Trưa 16/9, ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, dự kiến khoảng chiều thứ 6 (ngày 18/9), bão số 5 sẽ đổ bộ vào khu vực phía Bắc Thừa Thiên - Huế với cường độ cấp 10 đến 13.
Theo ông Hoài, thời điểm bão số 5 đổ bộ trùng lúc thuỷ triều dâng cao trong ngày khiến sức tàn phá sẽ lớn hơn.
"Hiện diễn biến của COVID-19 còn phức tạp nên phải đảm bảo an toàn chống dịch, hạn chế sơ tán dân tập trung", ông Hoài nói.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, bão số 5 là cơn bão có diễn biến nhanh, lúc 10h hôm nay, cấp gió mạnh ở cấp 8 và sẽ tăng cấp trong 24 đến 48h tới, mỗi ngày tăng 1-2 cấp.
"Mặc đù vùng xoáy tâm bão ở phía Đông nhưng hoàn lưu có xu hướng lệch Tây, tâm bão ở ngoài nhưng sẽ tác động bên trong (phía đất liền) có thể mưa và gió giật mạnh trước khi vào", ông Khiêm lưu ý.
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, dự báo về cơn bão này của các trung tâm dự báo quốc tế tương đối trùng khớp nhau.
Cơ quan dự báo của Hoa Kỳ, Nhật Bản đều nhận định cường độ mạnh nhất của cơn bão ở cấp 12. Ngày đổ bộ vào trưa đến chiều 18/6, nếu sớm có thể vào buổi sáng và khu vực đổ bộ là các tỉnh Trung Trung Bộ.
"Cường độ khi ảnh hưởng của cơn bão đạt cấp 10, 11 giật cấp 13, khu vực ven bờ từ Quảng Bình đến Đà Nẵng có thể đạt đến cấp 12. Vào đất liền cấp 10, cấp 11, ven bờ cấp cao nhất là cấp 12. Dự báo bão sẽ mạnh nhất khi ở cách đất liền khoảng 100km", ông Khiêm nói.
Theo ông Khiêm, cơn bão này có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cấp nên khả năng mạnh lên cao. Theo dự báo, ngày 18/9 bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, trọng tâm là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.
Bão sẽ gây mưa tập trung lớn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, thời gian mưa từ chiều mai (17/9) đến đêm thứ 6 (18/9) với tổng lượng mưa từ 200mm đến 300mm, các địa phương trọng tâm Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có thể 300-400mm. Mưa lớn trong thời gian ngắn gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng đô thị cao.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, bão số 5 có dự báo rủi ro cấp 4, cấp độ rủi ro cao nhất nên các bộ ngành, địa phương phải tập trung, chủ động có phương án ứng phó.
"Các bộ ngành, địa phương có kinh nghiệm ứng phó thiên tai nhưng không được chủ quản, chủ quan là thất bại. Phải chủ động theo dõi diễn biến của cơn bão để có biện pháp ứng phó kịp thời với mọi diễn biến, không được để bị động, bất ngờ", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Giao nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung đảm bảo an toàn trên biển, kiểm đếm tàu thuyền, các phương tiện vận tải, đưa các phương tiện về vùng tránh trú an toàn.
Các đơn vị tổ chức di chuyển người dân từ trên biển vào đất liền, đặc biệt là ở các khu nuôi trồng thủy hải sản, tuyệt đối không để người dân ở trên biển, phải cưỡng chế nếu cần; Sơ tán dân ở vùng nguy hiểm, nước ngập sâu, khu nhà ở không an toàn, đặc biệt là ở ven biển và trên đất liền các tỉnh tâm bão đổ bộ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương bảo vệ sản xuất, tiêu nước, chống úng, bảo vệ các công trình, nhất là các công trình đang thi công. Nhà ở của dân phải có biện pháp gia cố, nhất là mái nhà; Đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt ở các cửa sông, triển khai các phương án khác phù hợp với tình hình bão.
"Đảm bảo an toàn trong bão và sau bão, đặc biệt gắn việc ứng phó cơn bão với chống dịch COVID-19", Phó Thủ tướng lưu ý.