả có thể hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.

Mặc dù vậy, trên một số thử nghiệm ở chuột cho thấy, sử dụng cây bạch quả lâu dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan và tuyến giáp. Dù điều này vẫn chưa được chứng minh ở người nhưng những người bị men cao và đang gặp các vấn đề về tuyến giáp cần đặc biệt thận trọng khi muốn sử dụng loại cây này.

Bạch quả cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau dạ dày, đau đầu, chóng mặt hoặc dị ứng. Nó có khả năng tương tác với một số loại thuốc hoặc chất làm loãng máu. Vì thế, người bệnh cần trao đổi trước với bác sĩ để có hướng dẫn và chỉ định cụ thể khi muốn dùng cây bạch quả.

2. Củ nghệ

Bộ phận có nhiều tác dụng nổi bật nhất trong cây nghệ là củ nghệ. Theo Đông y, củ nghệ có đặc tính chống ung thư và có khả năng ngăn ngừa đột biến gene.

Củ nghệ cũng nổi tiếng với đặc tính chống viêm. Nó thường được dùng để giảm nhẹ triệu chứng cho người bị viêm da, viêm khớp, viêm dạ dày. Không những thế, bột nghệ hoặc tinh bột nghệ là loại gia vị không thể thiếu trên kệ bếp của nhiều gia đình.

3. Cây anh thảo

Cây anh thảo có hoa màu vàng rực rỡ. Tinh dầu chiết xuất từ hoa anh thảo có khả năng điều trị bệnh chàm da.

Dầu hoa anh thảo có đặc tính chống viêm. Vì thế, nó cũng có thể hỗ trợ điều trị bệnh viêm da dị ứng hoặc giảm đau do viêm nhiễm.

Các nghiên cứu gần đây cũng có thấy dầu từ hoa cây anh thảo giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bị đa xơ cứng, rối loạn hormone nội tiết hoặc quá nhạy cảm với insulin.

Cũng như những loại cây dược liệu khác, chiết xuất từ các bộ phận của cây anh thảo có thể tương tác với một số loại thuốc tân dược. Vì thế, trước khi muốn sử dụng các loại dược liệu có chiết xuất từ cây anh thảo, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ.

4. Hạt lanh

Hạt lanh là loại hạt được thu hoạch từ cây lanh. Trong khi đó, cây lanh là một loại thực vật được trồng nhiều ở Canada và vùng Tây Bắc nước Mỹ. Tuy nhiên, người Việt Nam có thể mua được hạt lanh ở các siêu thị hoặc cửa hàng trực tuyến. Người ta thường dùng hạt lanh để ép lấy dầu hoặc dùng nguyên hạt.

Tác dụng nổi bật nhất của hạt lanh là chống viêm và chống oxy hóa. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh hạt lanh có thể hỗ trợ giảm cân và giảm huyết áp.

Để tận dụng các lợi ích chữa bệnh của hạt lanh, nhiều người thường thêm nó vào sinh tố hoặc món salad trộn. Trong các công thức nấu ăn, bột từ hạt lanh là một trong những nguyên liệu bổ dưỡng cho các món canh, soup hoặc hầm. Ngày nay, chiết xuất hạt lanh đã được bào chế thành dạng viên nang để tăng tính tiện ích.

5. Tràm trà cũng là loại cây dược liệu được giới chuyên gia đánh giá cao

Tinh dầu chiết xuất từ cây tràm trà đã được chứng minh mang đến nhiều lợi ích cho các vấn đề về da. Thậm chí, kết quả của một cuộc nghiên cứu đã khẳng định siêu năng lực kháng khuẩn trên vết thương và ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng tại chỗ. Nhờ đặc tính này, tràm trà được xem là một loại cây dược liệu có nhiều đóng góp trong việc sản xuất các loại thuốc thảo dược kháng viêm, làm chậm sự phát triển của vi khuẩn.

Tuy nhiên, chiết xuất từ cây tràm trà chỉ an toàn khi dùng ở dạng bôi. Nó có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm nếu bạn dùng theo đường uống. Hơn nữa, tinh dầu chiết xuất từ cây tràm trà có thể phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia. Vì thế, bạn hoàn toàn có khả năng gặp phải các phản ứng dị ứng nếu da không tương thích với các thành phần của sản phẩm.

6. Cây dược liệu quý: Đông trùng hạ thảo

Không phải ngẫu nhiên mà đông trùng hạ thảo được xem là một trong những loại cây dược liệu quý bậc nhất trong thế giới thảo dược. Trong tự nhiên, loại dược liệu này mọc nhiều ở vùng cao nguyên Tây Tạng và dãy núi Himalaya. Vòng đời phát triển của loại dược liệu này được mô tả như sau:

Ban đầu, một loại ấu trùng sâu non sống trong lòng đất ăn rễ cây để lớn lên. Nếu không có gì thay đổi, ấu trùng này sẽ phát triển thành bướm. Song, khi bị nhiễm nấm Cordyceps Sinensis, cuộc đời của ấu trùng sẽ chuyển sang một hướng khác.

Khi đó, nấm ký sinh sẽ dần lớn lên thành sợi bằng cách hút hết chất dinh dưỡng trong cơ thể ấu trùng. Đến mùa xuân, thân nó sẽ dài ra từ xác của ấu trùng sâu non rồi vươn lên mặt đất trở thành đông trùng hạ thảo.

Đông trùng hạ thảo mang đến nhiều lợi ích trong việc tăng cường hệ miễn dịch, cường dương, dưỡng nhan và bồi bổ khí huyết. Với tác dụng chữa bệnh, đông trùng hạ thảo là loại cây dược liệu có ích cho người bị viêm phế quản, nhiễm trùng hoặc các bệnh ở đường hô hấp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đông trùng hạ thảo có thể gây khó chịu ở dạ dày và gây các phản ứng dị ứng.

7. Chiết xuất hạt nho

Chiết xuất hạt nho là loại dược liệu được bào chế ở dạng lỏng hoặc dạng viên nang. Tác dụng nổi bật nhất của chiết xuất hạt nho là chống oxy hóa. Ngoài ra, nó còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe người dùng trong việc giảm cholesterol LDL (có hại) và giảm các triệu chứng lưu thông máu kém ở tĩnh mạch chân.

Một số nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh người thường xuyên tiêu thụ chiết xuất hạt nho có khả năng ngăn chặn và chống lại tế bào ung thư. Bạn cũng có thể thụ hưởng các lợi ích của chiết xuất hạt nho từ rượu vang.

Tuy nhiên, loại dược liệu này có thể làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể. Nó cũng có khả năng tương tác với các loại thuốc làm loãng máu hoặc thuốc điều trị bệnh huyết áp. Người có những vấn đề trên cần được sự hướng dẫn chi tiết của bác sĩ trước khi muốn sử dụng chiết xuất hạt nho.

8. Lavender (hoa oải hương)

Tinh dầu hoa oải hương là loại dược liệu có khả năng xoa dịu căng thẳng, thư giãn đầu óc. Oải hương là một loại hoa màu tím, mùi hương khá mạnh. Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh mùi hương của hoa oải hương có tác động trực tiếp đến tâm trạng và khả năng nhận thức của con người. Loại dược liệu này cũng có tính an thần, giúp người dùng dễ đi vào giấc ngủ.

Khi sử dụng, bạn cần pha loãng với một loại dầu nền khác. Tinh dầu hoa oải hương thường được dùng ở đường bôi hoặc đường hít. Nó có thể gây độc khi bạn dùng đường uống.

9. Cây trinh nữ

Đặc điểm dễ nhận biết nhất của loại cây này là hoa màu tím. Khi chạm vào, lá cây khép lại làm người ta liên tưởng đến hình ảnh của một thiếu nữ e thẹn.

Cây cỏ ngươi có vị ngọt, tính hàn. Các bộ phận trên loại dược liệu này chứa nhiều nguyên tố vi lượng có lợi cho sức khỏe con người. Trong Đông y, cây cỏ ngươi có khả năng giảm đau, an thần, trấn tĩnh, giảm ho, tiêu đờm. Vì thế, những người hay mất ngủ hoặc mắc chứng suy nhược thần kinh thường được các thầy thuốc khuyên dùng cây cỏ người để hãm lấy nước uống. Thông thường, người ta hay lấy rễ, lá hoặc thân cây rửa sạch, phơi khô trước khi nấu. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tận dụng lợi ích của cây cỏ ngươi khi nó còn tươi.

Tùy theo sở thích, bạn có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp cây cỏ ngươi với me đất, lạc tiên hoặc mạch môn để sắc lấy nước uống mỗi ngày.

Các loại cây dược liệu có thể giúp bạn chữa trị tận gốc một căn bệnh nào đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng là đối tượng sử dụng phù hợp. Để đảm bảo an toàn, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông y trước khi sử dụng.

Minh Hạnh