Vào lúc 7h45’ ngày 25/10, tại Trường THPT Hoành Bồ, trong giờ Chào cờ đầu tuần, 1 học sinh lớp 10 có biểu hiện ngộ độc, như: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay. Tiếp đó, có thêm 9 học sinh có biểu hiện tương tự. Ngay khi phát hiện sự việc, Ban Giám hiệu nhà trường đã cùng Tổ y tế sơ cứu ban đầu và chuyển các học sinh này đến Bệnh viện Đa khoa Hạ Long.
Qua rà soát nhanh cho thấy, các học sinh trên đã cùng sử dụng một loại kẹo không rõ nguồn gốc (màu xanh, có in chữ nước ngoài) do một học sinh nam trong lớp mang đến.
Qua xác minh của cơ quan chức năng xác định "kẹo" các em học sinh ăn đó là một loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ Mỹ, được chiết xuất từ cây cần sa và chỉ được dùng theo chỉ định của bác sỹ.
Liên quan tới vụ việc này, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho rằng, kẹo chứa cần sa không phải lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Trước đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện kẹo mút có chứa cần sa.
BS Hiển cho rằng các loại kẹo này có khả năng là kẹo không rõ nguồn gốc. Hiện tại Mỹ hay các quốc gia phát triển khác cần sa được sử dụng nhưng được chỉ định cho từng đối tượng và kẹo bánh cho trẻ em được kiểm soát rất chặt không thể có cần sa. BS Hiển khẳng định không ai có thể xách tay kẹo, thực phẩm chức năng chứa cần sa từ nước ngoài về qua đường chính ngạch nhất là các nước chưa có đường bay thẳng.
Theo bác sĩ Hiển khả năng các loại này được mua bán trôi nổi không rõ nguồn gốc, qua các đường tiểu ngạch đưa về trong nước. BS Hiển cho biết kẹo chứa cần sa nếu trẻ nhỏ ăn sẽ nguy hiểm vì cần sa là bước đầu gây nghiện.
Trong các chất gây nghiện, cần sa được xem là “lớp mầm non” để trẻ bước vào con đường nghiện chất. Vì vậy, việc kiểm soát các loại kẹo bánh trôi nổi không rõ nguồn gốc cần hết sức lưu ý. Phụ huynh nên giáo dục con cái không ăn các loại kẹo bánh không rõ nguồn gốc nhất là các sản phẩm có chữ nước ngoài không có nhãn phụ.
Một sản phẩm kẹo bánh chứa cần sa. |
Ngoài ra, dịp cuối năm cũng là dịp các loại bánh kẹo vào mùa, để đảm bảo an toàn thực phẩm khi sử dụng các loại này tuyệt đối không ăn các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc, có các chữ lạ trên sản phẩm.
Tại buổi "Tập huấn kỹ năng nhận biết một số chất ma tuý và công tác phòng, chống ma tuý tại cộng đồng" do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức, thiếu tá Ngô Quốc Khánh, báo cáo viên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Công an TP Hà Nội), cho biết, các đối tượng mua bán ma tuý đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ các bạn trẻ sử dụng ma tuý.
Một trong những thủ đoạn đó là tẩm cần sa vào các loại bánh, kẹo. Các loại kẹo mút cần sa xuất hiện trên mạng xã hội và được quảng cáo là "đồ ăn lạ", giá 35.000-50.000 đồng/que. Chocolate chứa tinh dầu, hạt cần sa có giá trung bình khoảng 350.000 đồng/hộp. Các sản phẩm chủ yếu là hàng từ nước ngoài, được một số đối tượng du học sinh mang về Việt Nam và rao bán.
Cần sa là loại ma túy được chế từ hoa và lá khô của cây cần sa tên latin là Cannabis Sativa. Loại ma túy này còn được biết đến với những tên khác như "cỏ", bồ đà, tài mà...
Cần sa nhìn giống như thảo cỏ, lá chè khô và có thể còn hạt hoặc còn các cành nhỏ. Cần sa có thể màu xám, xanh lá cây hoặc màu nâu. Cần sa thường được lăn bằng tay thành thuốc cuốn để hút, hoặc được hút bằng ống điếu. Một số người còn trộn cần sa với thức ăn như bánh ngọt hoặc bánh quy để ăn. Cần sa cũng có thể được trộn lẫn để hút cùng thuốc lá. Trẻ em sử dụng cần sa có thể gây nghiện.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng với liều dùng nhỏ, ảnh hưởng của cần sa có thể kéo dài trong vòng 5h đồng hồ và người sử dụng có thể cảm thấy khỏe khoắn và sảng khoái một cách lạ thường, giữ thăng bằng và kiểm soát cơ thể kém, khó tập trung, nhịp tim nhanh hơn, mất tập trung vào công việc khác.
Những ảnh hưởng này thường làm người sử dụng cảm thấy mọi thứ đều chậm chạp và có cảm giác buồn ngủ.