Bắc Giang: Quan điểm của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh đối với vụ “cưỡng chiếm” tại Nhà máy Cà phê Trung Nguyên

Ngọc Anh

Trước thông tin về vụ Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang bị nhiều đối tượng xâm nhập vào rạng sáng ngày 20/11, lãnh đạo Cục thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bắc Giang tỏ ra bất ngờ và chính thức lên tiếng với giới truyền thông.

Vi phạm nghiêm trọng Luật Thi hành án Dân sự   

Được sự ủy quyền của bà Cục trưởng Nguyễn Thị Bích Tần, ông Giáp Thế Anh – Phó Chánh văn phòng Cục THADS tỉnh Bắc Giang đã có buổi làm việc với phóng viên ĐS & PL.

Theo đó, ông Thế Anh khẳng định: “Cục THADS tỉnh Bắc Giang và các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh không thi hành bất kỳ bản án, quyết định nào của Tòa án liên quan đến Nhà máy cà phê Trung Nguyên Bắc Giang”.

Ngoài ra, ông Thế Anh còn cho biết thêm, Cục THADS tỉnh Bắc Giang chưa nhận quyết định ủy thác phối hợp thi hành án liên quan đến doanh nghiệp này.

Trụ sở Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bắc Giang.

Như vậy đã rõ, sự việc nhiều đối tượng xâm nhập Nhà máy cà phê Trung Nguyên Bắc Giang vào rạng sáng ngày 20/11/2021 không có sự tham gia của cơ quan THADS tỉnh Bắc Giang, cũng như Công an huyện Việt Yên.

Trước sự việc lùm xùm có dấu hiệu vi phạm pháp luật THADS nghiêm trọng này, ông Đào Xuân Cường- Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã cho biết: “Ban đã có văn bản gửi công an tỉnh. Để doanh nghiệp ổn định sản xuất, phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ai sai, người đó phải chịu trách nhiệm theo pháp luật”.

Theo Luật THADS hiện hành và các văn bản liên quan, một bản án, quyết định dân sự của tòa án có hiệu lực pháp luật sẽ được thi hành bởi cơ quan THADS các cấp.

Chính vì vậy, trước sự việc Nhà máy cà phê Trung Nguyên bị “cưỡng chiếm” vào ngày 20/11/2021, phía luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng: “Nếu lấy lý do thực thi bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật để tiếp quản Nhà máy, thì việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan THADS và phải theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Không một tổ chức, cá nhân nào có thể tự ý làm thay việc này….” 

Dư luận cho rằng, việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm này, các cơ quan này vẫn “im hơi lặng tiếng” một cách khó hiểu.

Tòa án đang xem xét quyền điều hành nhà máy

Trước đó, ngày 3/4/2020, Cục THADS tỉnh Bắc Giang ra văn bản số 444 gửi Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên. Văn bản này thể hiện nội dung:

“Thực hiện công văn số 93 ngày 10/3/2020 của chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc chuyển đơn của công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (Công ty Trung Nguyên) đề nghị xem xét, hỗ trợ giúp đỡ cho chủ sở hữu Công ty Trung Nguyên thực hiện các quyền và nghĩa vụ quản lý Nhà máy tại Chi nhánh Bắc Giang. Sau khi xem xét đơn và các tài liệu liên quan, Cục THADS tỉnh Bắc Giang hướng dẫn, hỗ trợ chủ công ty Trung Nguyên như sau:

Thứ nhất, về thi hành bản án số 39/2019/HNGĐ-PT: Tại đơn số 05/2020 ngày 2/3/2020 của Công ty Trung Nguyên kiến nghị cơ quan xem xét, hỗ trợ Công ty giải quyết một số vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu và thực hiện quyền sở hữu của công ty và các cổ đông có liên quan.

Theo bản án số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 5/12/2019 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, tuyên: “Giao ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu 3.000.000 cổ phần tương đương 15% vốn của Công ty Trung Nguyên, tương đương số tiền 87.035.400.000. Tuy nhiên, đây là bản án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Quyền lợi tuyên trong bản án liên quan đến cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ, không phải là quyền của Công ty Trung Nguyên. Do vậy, Công ty Trung Nguyên không có cơ sở để đề nghị bảo vệ quyền lợi của Công ty đối với nội dung này.

Hơn nữa, theo quy định của Luật THADS, việc thi hành bản án nêu trên thuộc thẩm quyền của Cục THADS TP Hồ Chí Minh. Do đó, đề nghị Công ty Trung Nguyên hướng dẫn ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên hệ với Cục THADS TP Hồ Chí Minh để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Văn bản Cục THADS tỉnh Bắc Giang gửi công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên ngày 3/4/2020

Thứ hai, nội dung tranh chấp quyền điều hành nhà máy: Công ty Trung Nguyên kiến nghị việc tranh chấp quyền điều hành nhà máy. Việc quản lý, điều hành nhà máy được thực hiện theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và các pháp luật khác có liên quan…

Hiện vụ tranh chấp quyền điều hành nhà máy đang được TAND tỉnh Bắc Giang thụ lý, giải quyết…”.

Đến đây, bạn đọc có thể thấy rõ, quyền điều hành Nhà máy cà phê Trung Nguyên Bắc Giang đang được Tòa án giải quyết theo thẩm quyền. Việc nhiều người xâm nhập và chiếm quyền điều khiển nhà máy này liệu có đúng pháp luật? Câu hỏi này xin gửi tới UBND tỉnh Bắc Giang và các cơ quan chức năng trong tỉnh. Nếu không giải quyết “thấu tình đạt lý” theo đúng thời hạn luật định, e rằng môi trường đầu tư của tỉnh này sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.