Từ lâu, bánh đúc đã là một món ăn truyền thống dân dã của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Món bánh đúc lạc nguội được thưởng thức kèm với nước tương bần ấy đã được người dân Hà Nội sáng tạo và biến tấu thành món bánh đúc nóng để chiều lòng thực khách trong cái lạnh đầu đông.
Cũng giống như bánh đúc nguội, quy trình làm bánh đúc nóng phải được thực hiện vô cùng cẩn thận và tỉ mỉ từ khâu chọn gạo, ra bột đến khâu quấy bánh. Gạo phải được chọn lựa kĩ, ngâm vừa đủ, xay bột và quấy bánh dùng ngay thì cốt bánh mới mềm và dẻo lại thơm mùi gạo.
Góp phần làm cho bát bánh đúc nóng thêm ngon miệng thì không thể không nhắc đến những “gia vị” ăn kèm như rau mùi, hành phi, nhất là thịt nạc băm nhỏ xào với hành hoa và mộc nhĩ. Bát bánh đúc nóng ở nhiều nơi còn được điểm thêm sắc vàng của những miếng đậu phụ rán, vừa đẹp mắt lại ngon miệng.
Để có một bát bánh đúc nóng làm người ăn lưu luyến, nước chan dùng kèm phải được pha chế đầy khéo léo. Tuy mỗi nơi có một “bí quyết” riêng nhưng nước chan bánh đúc nóng ngon thường có vị chua ngọt thanh, đậm đà vừa miệng, tạo điểm nhấn cho món ăn.
Thấy từng hàng, từng gánh bán bánh đúc nóng xuất hiện trên đường phố Hà Nội là biết mùa đông đã về với người dân Thủ đô. Như một hương vị, một món ăn đặc trưng cho bữa xế chiều trong cái se lạnh, bánh đúc nóng đủ làm ấm bụng những “tín đồ ăn uống”.
Một món ăn dân dã không hề phô trương nhưng đủ lý tưởng cho những ngày gió mùa về. Đúng lúc thèm, lại rủ được vài người bạn, vừa ăn vừa rôm rả chuyện trò, bỗng thấy bát bánh đúc nóng như gần gũi và “ấm áp” lạ.