Bạo lực và trách nhiệm!

Biên tập viên

Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường gây chấn động dư luận và được đánh giá có diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.

Học sinh bị đình chỉ, sa thải, có em còn phải điều trị tâm lý tại bệnh viên tâm thần. Giáo viên thì bị khiển trách, có trường hợp nghiêm trọng, hiệu trưởng còn bị xem xét cách chức.

Đừng biến trường học thành nỗi ám ảnh của các em

Bạo lực học đường không phải bây giờ mới xuất hiện, nhưng trước tình hình này thì đâu mới là giải pháp tận gốc để giải quyết tình trạng này.

Điểm lại những vụ bạo lực học đường gây xôn xao dư luận, đáng chú ý trong thời gian qua: 

Ngày 29/3, một nữ sinh lớp 9 trường THPT Phù Ủng tỉnh Hưng Yên đã bị 5 nữ sinh khác lột đồ, đánh hội đồng ngay tại lớp học. Ngay sau đó, em phải nhập viện tâm thần để điều trị.

Đầu tháng 4, nữ sinh tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bị nhóm bạn bắt quỳ gối xin lỗi và tát liên tiếp vào mặt do nữ sinh tung tin đồn 1 nữ sinh lớp 8 cùng trường có thai.

Ngày 11/4, những hình ảnh về 1 nữ sinh mặc đồng phục trường THCS của tỉnh Quảng Ninh đánh bạn nữ cùng lớp ngay tại lớp học một cách dã man, nạn nhân chỉ biết ôm mặt, ngồi sụp xuống khóc.

Rồi 1 học sinh lớp 8 tại Long An bị bạn học lôi ra hành lang trường đánh. Theo em này thì trước đó có va vào 2 nữ sinh, nhưng em đã xin lỗi trực tiếp và nhắn tin qua điện thoại và sau đó em phải nhập viện.

Trước vấn nạn này, tôi nhận thấy trên các trang mạng xã hội, phản ứng của dư luận đang lên tiếng để khiển trách, nêu cao các tính trách nhiệm của thầy cô giáo trong nhà trường.

Nhận định này là hoàn toàn có căn cứ, các em đánh nhau tại trường học, dưới sự kiểm soát và quản lý của các thầy cô. Để việc bạo lực diễn ra, thầy cô giáo không tránh khỏi phần trách nhiệm. Thử hỏi, nếu thầy cô để tâm đến các em, quan sát các em và giáo dục các em hiệu quả hơn về vấn đề tâm lý và bạo lực thì những điều đáng tiếc đã không xảy ra.

Chỉ đơn giản, nếu sự việc đã xảy ra, thầy cô kịp thời có mặt, can ngăn, nghiêm khắc xử lý thì mọi chuyện đã không đi quá xã như vậy. Trường học là môi trường giáo dục văn hóa và đạo đức, ở đó là những giá trị mô phạm, kỷ luật. Chính những quan điểm này, mà khi có sự việc xảy ra, gia đình và xã hội đã lên tiếng phản ứng về trách nhiệm của nhà trường và thầy cô giáo.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, con em chúng ta đánh nhau, trách nhiệm phần lớn cũng là từ gia đình. Chúng ta nói thầy cô giáo dục, kiểm soát các em. Điều này đúng, nhưng không hoàn toàn.

Tôi từng chứng kiến những đứa cháu trong gia đình, ngay từ khi đi học mẫu giáo, hay vào lớp 1 đã được bố mẹ dặn: "Con không được để các bạn bắt nạt, đứa nào đánh con thì con phải biết bảo vệ mình hoặc mách cô giáo"

Đấy, chúng cũng được dạy phải biết phòng vệ, biết hành động nên chẳng trách lại dễ có khuynh hướng bạo lực như vậy. Rồi chưa kể, đối với nhiều gia đình, đứa trẻ luôn là nhất, luôn được nuông chiều và được đáp ứng mọi yêu cầu. Chúng muốn gì là đều có được, không biết san sẻ thứ mình có với người khác. Người lớn đôi khi lại tán dương cho những hành động bản năng, muốn là nhất của trẻ nhỏ.

Thực tế, có rất nhiều gia đình chỉ chú trọng đến kết quả học tập của con mà không chú ý đến việc các em nghĩ gì hay cách xử sự của con với bạn bè. 

Thiết nghĩ, đối với gia đình, con em của họ luôn là nhất, ở nhà 1 đứa trẻ chúng ta còn quản rất vất vả, huống hồ tại trường học hành trăm em học sinh. Chưa kể nhiều gia đình không hạnh phúc, không quan tâm đến sự phát triển và tâm lý của các em. Họ không muốn đứa trẻ cần gì, muốn gì. Vậy, đừng nên đổ hết lỗi lầm lên các thầy cô giáo, có giáo viên nào muốn các em đánh nhau.

Có thể thấy, bạo lực học đường xảy ra chủ yếu ở học sinh cấp II và cấp III do đây là giai đoạn chuyển biến tâm lý, các em muốn khắng định bản thân. Nhận thức của các em trong giai đoạn này đang có sự thay đổi, nó hướng về các lợi ích vật chất nhiều hơn, muốn thể hiện bản thân mang chất quyền lực.

Để có thể khắc phục bạo lực học đường hiện nay, cần có những giải pháp thiết thực và hợp lý và thực hiện một cách nghiêm ngặt:

Với nhà trường, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cần chủ động nắm chắc tình hình để có biện pháp giải quyết ngay khi học sinh có biểu hiện của những hành vi tiêu cực và bạo lực. Nhà trường cũng cần chú trọng trong việc giảng dạy một số môn học như kỹ năng sống, giáo dục công dân, trang bị nhận thức đúng đắn cho học sinh về hành động đẹp, tăng cường tinh thần.

Mới gia đình, thay vì chu cấp cho con nhiều về mặt vật chất, gia đình, và đặc biệt là cha mẹ cần là những người bạn đồng hành của con cái. Tránh tạo vỏ bọc cứng nhắc vì sẽ tạo tâm lý ý lại, dựa dẫm và hưởng thụ.

Đối với chính các em học sinh, cần có ý thức rèn luyện và tìm hiểu, nâng cao ý thức về hành động cũng như hậu quả của những hành động bạo lực đó. Trong lớp, cần tổ chức những nhóm bạn cùng tiến để nâng cao nhận thức và tăng cường sự trao đổi, tự khắc phục lẫn nhau trong học tập. 

Huyền Ly

 

Huyền Ly