Những dòng người rời TP.HCM và các tỉnh phía Nam vẫn không ngừng chen chúc,“kề sát nhau” trong những cung đường tràn về các ngả quê bất chấp vi phạm khoảng cách, giãn cách. Liệu đây có phải là điều cần thiết để bảo vệ sinh mạng của họ hay đang trực tiếp làm khó nỗ lực chống dịch của cộng đồng, xã hội?
Đêm 24, rạng sáng 25/7, hàng ngàn người từ các tỉnh phía Nam, tập trung thành những đoàn lớn đổ bộ về chốt kiểm dịch Cai Chanh (huyện Đắk RLấp, Đắk Nông). Trước đó, đêm 17/7, đến nửa đêm vẫn còn cả nghìn người xếp hàng dài cả km gần trạm Cai Chanh chờ được “thông chốt” về quê. Sự việc tương tự đã diễn ra từ nhiều ngày trước đó và không chỉ có ở mỗi đoạn đường này.
Nhìn những đoàn người với lỉnh kỉnh đồ đạc, với những chiếc xe máy giản đơn và trang phục bảo hộ chỉ là chiếc khẩu trang nhưng họ chen chúc, kề sát nhau như thể đại dịch Covid-19 chưa hề xuất hiện, như thể khoảng cách, giãn cách chỉ là chuyện “nhắc cho vui” mà chợt thấy rùng mình. Với tốc lộ lây nhanh khủng khiếp của biến chủng Delta nếu trong đám đông này nếu không may có một người là F0 thôi thì hậu quả thật không thể ngờ cho những người trên đường về quê tránh dịch.
Đã có F0 trong cộng đồng. Cũng đã có những ca nhiễm bệnh mà không có biểu hiện. Sự chủ quan của đám đông kia, thật sự đáng lo ngại, nó tiềm ẩn nguy hiểm cho chính bản thân mỗi người và cộng đồng.
Dẫu biết rằng khi dịch bệnh xảy ra, phải rời xa nơi mưu sinh, nghề kiếm sống để quay về quê là sự bất đắc dĩ, là nỗi niềm, trở trăn không dễ dàng gì của người lao động. Cùng đường, họ mới rời nơi cưu mang mình nhưng càng khó khăn càng phải bảo trọng sức khỏe của mình và người thân.
Một thực tế lo ngại khác nữa, ai biết trong số những dòng người đi xe máy từ các vùng dịch về quê này, có bao nhiêu người tự giác khai báo để được đưa đi cách ly tập trung, có bao nhiêu người lọt qua các hàng rào kiểm soát và không cách ly? Chỉ cần một vài người thiếu ý thức thôi, bao nhiêu công sức phòng chống dịch của toàn xã hội đổ sông, đổ bể trong phút chốc?!
Ai cũng có một chốn quê để quay về sau những buồn, vui, trắc trở nơi mưu sinh. Và các địa phương cũng có chủ trương sẵn sàng đón người dân của mình từ vùng dịch trở về. Nhưng đón như thế nào để có được an toàn tuyệt đối, không làm nảy sinh hay bùng phát dịch bệnh từ chính những người ở vùng dịch trở về là một điều được đặt ra.
Nếu như những chuyến đón người trong kế hoạch của các địa phương bằng máy bay, ô tô hay tàu lửa có thể khiến lực lượng chức năng dễ dàng trong việc quản lý, cách ly tập trung thì những chuyến trở về quê một cách tự phát của những người dân bằng phương tiện cá nhân lại có thể dễ để lại những sơ sẩy đáng tiếc. Rất nhiều trường hợp công dân trở về từ vùng dịch không khai báo y tế và làm lây lan dịch thậm chí còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự là những thực tế xót xa không thể quên.
Đón người trở về quê mang ý nghĩa nhân văn cao không chỉ với những đồng hương đang lâm cảnh khó mà còn là sự chia sẻ khó khăn với các địa phương đang có dịch. Nhưng việc đón này chỉ thật sự ý nghĩa khi nó không để lại những bất an cho các địa phương.
Và khi đại dịch đang tràn lan, gây căng thẳng như lúc này, hơn bất kể bao giờ, nên tuân thủ nghiêm ngặt giải pháp căn bản nhất đó là thực hiện Chỉ thị 16: Ai ở đâu ở yên đó.
Hãy thôi đổ ra đường, hãy ngừng trở về quê nếu có thể khi bạn đang sống trong vùng dịch, sự trở về của mỗi người không an toàn, là nguy cơ cho cộng đồng. Chúng ta đang phải cùng nhau vượt qua một hoàn cảnh đặc biệt, một thử thách trước dịch bệnh hiểm nguy chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đe dọa đến sự sống còn của rất nhiều người.
Hãy nghĩ đến chuyện sinh tử, đến thử thách sống còn trong mỗi hành động của bản thân lúc này. Và, mỗi người hãy nhìn lại tình cảnh mà Ấn Độ, mà Ý hay Indonesia đã trải qua đi. Những con số thống kê u ám về dịch Covid-19 ở đó cũng như ở trên toàn cầu thực là một lời cảnh tỉnh đáng lưu tâm. Đó rõ ràng không phải chuyện có thể khinh suất, có thể xem thường.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!