Bạn có thể là tác nhân hủy hoại cuộc đời 'chàng trai vàng của làng sinh đẻ'

Biên tập viên

Không biết cái danh xưng “chàng trai vàng của làng sinh đẻ” xuất phát từ “anh hùng bàn phím” nào, nhưng để nó lan truyền một cách chóng mặt như vậy thì chắc chắn là phải nhờ đến sức mạnh của mạng xã hội.

Thời đại bùng nổ của công nghệ, mạng xã hội đang ở trong thời kỳ vàng son. Nếu là một công dân 4.0 thì chắc hẳn bạn đã thấy sức mạnh của chúng ghê gớm đến thế nào. Mạng xã hội có thể biến một người thường thành ngôi sao trong mọi lĩnh vực. Có thể biến một người không biết hát trở thành ca sĩ nổi tiếng với “vựa ổi lớn nhất Hải Dương”; có thể biến một tên du côn trở thành idol của giới trẻ; và thậm chí là biến một cậu bé học sinh lớp 10 trở thành “chàng trai vàng của làng sinh đẻ”.

Cái danh xưng ấy đã nổi đình nổi đám trên mạng xã hội trong thời gian vừa qua, để rồi té ngửa ra đó chỉ là một câu chuyện hư cấu. Câu chuyện về nam sinh lớp 10 làm 4 bạn gái mang thai ở Phú Thọ lan truyền một cách chóng mặt trên mạng xã hội bởi những tình tiết “hót hòn họt”. Nào là nam sinh lớp 10 làm 4 bạn gái mang thai, trong đó có một trường hợp mang thai sinh đôi.

Thông tin này nóng tới mức chỉ sau ít giờ đồng hồ, hình ảnh nhân vật chính (cậu bé lớp 10 tội nghiệp) đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, trên các trang tin không chính thống với biệt danh “chàng trai vàng trong làng sinh đẻ”..

Tuy nhiên, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh thì hóa ra đó chỉ là thông tin bịa đặt. Thông tin bịa đặt này đã làm cho ban giám hiệu trường THPT Lâm Thao (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), phòng GD&ĐT huyện Lâm Thao, lãnh đạo sở GD&ĐT được một phen “hú vía”.

Tin đồn đã được bác bỏ, sự thật đã được xác minh. Thế nhưng, cậu học sinh lớp 10 - nhân vật chính trong câu chuyện - “chàng trai vàng của làng sinh đẻ” bất đắc dĩ này sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực như thế nào tâm lý; cuộc đời của cậu bé này liệu có bị mạng xã hội (mà nhân tố chính lại chính là bạn) hủy hoại hay không? Không một ai dám chắc điều đó, nhưng đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Đây không phải là “sản phẩm” đầu tiên được sinh ra bởi sức mạnh mạng xã hội bằng những thông tin chưa hề được kiểm chứng. Mới cách đây chỉ hai tháng, một câu chuyện tương tự đã khiến một nam sinh lớp 10 khác ở Bình Thuận lâm vào cơn bĩ cực.

Sức khỏe tiều tụy, tâm lý chấn động mạnh khi những hình ảnh của em bị phát tán trên mạng xã hội vì bị oan trong nghi vấn “cô giáo vào nhà nghỉ với học sinh lớp 10”. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của nam sinh khiến em và gia đình hết sức khổ sở vì những thông tin bịa đặt này.

Mạng xã hội là một con dao hai lưỡi vô cùng nguy hiểm. Là một công cụ tuyệt vời để phổ biến, tuyên truyền những thông tin mang tính giáo dục, nâng cao kiến thức, là cách nhanh nhất để người dùng tiếp cận những thông tin hữu ích.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng dễ dàng trở thành một công cụ hủy hoại cuộc đời của bất kỳ ai chưa thực sự sử dụng chúng một cách đúng đắn. Sẽ ra sao nếu một ngày nào đó, chính bạn và người thân trong gia đình bạn trở thành nạn nhân tiếp theo của con dao hai lưỡi này?

Để sử dụng mạng xã hội đúng cách, tận dụng nó như một công cụ hữu ích với cộng đồng, người dùng nên tập thói quen kiểm tra, xác minh thông tin từ những nguồn báo chí chính thống trước khi nhấn like, share và bình luận. Góp phần xây dựng một cộng đồng cư dân mạng văn minh, hiểu biết và đúng mực.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Theo Người đưa tin